Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho rằng, các doanh nghiệp Việt hiện nay đã đủ năng lực và khát khao để làm chủ công nghệ, làm chủ thị trường trong nước, thậm chí là mang sản phẩm tiến ra khu vực nếu nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ chính sách, từ thị trường cũng như người dùng.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Hưng, cái chúng ta còn đang lúng túng là "luật chơi". Ông lấy ví dụ vụ kiện giữa Vinasun và Grab. Đó không đơn giản là sự xung đột giữa một doanh nghiệp taxi truyền thống với một hãng taxi công nghệ hoạt động xuyên biên giới, mà về bản chất là sự va chạm của các mô hình kinh doanh truyền thống với mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ.
"Mặc dù các cơ quan quản lý đã có những nỗ lực điều chỉnh, chúng ta cần thừa nhận rằng có một độ trễ nhất định trong chính sách, khi mà thực tiễn diễn biến quá nhanh và chính sách không thể theo kịp. Đây là vấn đề chung không chỉ ở Việt Nam mà của các nước trên thế giới, trong đó có cả các quốc gia phát triển”, Thứ trưởng nói.
Toàn cảnh Hội thảo Internet Day 2018, do Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) tổ chức.
Vậy phải làm thế nào để doanh nghiệp truyền thống, doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thể tồn tại và cạnh tranh bình đẳng với các nhà cung cấp dịch vụ dựa trên công nghệ? "Không có cách nào khác ngoài việc chúng ta phải xây dựng một luật chơi công bằng và bình đẳng, với hiệu lực đủ mạnh để tất cả các "người chơi" đều phải tuân thủ. Hai yếu tố AI (trí tuệ nhân tạo) và Privacy đóng vai trò chính cho sự thay đổi lớn này”, Thứ trưởng kết luận.
Trong thời gian tới, cơ quan quản lý, Hiệp hội và doanh nghiệp cần cởi mở, chia sẻ, trao đổi và thảo luận nhiều hơn, để cùng đồng hành, cùng hướng tới sứ mệnh phục vụ quốc gia, người dân Việt Nam. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước cũng cần chung tay, liên kết lại để hướng tới mục tiêu chung. “Điều đó sẽ giúp chúng ta nâng tầm nội lực của chính mình, vì cái chung đạt được thì cái riêng cũng sẽ được đáp ứng”, Thứ trưởng nêu quan điểm.