Tin KHCN trong tỉnh
Hiệu quả cao nhờ ứng dụng khoa học trong trồng cây ăn trái (24/06/2018)
-   +   A-   A+   In  

Xã Long Phước (TP.Bà Rịa) có nhiều loại cây ăn quả ngon như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm... Tuy nhiên, do chưa thực hiện đúng kỹ thuật trồng, chăm sóc nên một số loại cây trồng có nguy cơ thoái hóa, năng suất, chất lượng quả giảm. Từ năm 2014, nhờ ứng dụng khoa học - kỹ thuật, những vườn cây này đã sinh trưởng tốt, hiệu quả kinh tế nâng lên rõ rệt

Từ tháng 12-2014 đến tháng 12-2017, dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cải tạo và thâm canh vườn cây ăn quả xã Long Phước, TP.Bà Rịa” được thực hiện. Dự án do thạc sĩ Mai Văn Trị  (Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ) làm chủ nhiệm. Mục tiêu của dự án là chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cải tạo, thâm canh vườn cây ăn quả nhằm cải thiện chất lượng cây, tăng năng suất và góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất một số cây ăn quả (sầu riêng, măng cụt, bưởi da xanh) tại xã Long Phước. 

Ông Văn Văn Danh (ấp Nam, xã Long Phước) vui vẻ đưa chúng tôi đi thăm vườn sầu riêng đang vào vụ thu hoạch. Ông kể, vườn nhà ông có 100 cây sầu riêng với 3 loại: Mongthong, Ri 6 và Chín Hóa, tuổi đời từ 10-20 năm. Ông Danh cho biết, trước đây, vườn sầu riêng của ông cho thu hoạch khoảng 15-16 tấn/ha/vụ. Sau 2 năm áp dụng KH-KT trong thâm canh cây sầu riêng, năng suất tăng lên 18-20 tấn/ha/vụ, trái to, cơm ít bị sượng. Các bệnh rầy mền, rệp sáp, sâu đục quả và bệnh thối vỏ chảy nhựa cũng giảm hẳn. Với giá bán tại vườn 90.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí, ông Danh thu lãi khoảng 200 triệu đồng/vụ. 

Đồng chí Mai Thanh Quang, Giám đốc Sở KH-CN, Chủ tịch Hội đồng khoa học (Sở KH-CN) cho biết, theo tính toán của Hội đồng, tổng chi phí cho 1ha trồng sầu riêng áp dụng KH-KT là từ 175-255 triệu đồng/năm, cao hơn so với lô đối chứng từ 30-40 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, lợi nhuận từ 1ha sầu riêng trồng theo tiêu chuẩn kỹ thuật đạt từ 304-480 triệu đồng/ha/năm, cao hơn 148-175 triệu đồng/ha/năm so với lô đối chứng.

Tương tự, vườn măng cụt 0,6ha được ông Nguyễn Thành Hữu (ấp Đông, xã Long Phước) trồng từ năm 2000 cũng đang bước vào vụ thu hoạch. Những năm trước, cứ cách 1 năm, cây mới cho thu hoạch 1 vụ. Nhưng từ 3 năm nay, nhờ tham gia mô hình trồng măng cụt theo dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cải tạo và thâm canh vườn cây ăn quả xã Long Phước”, năm nào vườn măng cụt của ông Hữu cũng có trái và cho thu hoạch đều đặn từ tháng 5 đến hết tháng 7 âm lịch với năng suất khoảng 2,8 tấn/ha. Các loại sâu bệnh trên cây măng cụt cũng giảm hẳn, trái to hơn, ruột ngọt hơn và tỷ lệ trái bị xì mủ rất ít.

Anh Phạm Minh Trí (tổ 4, ấp Đông, xã Long Phước), một hộ tham gia dự án cho biết, khu vườn rộng 7.000m2 của anh trước đây trồng điều nhưng hiệu quả thấp. Năm 2014, được sự hỗ trợ của Sở KH-CN, anh mạnh dạn phá bỏ vườn điều, cải tạo đất và trồng 165 gốc bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP. Khi tham gia dự án, anh Trí được Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ (cơ quan chủ trì dự án) cung cấp giống, hỗ trợ áp dụng các biện pháp kỹ thuật trồng và chăm sóc… Hiện nay, vườn bưởi da xanh nhà anh đang sinh trưởng và phát triển tốt, ít bị các bệnh thường gặp trên cây bưởi như rầy mềm, nhện đỏ, bệnh vàng lá, bệnh thối rễ… so với các vườn không trồng theo mô hình. “Hy vọng rằng vườn cây sẽ cho trái giống như vườn bưởi da xanh được trồng ở xã Sông Xoài, TX.Phú Mỹ”, anh Trí nói.

Kết quả thực tế của dự án cho thấy: Mô hình cải tạo, thâm canh vườn sầu riêng diện tích 2ha với 4 hộ tham gia, năng suất của mô hình tăng 40,14-63,56% và hiệu quả kinh tế tăng 69,25-125,51% so với vườn đối chứng. Mô hình cải tạo, thâm canh trên cây măng cụt với diện tích 2ha ở 4 hộ, năng suất tăng 21,94- 23,92% và hiệu quả kinh tế tăng 28,46-33,47% so với vườn đối chứng. Mô hình trồng bưởi da xanh theo chuẩn VietGAP với diện tích 6,1ha ở 11 hộ, sau 36 tháng trồng, cây bưởi sinh trưởng và phát triển tốt, mức độ nhiễm sâu bệnh hại thấp hơn so với vườn đối chứng.

(Thạc sĩ Mai Văn Trị,
Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ)

 

Nguồn: baobariavungtau.com.vn

Số lượt đọc: 5707

Về trang trước Về đầu trang