Tin KHCN trong nước
Khoa học và công nghệ sát cánh cùng các ngành, địa phương giải quyết các vấn đề của thực tiễn (13/11/2018)
-   +   A-   A+   In  
Qua 3 ngày chất vấn và trả lời chất vấn sôi nổi của kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV (30/10-01/11/2018) về các vấn đề nóng được Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm, cùng với các thành viên Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đã khẳng định, trong giai đoạn gần đây, bám sát tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, chủ trương từ Nghị quyết TW Đảng khóa XII, ngành KH&CN đã sát cánh cùng các ngành, các địa phương để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Bộ trưởng cho biết, nếu như trước đây KH&CN thường dùng khẩu hiệu “gắn với KT-XH”, thì hiện nay, KH&CN đã tập trung vào hoàn thiện cơ chế, chính sách theo yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội để giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn của các ngành, lĩnh vực. Sự chuyển hướng từ chính sách có thể thấy trong tinh thần các Nghị quyết và sự chỉ đạo của Chính phủ đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Theo đó, các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, các viện nghiên cứu, trường đại học phải tập trung cao độ nâng cao năng lực của doanh nghiệp để có thể cạnh tranh thông qua vũ khí là KH&CN. Trên cơ sở của chính sách, KH&CN đã chuyển dịch mạnh theo hướng bám sát để phát triển các sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực, các chuỗi sản xuất trong nông nghiệp, công nghiệp với sự tham gia của toàn bộ đội ngũ KH&CN.

Từ Nghị quyết TW, Luật KH&CN sửa đổi năm 2013 cùng với các Nghị định liên quan gần đây như Nghị định 40 của Chính phủ, Nghị định 87 của Chính phủ đã thực sự tạo được hành lang pháp lý để thu hút chuyên gia, phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh và các Viện nghiên cứu, dần dần đáp ứng được yêu cầu của khu vực và quốc tế. Minh chứng cho điều này, Bộ trưởng đã đưa ra ví dụ về các nhóm nghiên cứu mạnh ở Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, các Trung tâm, Viện Nghiên cứu toán cao cấp. Hai Trung tâm khoa học dạng 2 về Toán học và Vật lý của Việt Nam được UNESCO công nhận đều đã tiếp cận được với trình độ quốc tế.

Bên cạnh những thuận lợi, Bộ trưởng cũng trăn trở về việc thiếu bóng các “trưởng ngành”, thiếu nhà khoa học đầu ngành đảm nhiệm các nhiệm vụ trọng điểm Nhà nước. Để khắc phục tình trạng này, vừa qua Bộ KH&CN cũng tập trung cao độ những chính sách thiết thực nhất trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Theo đó, đã có gần 100 nhóm nghiên cứu từ các quốc gia trên thế giới cùng phối hợp với các nhóm nghiên cứu trong nước, sẵn sàng đem công nghệ từ các quốc gia tiên tiến để chung sức giải quyết các vấn đề của thực tiễn trong nước.

Theo Bộ trưởng, có rất nhiều giải pháp thiết thực đã được triển khai trong thời gian gần đây để tạo điều kiện huy động nguồn lực của toàn xã hội cho KH&CN mà tín hiệu phấn khởi nhất là gần đây, đã xuất hiện các viện nghiên cứu tư nhân huy động được các nhà khoa học tài năng từ nước ngoài về làm việc, cùng chung sức phát triển khoa học nước nhà, phát triển lực lượng khoa học trong nước.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng cho biết, thời gian vừa qua, lối tư duy theo phương thức hành chính đã dần được thay đổi. Việc nghiên cứu đã theo đặt bài từ doanh nghiệp, từ khu vực nông nghiệp, công nghiệp để các kết quả được ứng dụng vào thực tiễn theo chuỗi giá trị. Điều này vừa giúp khu vực nghiên cứu có doanh thu từ sản phẩm để tự chủ và phát triển, vừa tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp với nhà khoa học. Đối với khu vực đại học, cái nôi của sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo, Bộ KH&CN đã phối hợp với Bộ GD&ĐT và các trường trọng điểm để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp sáng tạo trong sinh viên. Qua đó, đã xuất hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, có đóng góp cụ thể vào việc phát triển kinh tế.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về vị trí của KH&CN Việt Nam so với thế giới, Bộ trưởng đã nêu đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới thông qua xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam hiện đang ở vị trí dưới 50, điểm số xếp hạng cao hơn nếu so với trung bình của các chỉ số khác liên quan đến lĩnh vực kinh tế. Và để có được kết quả nêu trên thì không chỉ là nỗ lực của riêng ngành KH&CN mà còn là sự song hành của các chính sách đầu tư, chính sách kinh tế. Liên quan đến cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Trung ương Đảng và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời để định hướng phù hợp với một quốc gia đang phát triển. Năm 2017, Chỉ thị 16 của Thủ tướng về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã chỉ rõ từ nhận thức đến hành động của các bộ, ngành, địa phương để tận dụng được cơ hội và giảm thiểu các tác động tiêu cực do Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gây ra. Bộ trưởng đã lấy dẫn chứng việc ứng dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thành công thông qua việc sử dụng công nghệ BIM trong lĩnh vực xây dưng để thiết kế, thi công, vận hành các công trình cao tầng. Tương tự như vậy trong lĩnh vực ngân hàng tài chính, trong nông nghiệp và y tế cũng đã minh chứng được hiệu quả bước đầu.

