Tin KHCN trong nước
Hoàn thiện thể chế theo hướng thuận lợi cho các hoạt động kinh tế số (26/10/2018)
-   +   A-   A+   In  
Phát biểu tại Hội thảo và Triển lãm quốc tế Smart IoT Việt Nam 2018, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, nước ta cần sớm hoàn thiện thể chế theo hướng tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh tế số và các mô hình kinh doanh mới hình thành từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ngày 24/10 tại TPHCM, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tập đoàn IEC, Hiệp hội Internet Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo và Triển lãm quốc tế Smart IoT Việt Nam 2018 với chủ đề “Hiện thực hóa tiềm năng và khai phá thị trường IoT của Việt Nam”. 

Tham dự sự kiện có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương, địa phương và gần 1.200 đại biểu đến từ các đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
 
Phát biểu tại phiên toàn thể, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhận định, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, internet vạn vật (IoT) được coi là công nghệ đóng vai trò then chốt để nâng cao năng lực sản xuất và tạo ra sự thay đổi lớn về mô hình kinh doanh. Tuy nhiên, nếu chỉ coi IoT đơn thuần là công nghệ thì chưa đầy đủ và toàn diện, mà phải coi IoT là cuộc cách mạng về chính sách và công nghệ.
 
Với quan niệm trên, ông Nguyễn Văn Bình cho rằng, Việt Nam cần sớm xây dựng và triển khai đề án phát triển kinh tế số quốc gia và các chiến lược chuyển đổi số với các ngành kinh tế, kỹ thuật quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Đồng thời, cần có chính sách nâng cấp các ngành sản xuất thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa, trọng tâm là trong các ngành công nghiệp chế tạo.
 

Ông

 
Ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, phát biểu tại Hội thảo.
 
Ông Bình cũng nhấn mạnh, nước ta cần sớm hoàn thiện thể chế theo hướng tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh tế số và các mô hình kinh doanh mới hình thành từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. “Một trong những vấn đề then chốt trong phát triển IoT là phải bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng” – ông Bình nói.
 
Cùng quan điểm này, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói: “Việt Nam phải phát triển một nền tảng công nghiệp về an ninh mạng. Đồng thời, cần xem IoT là một ngành công nghiệp, trước hết là công nghiệp sản xuất sensor. Muốn vậy, cả quản lý nhà nước, doanh nghiệp cần có sự đột phá trong tư duy, chính sách và cách tiếp cận phát triển IoT.”
 
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, thuận lợi lớn nhất của nước ta trong phát triển IoT là có hạ tầng viễn thông tốt, một số doanh nghiệp viễn thông mạnh có khả năng đầu tư trước về hạ tầng phủ sóng toàn quốc. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã quy hoạch đủ số điện thoại, địa chỉ IP cho hàng tỷ thiết bị IoT.
 
Trong khi đó, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, do IoT là công nghệ mang tính cách mạng, dẫn dắt sự thay đổi trong tương lai, ứng dụng được trong mọi ngành nghề nên Bộ KH&CN đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển, trong đó có bổ sung mô đun, thiết bị, phần mềm, giải pháp tích hợp IoT. Như vậy có nghĩa là, doanh nghiệp khi sản xuất sản phẩm IoT, ứng dụng công nghệ IoT trong sản xuất sẽ được nhận những ưu đãi cao nhất theo pháp luật về công nghệ cao.
 

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh

 
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu tại Hội thảo.

Ngoài ra, Bộ KH&CN cũng đã ban hành và đang tổ chức thực hiện Chương trình KH&CN trọng điểm quốc gia “Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0”, trong đó phát triển, ứng dụng công nghệ IoT là một trong những mục tiêu của Chương trình.

 

Các diễn giả trình bày tham luận tại Hội thảo

 
Các diễn giả trình bày tham luận tại Hội thảo.
 
Trong phiên báo cáo toàn thể, các diễn giả còn tập trung trao đổi những triển vọng phát triển và xu hướng ứng dụng công nghệ IoT tại Việt Nam và các nước trong khu vực châu Á. Các tham luận còn đề xuất các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và liên kết số trong tiêu thụ sản phẩm; hoặc các kế hoạch nhằm khai phá tiềm năng ứng dụng IoT trong các ngành kinh tế và thâm nhập thị trường IoT ASEAN.
 
Trong khuôn khổ Smart IoT Việt Nam 2018 còn có ba phiên hội thảo chuyên đề về “Bảo đảm an toàn và an ninh mạng trong kỷ nguyên IoT”, “Ứng dụng IoT trong đô thị thông minh” và “IoT và cuộc cách mạng trong ngành sản xuất”.

Nguồn: khoahocphattrien

Số lượt đọc: 2943

Về trang trước Về đầu trang