Tin KHCN trong nước
Techdemo 2018: Bám sát nhu cầu hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp (28/09/2018)
-   +   A-   A+   In  
Để kết nối cung - cầu công nghệ bám sát với nhu cầu, khả năng hấp thụ công nghệ của các doanh nghiệp tại vùng ĐBSCL, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ đã tiến hành điều tra khảo sát thực tế 4000 doanh nghiệp và liên tục cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu về chuyên gia và công nghệ.

Đó là trao đổi của ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ KH&CNvới phóng viên Báo KH&PT trước sự kiện TechDemo 2018 với chủ đề “Đổi mới công nghệ - Sáng tạo, hội nhập và phát triển” sẽ được tổ chức tại thành phố Cần Thơ vào ngày 3/10 tới đây.
 
Khảo sát nhu cầu doanh nghiệp
 
Báo KH&PT: Tại cuộc họp báo TechDemo2018 ngày 20/9, tôi có gặp một doanh nghiệp thủy sản, doanh nghiệp này đã tìm kiếm khá nhiều viện, trường ở khu vực phía Nam nhưng chưa liên kết được với một đơn vị nào có giải pháp công nghệ phù hợp, do đó họ rất kỳ vọng sẽ tìm được công nghệ phù hợp trong TechDemo tới đây để cải tiến sản xuất. Như vậy, có thể thấy doanh nghiệp đã bắt đầu có nhu cầu tìm kiếm công nghệ, vậy chúng ta đã có điều tra khảo sát gì về nhu cầu của các doanh nghiệp nói chung và ở khu vực ĐBSCL, nơi sẽ diễn ra TechDemo 2018 nói riêng?
 
Ông Tạ Việt Dũng: Hoạt động kết nối cung cầu khác với Techmart chính là ở điểm này - có điều tra thường niên nhằm nắm bắt nhu cầu, tìm nguồn cung theo đúng ý doanh nghiệp và có hệ thống chuyên gia giúp đỡ doanh nghiệp (về công nghệ và tài chính) trong quá trình đàm phán. Khi khảo sát, những yếu tố được quan tâm hàng đầu gồm có xuất xứ của công nghệ mà doanh nghiệp đang sử dụng, có năng lực nghiên cứu hoặc cải tiến công nghệ hay không, có xây dựng chiến lược dài hạn về đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo không, mục tiêu đổi mới công nghệ là gì…
 
Trong năm 2018, chúng tôi đã tiến hành khảo sát khoảng 4000 doanh nghiệp tại ĐBSCL để xác định nhu cầu công nghệ của khu vực, từ đó Cục mới tiến hành hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn cung thông qua các tọa đàm, giới thiệu công nghệ để cho doanh nghiệp nắm bắt được công nghệ và có buổi tiếp cận đàm phán trực tiếp với nhà cung cấp.
 
Năm ngoái, để chuẩn bị cho TechDemo 2017, chúng tôi cũng phối hợp với 13 sở KH&CN khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên điều tra doanh nghiệp trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến thực phẩm, công nghệ thông tin, truyền thông và môi trường. Qua đó xác định được 122 nhu cầu tiếp nhận công nghệ, nhu cầu tư vấn kỹ thuật. Để giải quyết nhu cầu công nghệ, Cục đã lựa chọn và cung cấp cho Sở KH&CN Đà Nẵng, Phú Yên, Đắk Nông, Lâm Đồng hồ sơ 110 công nghệ phù hợp với nhu cầu công nghệ của các địa phương để kết nối với doanh nghiệp có nhu cầu.
 
 
Gian hàng của Danapha tại Techdemo 2017. Ảnh: Trung tâm truyền thông KH&CN
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho rằng, chuyển giao công nghệ thông qua TechDemo đã giúp tối ưu hóa chuỗi sản xuất của nhiều sản phẩm chủ lực của ĐBSCL cũng như các sản phẩm quốc gia. Cụ thể như thế nào, thưa ông?
 
Các bạn có thể thấy rằng trước đây các doanh nghiệp mới chỉ chú trọng tới các công nghệ và sản xuất chế biến “chính phẩm” của cá, tôm – những mặt hàng chủ lực của khu vực này. Nhưng trong thời gian vừa qua, không chỉ tại Techdemo, mà thông qua nhiều chuỗi diễn đàn, hội thảo khác về công nghệ, các doanh nghiệp đã tiếp cận được những công nghệ chế biến phụ phẩm, vừa giúp gia tăng giá trị sản xuất, vừa giảm tải cho vấn đề xử lý môi trường.
 
