Tin KHCN trong nước
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh: Phú Thọ có nhiều lợi thế để KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (28/08/2018)
-   +   A-   A+   In  
Chiều ngày 22/8/2018, đ/c Chu Ngọc Anh - Ủy viên Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cùng đoàn công tác đã làm việc tại tỉnh Phú Thọ về kết quả hoạt động KH&CN trên địa bàn giai đoạn 2015 - 2018 và phương hướng nhiệm vụ trong giai đoạn tới. Cùng dự có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng và lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ.

Tiếp và làm việc với đoàn có đ/c Bùi Minh Châu - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; đ/c Hà Kế San - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh; và đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đơn vị của Tỉnh.

Đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN
Theo báo cáo, trong 3 năm (2015 - 2018) hoạt động KH&CN của Tỉnh được triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực. Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quản lý nhà nước trong lĩnh vực KH&CN, tạo cơ sở, tiền đề tốt để quản lý hoạt động KH&CN, tạo hành lang pháp lý, cơ chế để KH&CN phát triển. Giai đoạn 2015 - 2018 trên địa bàn Tỉnh đã có 153 đơn đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ được chấp nhận hợp lệ, 63 văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ được cấp cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn, giúp giá trị hàng hóa của sản phẩm sau khi được bảo hộ sở hữu trí tuệ được nâng cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Mạng lưới các tổ chức KH&CN được tăng cường, Tỉnh hiện có trên 120 tổ chức, trong đó có 9 tổ chức KH&CN của Trung ương, 30 trung tâm, cơ sở dịch vụ KH&CN, 2 trường Đại học,18 trường cao đẳng và trung cấp, 30 cơ sở đào tạo, dạy nghề, 36 phòng thí nghiệm về các lĩnh vực hóa, lý, sinh học, xây dựng, giấy, thực phẩm, đồ uống, môi trường. Đặc biệt đã hình thành tương đối đồng bộ hệ thống các cơ quan nghiên cứu, chuyển giao KH&CN trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản.

Trong 3 năm, 122 đề tài, dự án cấp Nhà nước và cấp tỉnh do tỉnh triển khai thực hiện đã tập trung vào giải quyết nhiều vấn đề của thực tiễn sản xuất và đời sống như giống mới, quy trình kỹ thuật sản xuất thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất. Đồng thời nâng cao thu nhập, đời sống cho bà con nông dân vùng nông thôn, miền núi, gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa dân tộc, phát triển KT- XH địa phương, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN, tạo lập, phát triển các nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc trưng, phát triển nguồn gen các cây bản địa của địa phương.

Theo đó, một số mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đã được chuyển giao, đem lại hiệu quả kinh tế cao như: mô hình chuyển giao công nghệ sản xuất một số sản phẩm chè mới chất lượng cao gắn với trồng, thâm canh các giống chè mới theo quy mô sản xuất hàng hóa; công nghệ sấy gỗ tự động bằng hơi nước đã sản xuất được sản phẩm gỗ rừng trồng đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, tăng giá trị mặt hàng lâm sản trên địa bàn tỉnh;... Thông qua việc xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phù hợp với vùng sinh thái địa bàn nông thôn, miền núi, đã tạo được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, sản xuất theo chuỗi, tạo sinh kế cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi.

Cùng với đó, đã xây dựng, phát triển được nhiều nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm hàng hóa, sản phẩm đặc trưng của tỉnh, nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm, phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân vùng sản xuất như chè Chùa Tà, mỳ gạo Hùng Lô… Ngoài ra, đã tạo lập, quản lý và phát triển được 01 chỉ dẫn địa lý Đoan Hùng cho sản phẩm bưởi quả huyện Đoan Hùng. Giá trị sản phẩm bưởi quả đã tăng gấp nhiều lần so với trước kia khi chưa có chỉ dẫn địa lý.

Thông qua Đề tài độc lập cấp Nhà nước “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển bền vững Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng”, đã áp dụng một số công nghệ cao trong việc xây dựng hệ thống thông tin tập trung quản lý cổ vật - bảo tàng ảo, cảnh báo, phát hiện hiện sớm cháy rừng, giám sát, điều kiển, quản lý giao thông và kiểm soát phương tiện, quản lý điện chiếu sáng và âm thanh nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, phát triển bền vững Khu di tích lịch sử Đền Hùng phục vụ du khách. Các chương trình quốc gia về bảo tồn, phát triển nguồn gen đến 2025 đã bảo tồn được 2 nguồn gen quý hiếm là cá anh vũ và cây sơn ta, phục vụ công tác bảo tồn đa dạng sinh học và phục vụ khai thác phát triển sau này. 

Nhiều kết quả nghiên cứu KH&CN có tính ứng dụng cao, ứng dụng thực tế, từng bước tạo nên sự gắn kết giữa các doanh nghiệp với KH&CN, đẩy mạnh đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm: Kết quả nghiên cứu công nghệ sản xuất trà cốm gạo lứt từ chè xanh kết hợp với cốm gạo lứt đã tạo sản phẩm trà mang đặc trưng của Tỉnh. Công nghệ và sản phẩm của đề tài đạt giải nhì cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Phú Thọ năm 2017 và đã được chuyển giao cho doanh nghiệp và thương mại hóa sản phẩm; Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị phân loại nguyên liệu chè xanh hái máy, chế tạo thành công thiết bị phân loại nguyên liệu chè hái máy công suất 0,8-1 tấn/h, đã góp phần nâng cao chất lượng chè xanh, đa dạng hóa sản phẩm chè xanh chất lượng cao, tăng khả năng cạnh tranh cho thương hiệu chè xanh Phú Thọ.

