Tin KHCN trong tỉnh
Thúc đẩy đổi mới, chuyển giao công nghệ (28/09/2018)
-   +   A-   A+   In  

Nhằm thúc đẩy các DN chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất theo đúng quy định, ngày 27-9, Sở KH-CN tổ chức hội nghị phổ biến các văn bản pháp luật về chuyển giao công nghệ và báo cáo kết quả đánh giá trình độ công nghệ sản xuất. Tham dự có đại diện hơn 200 đơn vị, DN trên địa bàn tỉnh.

Tại BR-VT, thời gian gần đây đã có nhiều DN ý thức được việc đổi mới, chuyển giao công nghệ vào sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. 3 năm qua, Công ty TNHH Quốc tế Troy (KCN Đông Xuyên, TP Vũng Tàu) đã khẳng định được thương hiệu với sản phẩm gạch không nung tự khóa. Gạch được sản xuất bằng công nghệ nén, không nung, nên giảm mạnh khả năng gây ô nhiễm môi trường. Bà Ngô Thị Hồng Phượng, Giám đốc Công ty TNHH quốc tế Troy cho biết: “Năm 2015, công ty được UBND tỉnh hỗ trợ vốn để mua quyền kinh doanh và chuyển giao công nghệ chất ổn định đất RoadPacker (công nghệ của Mỹ) và đầu tư thiết bị công nghệ mới để sản xuất gạch nén không nung, ứng dụng công nghệ khoá chặt trong xây dựng để thi công nhà. Đến nay sản phẩm có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, được người tiêu dùng đánh giá cao vì tiện dụng, giá thành hợp lý”.

Một số DN tại BR-VT đã bắt đầu chuyển giao công nghệ cho các DN trong và ngoài nước. Ông Trịnh Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Sản xuất ca cao Thành Đạt (ấp Liên Hiệp 1, xã Xà Bang, huyện Châu Đức) cho biết, ông đã tham gia nhiều hoạt động KH-CN và quảng bá sản phẩm ca cao (gồm: bột ca cao, ca cao nhão và socola thành phẩm) Thành Đạt trên sàn giao dịch công nghệ của tỉnh… Ngoài việc cung ứng sản phẩm ra thị trường thế giới, một số đối tác tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc hiện đang ký hợp đồng chuyển giao công nghệ các loại thiết bị phục vụ cho sản xuất socola như máy rang, máy ép, máy thổi vỏ, máy nghiền mịn, máy ép bơ, máy nghiền bột, máy phối trộn… Còn nông trại rau sạch Vifarm (đường ven biển phường 12, TP. Vũng Tàu), đầu năm 2018 cũng đã xuất khẩu thành công mô hình trồng rau sạch công nghệ cao sang Singapore. Với sự hợp tác này, Công ty DL Edvance Singapore hỗ trợ Vifarm trong việc xây dựng thương hiệu, marketing và đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế, trong đó bao gồm các sản phẩm nông sản và công nghệ. Phía Vifarm chuyển giao công nghệ trồng rau sạch mà Vifarm đang áp dụng như hệ thống nuôi trồng không sử dụng đất, không tưới nước...

Tại hội nghị phổ biến các văn bản pháp luật về chuyển giao công nghệ và báo cáo kết quả đánh giá trình độ công nghệ sản xuất, Tiến sĩ Đỗ Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ (Bộ KH-CN) cho biết, mặc dù thời gian qua các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh việc hỗ trợ DN chuyển giao công nghệ, tuy nhiên vẫn còn thấp so với nhu cầu. Hiện nay, ngoài một số lĩnh vực có tốc độ đổi mới công nghệ khá nhanh như công nghệ thông tin - viễn thông, dầu khí, hàng không, tài chính - ngân hàng… phần lớn DN nước ta vẫn đang sử dụng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình của thế giới 2-3 thế hệ. Đối với các DN trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nhóm DN có trình độ công nghệ tiên tiến chỉ dưới 20% (chủ yếu là các DN có vốn đầu tư nước ngoài). Trước yêu cầu hội nhập sâu rộng như hiện nay, muốn sản phẩm cạnh tranh được trên thị trường trong nước và thế giới, các DN buộc phải đổi mới, chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Đỗ Hoài Nam, để làm được điều này, các DN cần trang bị kiến thức, kinh nghiệm, nắm vững các quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ, đặc biệt cần có sự hỗ trợ của các tổ chức dịch vụ tư vấn trong giao dịch, đàm phán, ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, để đẩy nhanh quá trình chuyển giao công nghệ, cần có tổ chức chuyên xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về cung và cầu công nghệ cả trong và ngoài nước. Đối với Nhà nước, cần tạo cơ chế khuyến khích các cơ sở sản xuất ứng dụng các sản phẩm công nghệ cao, các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ...

Chương trình KH-CN hỗ trợ DN nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa tỉnh BR-VT năm 2018 quy định: Hỗ trợ kinh phí tư vấn lựa chọn công nghệ, mua sáng chế, bản quyền công nghệ, mua giống để áp dụng thử nghiệm lần đầu đối với các giống cây con có năng suất, chất lượng cao, đào tạo, tập huấn, hướng dẫn vận hành công nghệ được chuyển giao, phân tích mẫu, đánh giá sự hoàn thiện của công nghệ đổi mới, kiểm định để đưa sản phẩm được đối mới vào sử dụng. Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ tối đa 500 triệu đồng/đề án (thực hiện nghiên cứu triển khai tự nghiên cứu đổi mới) và tối đa 300 triệu đồng/đề án chuyển giao công nghệ (mua công nghệ để thực hiện đổi mới).

Nguồn: baobariavungtau.com.vn

Số lượt đọc: 3407

Về trang trước Về đầu trang

TIN TỨC KHÁC
  • Ứng dụng khoa học công nghệ tạo sức bật cho sản xuất nông nghiệp (31/08/2017)
  • Hội nghị khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp (28/08/2017)
  • Khởi nghiệp trong nông nghiệp: Lấy đổi mới, sáng tạo làm nền tảng (28/08/2017)
  • Tập huấn “Chuyên đề bảo mật phân tích mã độc – cấp độ cơ bản dành cho quản trị mạng các sở, ban, ngành/các huyện, thành phố thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu” (18/08/2017)
  • Thí điểm mô hình "Ngã tư thông minh" (15/08/2017)
  • Hội đồng tư vấn tuyển chọn tổ chức và cá nhân thực hiện đề tài “Xác định nguyên nhân gây tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và đề xuất các biện pháp kiểm soát dư lượng thuốc có trong sản phẩm hạt tiêu được sản xuất tại tỉnh BR-VT đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường châu Âu (EU)” (10/08/2017)
  • Buổi nói chuyện của Giáo sư Ngô Bảo Châu về Khoa học và Công nghệ với HS-SV và trí thức tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (10/08/2017)
  • Hội đồng nghiệm thu đề án "Quản lý và sử dụng trí thức tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu" (04/08/2017)
  • Nghị quyết 05 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về phát triển triển khoa học và công nghệ tỉnh Bà Rịa - Vũng tàu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 (03/08/2017)
  • Hội đồng tư vấn giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện dự án Lựa chọn mô hình ứng dụng phục hồi san hô cứng tại Khu Ramsar Vườn quốc gia Côn Đảo (03/08/2017)