Có thể thấy rõ điều này qua công nghệ chế biến phụ phẩm cá tra, cá basa và tôm. Năm 2017, chúng tôi đã hỗ trợ kết nối công nghệ, nguồn vốn giải quyết bài toán nâng cao giá trị chế biến cá tra Việt Nam thông qua công nghệ tinh luyện phụ phẩm mỡ cá tra thành dầu ăn, shortening và margarine hoàn toàn mới, giá trị dinh dưỡng cao, cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại trong khu vực và trên thế giới.
 
So với trước đây mỡ cá tra chủ yếu sản xuất mỡ thô làm thức ăn gia súc, thì hiện nay ứng dụng công nghệ mới tại Tập đoàn Sao Mai, An Giang mỗi năm tạo thêm giá trị cho Tập đoàn 838,8 tỷ đồng. Nếu tính toàn bộ lượng mỡ cá tra vùng ĐBSCL được tinh luyện thì giá trị tăng thêm của toàn ngành khoảng 1.600 tỷ đồng/năm. Như vậy, nhờ công nghệ mà khái niệm “phụ phẩm” với “chính phẩm” cũng xóa nhòa khoảng cách vì nhiều khi phụ phẩm giá trị gia tăng cao gần như chính phẩm.
 
Trong TechDemo năm nay, chúng tôi chú trọng đến công nghệ chế biến phụ phẩm tôm nhằm tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như chitosan, tritin và các sản phẩm khác. Tại TechDemo, chúng tôi sẽ tổ chức một hội thảo về các công nghệ chế biến phụ phẩm tôm vào chiều 3/10, có phối hợp với các tổ chức nước ngoài và viện nghiên cứu trong nước để giới thiệu công nghiệp cho doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời phối hợp với một số doanh nghiệp chế biến phụ phẩm tôm lớn như Vinafood để giới thiệu ra các nhu cầu công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam trong chế biến phụ phẩm. Từ đấy các nhà cung cấp sẽ bám sát vào nhu cầu của doanh nghiệp Việt Nam, trên cơ sở này có thể kết nối được các nguồn cung trong nước và nước ngoài.
 
Cập nhật dữ liệu công nghệ
 
Chúng tôi được biết, không chỉ có các giao dịch trực tiếp tại TechDemo, hiện nay đã có các điểm kết nối cung cầu tại sáu địa phương trong cả nước. Ông có thể đánh giá hiệu quả của các điểm kết nối cung cầu này mang lại cho các doanh nghiệp ở các địa phương?
 
Hiện nay đã có các điểm kết nối cung cầu gồm: TP Hồ Chí Minh (hỗ trợ cho Vùng Đông Nam Bộ); TP Hà Nội (Vùng Đồng bằng Sông Hồng; Nghệ An (Vùng Bắc Trung Bộ); Đắk Lắk (Vùng Tây Nuyên); Phú Yên (Vùng Nam Trung Bộ), phục vụ cho kết nối cung cầu của các địa phương nhưng không hoạt động đơn lẻ mà kết nối với nhau và với cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên gia và công nghệ của Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ.
 
Thông qua các điểm kết nối cung cầu này, doanh nghiệp địa phương cũng có thể khai báo nhu cầu công nghệ, và sẽ được tìm kiếm các nguồn cung công nghệ trực tiếp qua CSDL đó (CSDL này được cập nhật thường xuyên hàng năm). Khi doanh nghiệp cần chuyên gia tư vấn, chúng tôi cung cấp cả các chuyên gia theo đúng lĩnh vực, họ có thể tham vấn chuyên gia trực tiếp để nhận tư vấn về công nghệ và cả về tài chính trước khi kết nối và giao dịch với với nhà cung cấp công nghệ.
 
 
Sản xuất dầu ăn từ phụ phẩm cá tra tại Tập đoàn Sao Mai An Giang. Ảnh: DoanhnhanSaigon
Các điểm kết nối này mới hoạt động hơn một năm nhưng đã cho thấy hiệu quả hoạt động khi họ nắm rất sát nhu cầu đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp địa phương. Ví dụ như điểm ở Nghệ An đã hỗ trợ chuyển giao được 7 công nghệ với tổng trị giá trên 3 tỷ đồng, hỗ trợ tư vấn cho 2 doanh nghiệp về bảo hộ tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp (xây dựng 2 nhãn hiệu hàng hóa); hay điểm ở Phú Yên đã ký kết được 5 Hợp đồng chuyển giao công nghệ với giá trị gần 500 triệu đồng... Nhận thấy hiệu quả từ mô hình này nên một số tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng cũng đang đề xuất xây dựng điểm kết nối cung cầu. Trong Techdemo 2018, điểm kết nối cung - cầu công nghệ tại Cần Thơ sẽ ra mắt. Đây là điểm đầu tiên và sẽ kết nối cho cả Vùng ĐBSCL.
 
