Tin KHCN trong nước
Hội thảo “Sáng tạo, Cộng đồng và Tác động: Giao thức vì tương lai” (21/11/2018)
-   +   A-   A+   In  
Hội thảo "Sáng tạo, cộng đồng và tác động: Giao thức vì tương lai" do Diễn đàn mở Kambria phối hợp với Lixibox tổ chức chiều 14/11/2018 tại TPHCM thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khởi nghiệp thành công đến từ Thung lũng Silicon (Mỹ), trong đó có 6 tỉ phú đô la. Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cùng cộng đồng khởi nghiệp đã tham dự sự kiện.

Đến nay, cả nước có trên 40 quỹ đầu tư trong và ngoài nước, hơn 50 khu không gian làm việc chung, 40 vườm ươm và tổ chức tăng tốc khởi nghiệp. Số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên công nghệ, tài sản trí tuệ, mô hình kinh doanh mới tăng nhanh (năm 2015, Việt Nam có khoảng 1.800 doanh nghiệp khởi nghiệp, năm 2017 tăng hơn 3.000). Tuy nhiên, chất lượng của ý tưởng sáng tạo và năng lực của các nhóm khởi nghiệp Việt Nam cần được cải thiện. Việt Nam chưa có doanh nghiệp khởi nghiệp nào đạt giá trị trên 1 tỷ USD (Doanh nghiệp Kỳ Lân - Unicorn), trong khi ở khu vực Đông Nam Á đã có 7 doanh nghiệp loại này (Singapo: 4, Inđônêxia: 3).
 

Hiện môi trường thể chế và kinh doanh của Việt Nam đã cải thiện, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhanh chóng hấp thụ và phát triển công nghệ mới. Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016 đã khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo. Thông qua các định chế của Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành, hoạt động đầu tư mạo hiểm cũng thuận lợi hơn.

Phát biểu tại sự kiện trên, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh khẳng định, các bài học về văn hóa khởi nghiệp và kinh nghiệm khởi nghiệp thành công tại Thung lũng Silicon, kể cả các bài học rút ra từ các thất bại, sẽ giúp cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam và các nhà hoạch định chính sách, trong đó có Bộ KH&CN, kịp thời đổi mới tư duy và điều chỉnh đối sách cho phù hợp với xu thế quốc tế và bối cảnh Việt Nam. Cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam, đặc biệt là khởi nghiệp dựa trên công nghệ, việc kết nối quốc tế để phát triển kiến thức, kinh nghiệm hoạt động và nguồn vốn đầu tư vào các ý tưởng, công nghệ mới là hết sức quan trọng. Đây cũng là một trong các giải pháp giúp nâng cao chất lượng, khả năng sinh tồn, phát triển và cạnh tranh của các doanh nghiệp khởi nghiệp trên thị trường.

Đối với Việt Nam, dù xuất phát điểm thấp nhưng có tiềm năng và cơ hội lớn để phát triển bứt phá. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp chủ động ứng phó thông qua việc tập trung phát triển hạ tầng số và kinh tế số; cải thiện môi trường thể chế và môi trường kinh doanh tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhanh chóng hấp thụ và phát triển công nghệ mới; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng, chất lượng cao; thúc đẩy hợp tác và hội nhập quốc tế. Đặc biệt là giải pháp thúc đẩy sự hình thành và phát triển hệ sinh thái thuận lợi cho hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, khuyến khích biến các ý tưởng sáng tạo thành doanh nghiệp khởi nghiệp khả thi và bền vững, mang lại lợi ích và giá trị gia tăng cho xã hội.

Để có một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo thuận lợi, cần sự chung tay liên kết chặt chẽ của tất cả các bên liên quan, trong đó có vai trò kiến tạo của Chính phủ thông qua các chính sách hỗ trợ phù hợp. Nguồn lực tài chính cho khởi nghiệp từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần và các định chế tài chính công - tư cũng đóng vai trò rất quan trọng. Ngoài ra còn có hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp, không gian làm việc chung, đội ngũ huấn luyện, tư vấn, cố vấn khởi nghiệp...

Đánh giá cao sự quan tâm của Chính phủ đối với cộng đồng khởi nghiệp công nghệ, các diễn giả đều cho rằng, Việt Nam có tiềm năng về nguồn nhân lực công nghệ cao và có môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp. Nhiều ý kiến khác thì cho rằng Việt Nam cần xây dựng văn hóa khởi nghiệp thông qua giáo dục và đầu tư vào nguồn vốn con người. Cần cải tổ hệ thống giáo dục từ cấp bậc mầm non tới đại học; giáo dục trẻ em tư duy phê phán, dạy cho học sinh biết cách giải quyết vấn đề thay vì thụ động thu nạp kiến thức.

Nguồn: Nasati

Số lượt đọc: 2493

Về trang trước Về đầu trang