Tin KHCN trong nước
Nhu cầu công nghệ trong quá trình sản xuất tự động hóa của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam (04/09/2018)
-   +   A-   A+   In  
“V-KIST- Diễn đàn Công nghiệp lần thứ I” là sự kiện đầu tiên mà Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam Hàn Quốc (V-KIST) tổ chức trên cơ sở hợp tác với các Hiệp hội Việt Nam trong ngành công nghiệp điện tử, tự động hóa, nhằm tìm hiểu nhu cầu về công nghệ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam.

Thông qua sự kiện có chủ đề “Nhu cầu công nghệ trong quá trình sản xuất tự động hóa của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam” được tổ chức tại Hà Nội ngày 29/8/2018, Viện V-KIST hy vọng sẽ là cầu nối giữa các ngành sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp với các trường đại học và viện nghiên cứu.

Tham dự sự kiện có TS. Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ (KH&CN); TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, Chủ tịch Hội tự động hóa Việt Nam; TS. Kum Dongwha-Viện trưởng Viện V-KIST cùng đại diện các Hiệp hội Việt Nam trong ngành công nghiệp điện tử, một số doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu.

 

 
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy phát biểu tại Diễn đàn.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết: Diễn đàn mong muốn các doanh nghiệp vừa và nhỏ nêu lên nhu cầu công nghệ, qua đó, kết nối với viện nghiên cứu, trường đại học. Đây là một trong nhiều hoạt động của Viện V-KIST, đúng với sứ mệnh của Viện là “trở thành một tổ chức hàng đầu trong nghiên cứu khoa học ứng dụng và phát triển các công nghệ tiên tiến liên quan đến ngành công nghiệp và tăng trưởng kinh tế bền vững”.

TS. Kum Dongwha, Viện trưởng Viện V-KIST đã bày tỏ hy vọng “sự kiện này sẽ mang lại cơ hội để doanh nghiệp nêu lên những khó khăn và thảo luận về nhu cầu của công ty trong quá trình sản xuất tự động hóa” và cho biết, V-KIST “đang tìm kiếm các doanh nghiệp Việt Nam tập trung vào công nghệ tốt và tiên tiến hơn để trở thành người chiến thắng trên thị trường”.

Tại Diễn đàn, TS. Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam đã khẳng định “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) là xu hướng tất yếu và là cơ hội để Việt Nam tăng tốc công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Ông cũng nhấn mạnh, để đạt được thành công trong CMCN 4.0, cần có 4 yếu tố, đó là: con người; định hướng chiến lược của Nhà nước; nghiên cứu ứng dụng trong viện- trường; nghiên cứu và phát triển (R&D) trong doanh nghiệp, công ty.

Đối với ngành Tự động hóa, để bắt kịp CMCN 4.0 cần xác định rõ vai trò của 3 nhà. Nhà nước có vai trò định hướng chiến lược, xây dựng hành lang pháp lý và hạ tầng. Các viện, trường có vai trò nghiên cứu cơ bản và ứng dụng. Vai trò của các tập đoàn, công ty là nghiên cứu và phát triển công nghệ, đưa công công nghệ vào sản xuất và chế tạo. Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, chế tạo hơn so với các doanh nghiệp gia công, lắp ráp và thuần túy dịch vụ. Bên cạnh đó, Nhà nước cần đầu tư nghiên cứu kết hợp với chuyển giao, nhập công nghệ từ nước ngoài để sản xuất một số sản phẩm như: như động cơ điện, cảm biến, linh kiện điện tử, các van bán dẫn công suất… Ngoài ra, việc hợp tác chặt chẽ giữa KH&CN và sản xuất, kinh doanh, hợp tác giữa trường, viện nghiên cứu với các doanh nghiệp rất quan trọng để đẩy mạnh đổi mới công nghệ trong khu vực doanh nghiệp, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.

Nhận xét về vai trò của doanh nghiệp, ông Đinh Hồng Lương, Giám đốc Công ty Cổ phần Cơ khí Chính xác và Chuyển giao công nghệ (PTTM Group) cho rằng “vốn không phải là điều khó khăn nhất của doanh nghiệp mà chính là quan điểm, nhận thức của lãnh đạo”. PTTM Group hết sức coi trọng đầu tư cho R&D và hiện tại, PTTM Group đang triển khai mô hình liên kết viện-trường-doanh nghiệp, theo đó, doanh nghiệp nhận sinh viên thực tập và có chính sách tuyển dụng từ nguồn nhân lực này.

Nguồn: Nasati

Số lượt đọc: 3093

Về trang trước Về đầu trang