Chung tay thực hiện các nhiệm vụ KH&CN
Tại buổi làm việc, tỉnh Phú Thọ đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất nhằm đẩy mạnh hơn nữa hoạt động KH&CN tại Tỉnh trong thời gian tới. Lãnh đạo Bộ, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đã giải đáp và cung cấp nhiều thông tin liên quan đến các đề xuất của Tỉnh như việc ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật chuyển giao công nghệ và ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện; hỗ trợ chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực thẩm định, thẩm tra công nghệ, nghiệp vụ về thẩm định, thẩm tra công nghệ các dự án đầu tư, cung cấp thông tin, cơ sở dữ liệu về công nghệ và sở hữu trí tuệ; hỗ trợ triển khai, tư vấn, hướng dẫn thực hiện hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ triển khai, áp dụng và quản lý tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông, sản thực phẩm chủ lực, có lợi thế của Tỉnh;...

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh bày tỏ sự ấn tượng và đánh giá cao những kết quả phát triển kinh tế - xã hội nói chung và những kết quả trong lĩnh vực KH&CN nói riêng mà tỉnh Phú Thọ đạt được trong thời gian qua. Thông qua kết quả và các con số về tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, văn hóa xã hội, du lịch,... đã thể hiện sinh động, rõ nét sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của lãnh đạo Tỉnh. Cụ thể, kinh tế tăng trưởng vượt mục tiêu đề ra, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 7,75% so với năm 2016, trong đó, khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 10,66%, dịch vụ tăng 7,48%, nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,74%, thu Ngân sách nhà nước đạt trên 5.440 tỷ đồng, 13/15 chỉ tiêu đều vượt so với dự toán. “Rất vui mừng là KH&CN đã tham gia, đóng góp vào sự phát triển chung đó của tỉnh”, Bộ trưởng chia sẻ.

Bộ trưởng đã chia sẻ về hoạt động của Bộ và ngành KH&CN cả nước. Qua đó cho thấy sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ chế chính sách, doanh nghiệp được coi là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo. KH&CN đã song hành, tham gia, phục vụ phát triển các ngành, lĩnh vực và đã đem lại những giá trị lớn, đã hình thành và phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, ví dụ như tôm, lúa và nhiều sản phẩm khác. Bộ KH&CN luôn song hành với các bộ, ngành, địa phương trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, đặc biệt trong 3 trụ cột chính là chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng và sở hữu trí tuệ.

Bộ trưởng khẳng định, tỉnh Phú Thọ có vị trí địa lý thuận lợi trong kết nối với các địa phương trong vùng và Hà Nội, có nhiều lợi thế để phát triển KH&CN gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Hoạt động KH&CN của tỉnh thời gian qua đã có nhiều bước tiến đồng thời Bộ trưởng đánh giá cao vai trò của Sở KH&CN trong tham mưu, đề xuất của các hoạt động KH&CN của Tỉnh.

Trong thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng KH&CN, huy động các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu giải quyết bài toán phát triển sản phẩm, tăng năng suất, chất lượng các cây, con, sản phẩm thế mạnh của địa phương, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm để cung cấp cho không chỉ cho thị trường Việt Nam mà còn đáp ứng các yêu cầu về xuất khẩu. Bộ KH&CN sẽ đồng hành với các địa phương nói chung và tỉnh Phú Thọ nói riêng trong việc phát triển KH&CN.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND Tỉnh Bùi Minh Châu cảm ơn tình cảm và những chia sẻ của Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đối với tỉnh Phú Thọ và hoạt động KH&CN của tỉnh trong thời gian qua. Đ/c cũng chúc mừng các kết quả đã đạt được của ngành KH&CN trong thời gian qua, đồng thời nhấn mạnh, tỉnh Phú Thọ luôn coi trọng việc phát triển KH&CN, coi đây là động lực để phát triển sản xuất hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong điều kiện nguồn Ngân sách của Nhà nước và của tỉnh còn nhiều khó khăn, tỉnh đã lựa chọn những đề tài, dự án có tính khả thi, có khả năng ứng dụng cao và có thể đem lại hiệu quả tích cực; khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Đ/c mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng hành của Bộ KH&CN trong việc hỗ trợ Tỉnh về chuyên gia đầu ngành của Bộ giúp địa phương thẩm định, thẩm tra công nghệ các dự án đầu tư; triển khai, áp dụng và quản lý tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông sản, thực phẩm chủ lực, có lợi thế của tỉnh. Chủ tịch UBND Tỉnh khẳng định, đổi mới, sáng tạo KH&CN là một quá trình lâu dài nhưng trước mắt tỉnh Phú Thọ sẽ nỗ lực triển khai các nhiệm vụ theo định hướng của Bộ, bởi thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 nếu không có KH&CN thì không thể phát triển đối với tất cả các lĩnh vực.

Tại buổi làm việc, Lãnh đạo Bộ KH&CN đã tặng tỉnh Phú Thọ thiết bị chuẩn đo lường phục vụ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực y tế.

Nguồn: Nasati

Số lượt đọc: 3482

Về trang trước Về đầu trang