Tuy nhiên so với kỳ vọng thì cần thêm rất nhiều sự chung tay của tất cả các ngành, các địa phương để cùng với cộng đồng khoa học tiếp tục triển khai những nhiệm vụ, giải pháp và kế hoạch của ngành KH&CN trong những chặng đường sắp tới.

“Chúng tôi xin tiếp tục được lắng nghe, tiếp thu, tiếp cận những phản hồi thông tin để làm sao cho tính phục vụ của khoa học ngày càng sát hơn với thực tiễn, và chắc chắn cùng với kết quả của các ngành và địa phương, KH&CN sẽ tác động mạnh mẽ hơn”.

Cũng tại buổi chất vấn, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã làm rõ một số vấn đề lớn được đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm.

Ứng dụng KH&CN liên ngành trong thích ứng với biến đổi khí hậu
Về những giải pháp KH&CN, chương trình hành động cụ thể để giải quyết các vấn đề xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai, Bộ trưởng khái quát: Chủ trương của Đảng, Nhà nước hết sức rõ ràng, nhất quán - đây thực sự là những lĩnh vực công ích. Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, đối với lĩnh vực này, dù là sử dụng giải pháp nào đều đòi hỏi sự liên ngành rất cao. Trong thời gian qua, Bộ KH&CN tập trung hết sức nhất quán, không chỉ xoay sang phục vụ phát triển kinh tế mà đã tập trung cho các chương trình về phòng, chống thiên tai và Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) trực tiếp chủ trì và Bộ KH&CN quản lý nhà nước.

Kết quả bước đầu dù còn khiêm tốn nhưng các nhà khoa học đã đóng góp cho kịch bản và nâng cao độ tin cậy của kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng đối với đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); đánh giá được thực trạng, xu thế, biến động và cơ chế, nguyên nhân xói lở và bồi đắp. Các nhà khoa học cũng đã đưa ra giải pháp chung cũng như công nghệ về mặt nguyên tắc để bảo vệ bờ biển; mô hình thử nghiệm để chống xói lở cho một số tỉnh và một số vùng đồng bằng; các giống lúa chịu mặn, chịu hạn và giống vật nuôi để thích ứng; mô hình canh tác và nhiều hoạt động khác, kể cả bản đồ Atlat biến đổi khí hậu để ứng dụng thực tiễn.

Tương tự như vậy, về tình hình khô hạn tại tỉnh Ninh Thuận, Thủ tướng đã chỉ đạo theo tinh thần Quyết định 264 và có 03 dự án giao cho ba ngành là TN&MT, KH&CN và NN&PTNT. Bộ trưởng nói: “Chúng tôi cũng đã triển khai bước đầu và có những kết quả chuyển giao để Bộ NN&PTNT đưa vào vùng này”.

Về sinh kế, cũng có những chỉ dẫn địa lý như chỉ dẫn địa lý cho thịt cừu của Ninh Thuận năm 2017. Tương tự như vậy, các giống lúa chống ngập mặn như ÔM1, ÔM2, 5/000 nước mặn bây giờ đã phổ biến ở ĐBSCL và phục vụ cho xuất khẩu.

“Báo cáo sơ bộ như vậy để thấy đây là một vấn đề thực sự có tính liên ngành lớn, đòi hỏi rất nhiều sự quan tâm. Ví dụ tích lũy hơn một chục năm vừa rồi, chúng ta có thể tự hào rằng, Trung tâm dự báo khí tượng của chúng ta được quốc tế thừa nhận là một mắt xích và trung tâm của khu vực” - Bộ trưởng cho biết và hy vọng, dù chưa hoàn toàn đáp ứng được kỳ vọng nhưng chắc chắn với sự quan tâm của đại biểu và cử tri, với trách nhiệm của chúng tôi, trong thời gian sắp tới, Trung tâm sẽ đạt được như kỳ vọng.

Áp dụng công nghệ để xử lý tro thải các nhà máy nhiệt điện than
Liên quan đến vấn đề trách nhiệm khi một số nhà máy nhiệt điện than sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, Bộ KH&CN đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ để ban hành Quyết định số 78/2013/QĐ-TTg về danh mục và lộ trình phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng phải loại bỏ và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới. Nội dung gồm 2 vế: Tiết kiệm năng lượng và xử lý vấn nạn công nghệ lạc hậu.

