Tin KHCN trong nước
Công nghệ lưỡng dụng: Hướng đi nào cho Việt Nam? (10/10/2018)
-   +   A-   A+   In  
Tại Việt Nam, chúng ta đang nói nhiều về Cách mạng công nghiệp 4.0, trong khi vai trò của công nghệ lưỡng dụng vốn hết sức quan trọng thì lại ít được quan tâm.

 
Công nghệ lưỡng dụng (dual-use technology) là thuật ngữ dùng để chỉ những thành quả nghiên cứu và sáng chế có thể được triển khai để đồng thời thỏa mãn nhiều hơn một mục đích, cả quốc phòng lẫn dân sự. Lấy ví dụ, mạng Internet và hệ thống định vị vệ tinh GPS đã được quân đội Hoa Kỳ sử dụng rất lâu trước khi mở rộng sang các lĩnh vực khác; hay không khó để biến công nghệ tên lửa đạn đạo thành nền tảng cho các tên lửa đẩy phóng vệ tinh địa tĩnh phục vụ nghiên cứu, quan trắc; cũng như dây chuyền chế tạo những chủng loại khí tài và trang bị như xe tăng, radar, tàu chiến, máy bay, tàu ngầm, … là rất lý tưởng cho việc triển khai sản xuất đại trà hàng loạt sản phẩm dân dụng như ôtô, máy móc, thiết bị điện tử, …
 
 
Một thực tế là các cường quốc công nghiệp phát triển nhất thường có xu hướng ưu tiên dành những thành tựu nghiên cứu khoa học công nghệ mới, nổi bật và đỉnh cao nhất để ứng dụng trước tiên vào mục đích quốc phòng, để rồi từ đó sẽ mang lại tiềm năng phát triển kinh tế xã hội to lớn nếu đã tính đến yêu cầu “lưỡng dụng”. Chính nhờ sở hữu các tập đoàn, tổ hợp lưỡng dụng hùng mạnh mà những cường quốc phương Tây … mới có thể duy trì ưu thế vũ trang cùng năng lực cạnh tranh hàng đầu trên thị trường thương mại, dân sự. Chẳng thế mà luật pháp của nhiều nước thường có những quy định hết sức chặt chẽ về việc giải mật các thành tựu quốc phòng để chuyển sang phục vụ dân sinh. Cũng bởi tính nhạy cảm, liên quan đến lợi ích cùng an nguy quốc gia mà các chế tài đơn phương và đa phương quốc tế thường tìm cách dựng lên những rào cản ngặt nghèo nhằm kiểm soát hoạt động mua bán, chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng.
 
 
.
 
Hãng Kawasaki Heavy Industries nổi tiếng với sản phẩm tàu cao tốc Shinkansen và xe máy, đồng thời cũng là nhà thầu lớn cho Bộ Quốc phòng Nhật Bản. Hình bên trái là máy bay săn tàu ngầm P1. Ảnh: Wikimedia.
 
Có thể thấy, trình độ phát triển công nghệ quân sự càng cao thì khả năng “lưỡng dụng hóa” lẫn lợi ích thu được càng lớn và sâu rộng. Tuy nhiên, làm sao để đạt được hiệu quả cao nhất trong việc khai thác và phát huy lợi thế của công nghệ lưỡng dụng thì lại là vấn đề không hề đơn giản. Điển hình như Nga và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, mặc dù có tiềm lực quốc phòng và vũ trụ rất mạnh, nhưng những sản phẩm dân dụng của họ, như ôtô, máy móc, thiết bị điện tử và bán dẫn, … lại có chất lượng và mẫu mã thua kém xa so với phương Tây, bên cạnh sự hạn chế về năng lực sản xuất quy mô lớn. Ngược lại, Nhật Bản với truyền thống từ trước Thế chiến II, đã và đang sở hữu những tổ hợp lưỡng dụng tư nhân đứng đầu thế giới như Mitsubishi, Kawasaki hay Ishikawajima Harima Heavy Industries, … mô hình được Hàn Quốc học tập và vận dụng rất thành công. Hay Thụy Điển, đất nước thanh bình, xinh đẹp và đi đầu về đổi mới sáng tạo này thực chất cũng rất nổi tiếng trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí với các tên tuổi như Saab, Volvo, BAE Systems AB … Đó là những bài học rất có giá trị về việc chậm chân hay kịp thời chuyển đổi, ứng dụng các thành tựu nghiên cứu quốc phòng sang mục đích dân sinh.
 