Ông có thể nói rõ thêm về cơ sở dữ liệu chuyên gia và công nghệ, các tiêu chí chọn lọc cơ sở dữ liệu này cũng như tính cập nhật của nó?
 
Chúng tôi đã có tiêu chí cụ thể, ví dụ như về chuyên gia thì chúng tôi có hệ thống tiêu chí gồm: Kinh nghiệm tư vấn công nghệ, Số lượng công trình, kết quả nghiên cứu được áp dụng trong thực tiễn, Số lượng văn bằng độc quyền sáng chế/ giải pháp hữu ích… và khảo sát trước khi đưa dữ liệu chuyên gia đó vào cơ sở dữ liệu. Tương tự, chúng tôi cũng có bộ tiêu chí về công nghệ. Khi các chuyên gia đáp ứng được các tiêu chí thì chúng tôi mới đưa vào CSDL, tôi nhấn mạnh là chuyên gia dày dặn kinh nghiệm tư vấn cho doanh nghiệp chứ không nhất thiết phải là tiến sĩ.
 
Để đưa các công nghệ vào cơ sở dữ liệu, chúng tôi cũng khảo sát tương tự. Cho tới nay, hệ thống CSDL công nghệ trực tuyến có thể cung cấp thông tin 2.500 nguồn cung công nghệ, 200 thông tin chuyên gia tư vấn về công nghệ để hỗ trợ trực tiếp cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu kết nối chuyển giao công nghệ.
 
Trong TechDemo tới đây, chúng tôi cũng sẽ giới thiệu về Sàn tri thức Novelind - đây là mô hình liên kết mới giữa Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ với trường Đại học Nguyễn Tất Thành để đưa ra module điều tra trực tuyến về nhu cầu của các doanh nghiệp sau đó kết nối cho họ vào một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo có dữ liệu về các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, viện, trường, các quỹ đầu tư… Sàn có khả năng xử lý dữ liệu lớn, sẽ giúp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn cung công nghệ, nắm bắt nhu cầu công nghệ một cách nhanh nhất, đầu tư ứng dụng kết quả nghiên cứu một cách nhanh nhất, kết nối nhanh nhất các kết quả nghiên cứu ra thực tiễn.
 
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
 
Những kết quả nổi bật qua các techdemo

Từ năm 2015 đến nay, các hoạt động tại TechDemo đã hỗ trợ nhiều mô hình chuyển giao thành công cho các doanh nghiệp ở nhiều quy mô khác nhau. Ví dụ như Hỗ trợ kết nối công nghệ chiết tách tinh dầu dừa tinh khiết VCO (Virgin Coconut Oil) bằng công nghệ không gia nhiệt đã tạo ra VCO đạt tiêu chuẩn quốc tế của tổ chức Hiệp hội Dừa Châu Á - Thái Bình Dương, đủ điều kiện xuất khẩu sang Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản; giá bán gấp 4 lần dầu dừa sản xuất theo công nghệ tinh luyện hiện nay.

TechDemo 2017 cũng đã kết nối cho Công ty Vina CBC Co, Ltd (Nhật Bản) ký kết với Công ty cổ phần Dược Danapha với giá trị 200 tỷ đồng về Tư vấn chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc cho DANAPHA từ các công ty dược Nhật Bản, hợp tác trong việc mua bản quyền công thức thuốc của công ty TATSUMI và một số công ty dược khác của Nhật. 

Hợp đồng này sẽ giúp công ty DANAPHA sản xuất các loại thuốc công nghệ cao và xuất khẩu thuốc thành phẩm sang thị trường Nhật Bản; chủ động nguồn cung thuốc ổn định cho thị trường trong nước với giá thành chỉ bằng 50% và có chất lượng tương đương so với thuốc nhập khẩu từ Mỹ, giảm sự phụ thuộc vào các sản phẩm nhập khẩu.

Nguồn: khoahocphattrien.vn

Số lượt đọc: 2946

Về trang trước Về đầu trang