Cũng trong năm qua, Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi đã được Quốc hội thông qua với tinh thần, tất cả các dự án đầu tư xây dựng mới sẽ được điều chỉnh chặt chẽ bởi Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, để có phân cấp, điều chỉnh và sửa đổi cụ thể, đảm bảo không có nguy cơ công nghệ lạc hậu trong giai đoạn tiếp theo.

Ngoài ra theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&CN đảm nhận thêm 2 vai trò: Một là làm sao chủ động được nguồn lực trong nước, đặc biệt các dự án mà người Việt Nam làm tổng thầu EPC; Thí điểm ở một số dự án đã cho phép sự tham gia của cộng đồng khoa học và doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hai là: Chính phủ cũng giao Bộ KH&CN phối hợp với các bộ nghiên cứu hướng sử dụng tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện sản xuất ra vật liệu xây dựng phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam. Trên thực tế, nhiều kết quả ban đầu đạt được khá tốt như dự án DAP Đình Vũ đã nghiên cứu sử dụng tối đa tro, xỉ, thạch cao, thay thế đất sét và làm phụ gia để sản xuất xi măng, từ đó sản xuất vật liệu xây dựng thay thế nhập khẩu (công suất khoảng 700 nghìn tấn/năm).

Ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố về an toàn phóng xạ 
Theo Bộ trưởng KH&CN, Bộ đã phối hợp với cơ quan chức năng đánh giá lại công nghệ của phế liệu nhập khẩu đầu vào làm nguyên liệu sản xuất.

Về kiểm soát phế liệu nghi nhiễm chất phóng xạ, hiện cảng Cái Mép và Thị Vải đã được trang bị mỗi cảng 08 cổng có thiết bị đo phóng xạ, vì thế, phế liệu sắt, thép qua đây được kiểm soát. Ngoài ra, Bộ KH&CN cũng tiến hành rà soát, quản lý chặt chẽ hoạt động kiểm tra chất lượng trên toàn lãnh thổ, phối hợp với Bộ TN&MT có danh sách các nhà nhập khẩu, danh sách doanh nghiệp sản xuất. Đồng thời, Bộ đã chỉ đạo Sở KH&CN tại địa bàn phối hợp với Sở TN&MT và cơ quan chức năng rà soát, phát hiện trên địa bàn để đánh giá và kịp thời có biện pháp xử lý.

Với việc ứng phó nguy cơ phóng xạ hạt nhân, trên cơ sở tham mưu của Bộ KH&CN, Thủ tướng đã phê duyệt mạng lưới quan trắc phóng xạ và mạng lưới quản lý sự cố. Mạng lưới này đã triển khai được 05 điểm tại Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Phòng và Hà Nội và kết nối online về Bộ. Năm sau, mạng lưới này sẽ được mở rộng ra một số tỉnh. Hiện Thủ tướng đã phê duyệt kế hoạch ứng phó quốc gia và 45 tỉnh, thành phê duyệt kế hoạch ứng phó của địa phương. Bộ KH&CN cũng đề nghị Chính phủ ưu tiên bố trí vốn để Bộ có nguồn mở rộng mạng lưới trên ra toàn quốc vào năm 2021.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng thông tin, năm 2017, cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam và Trung Quốc đã ký thoả thuận trao đổi về an toàn bức xạ hạt nhân để kịp thời phối hợp trong lĩnh vực này.

Chiến lược SHTT quốc gia: Giải pháp tiếp cận mới về SHTT
Về thời gian cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, Bộ trưởng cho biết: Bộ đang quyết tâm xử lý vấn đề này. Cụ thể, ngay trong quý II năm 2019, Bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược quốc gia về Sở hữu trí tuệ (SHTT) với một giải pháp tiếp cận mới về SHTT, có biện pháp thực sự để SHTT phục vụ tốt hơn cho sự phát triển KT-XH.

Thống kê cho thấy 9 tháng đầu năm 2018, Bộ KH&CN đã cấp gần 20.000 văn bằng bảo hộ, trong đó sáng chế tăng 60%, độc quyền giải pháp hữu ích tăng 144%... với tinh thần chung là ưu tiên xử lý các vấn đề liên quan đến chỉ dẫn địa lý, tạo thuận lợi thương mại hóa cho các sản phẩm hàng hóa, đặc biệt sản phẩm hàng hóa xuất sang các thị trường như EU và Nhật Bản.

Nguồn: Trung tâm NC&PT truyền thông KH&CN và Văn phòng Bộ

Số lượt đọc: 3007

Về trang trước Về đầu trang