 
Nhiều năm nay, Hoa Kỳ luôn là quốc gia số một về công nghệ lưỡng dụng với những Lockheed Martin hay Boeing... Nhưng trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã khiến thế giới phải kinh ngạc khi đạt được nhiều thành tựu đột phá trên hầu hết các lĩnh vực quan trọng,… và họ làm được điều đó hoàn toàn dựa vào sức mạnh nội lực với chiến lược đầu tư bài bản, thu hút nhân tài, mở rộng cửa cho tư nhân và tăng cường hợp tác giữa đại học, viện nghiên cứu với các cơ sở quốc phòng. Cách đây không lâu, nhà chức trách tại Quảng Châu đã cho trình diễn một màn bắn pháo hoa ấn tượng với sự tham gia của hơn 1000 máy bay không người lái (drone), bay đều tăm tắp theo đội hình; và bản thân Trung Quốc cũng đang sở hữu những công ty sản xuất drone hàng đầu thế giới như DJI Technology, … mặc dù điều này khiến không ít người phải quan ngại vì khả năng châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mới – kỷ nguyên chiến tranh của trí tuệ nhân tạo (AI), các binh đoàn robot và hàng đàn drone với khả năng hủy diệt khủng khiếp.
 
 
Bài viết này không hề có mục đích cổ võ chạy đua vũ trang, nhưng trong hoàn cảnh đất nước đang thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế và hội nhập sâu rộng hơn với thế giới, thì nhất thiết cả cách nghĩ lẫn cách làm của chúng ta trong việc hoạch định, phân bổ và sử dụng các nguồn lực của đất nước cho công nghiệp nên có sự thay đổi, theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, chủ động, mạnh mẽ hơn và nhấn mạnh vai trò của công nghệ lưỡng dụng … vì chỉ như vậy mới có thể đem lại hiệu quả lâu dài, cả về quốc phòng lẫn kinh tế.
 
 
Hiện nay, một trong những rào cản lớn nhất đối với sự phát triển của công nghệ lưỡng dụng tại Việt Nam có lẽ là do “độc quyền”. Trong lúc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty và doanh nghiệp nhà nước, mặc dù được giao nắm giữ rất nhiều nguồn lực, nhưng lại gây thất vọng lớn vì tình trạng thua lỗ, tham nhũng và nợ xấu… thì chỉ trong một thời gian ngắn, bằng các nỗ lực của tư nhân, Việt Nam đã bắt đầu có một số tên tuổi rất đáng ngưỡng mộ như THACO (ôtô), Asanzo (điện tử), hay mới đây là động thái lấn sân đầy ấn tượng của VinGroup sang lĩnh vực công nghiệp, kỹ nghệ, giáo dục và khoa học. Ngoài ra, những tấm gương mày mò, tự sáng chế của doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa (Thái Bình) và kỹ sư Phan Bội Trân (Huế) với sản phẩm tàu ngầm mini cũng cho thấy, chúng ta chưa biết tận dụng và phát huy nguồn lực sáng tạo khổng lồ ở trong dân. Vì thế, Việt Nam nên sớm có chính sách “cởi trói” và hậu thuẫn cho khu vực tư nhân, trên một số lĩnh vực trước đây được coi là “nhạy cảm”, thì mới mong sở hữu các tổ hợp, tập đoàn công nghiệp hùng mạnh như của Hàn Quốc hoặc Nhật Bản. Hay khiêm tốn hơn, chỉ cần chúng ta được tham dự sâu hơn vào chuỗi giá trị của những ông lớn như Boeing, … thì lợi ích thu được cũng đã là rất đáng kể rồi.

Nguồn: khoahocphattrien

Số lượt đọc: 3253

Về trang trước Về đầu trang