Như vậy, Bộ không còn bất cứ nhiệm vụ nào bị chậm trễ. Đặc biệt, Bộ đã giúp giảm 114 loại sản phẩm hàng hóa nhập (SPHH) khẩu phải kiểm tra chất lượng; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa do Bộ quản lý, giảm 96% số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra trước thông quan...
Những kết quả này đã được Tổ công tác của Chính phủ (do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng dẫn đầu) ghi nhận và đánh giá cao tại buổi kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và công tác kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu tại Bộ, ngày 20/10/2017.
Ghi nhận và chỉ đạo của Thủ tướng
Mở đầu buổi kiểm tra, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng cho biết thông qua Tổ công tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chuyển lời ghi nhận, đánh giá cao về những kết quả và nỗ lực của Bộ KH&CN trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, ngay từ đầu nhiệm kỳ. Nổi bật là Bộ đã đề xuất Chính phủ, Thủ tướng nhiều chủ trương về phát triển KH&CN, đổi mới - sáng tạo. Thị trường KH&CN tuy chưa phát triển mạnh mẽ nhưng đã có sự khởi đầu tốt, đặc biệt là phong trào khởi nghiệp. Một trong những kết quả ấn tượng là hồi tháng 6 vừa qua, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới đã công bố Việt Nam tăng 12 bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu về “Chỉ số đổi mới sáng tạo”. Trong công tác tổ chức bộ máy, Bộ cũng đã có nhiều đổi mới và giữ được sự đoàn kết, thống nhất, thể hiện qua sự chuyển động tích cực trong toàn ngành.
Thủ tướng ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Bộ KH&CN trong việc đẩy mạnh cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, cắt giảm danh mục hàng hóa nhóm 2 trước thông quan, chuyển đổi 91% nhóm SPHH sang hậu kiểm. “Bộ rất nghiêm túc, cầu thị, trách nhiệm, vừa qua Bộ đã chủ trì cùng 12 bộ tổ chức hội thảo 3 ngày tại Vĩnh Phúc, qua đó cam kết giảm 50% số mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa nhóm 2, đồng thời cam kết chuyển mạnh từ tiển kiểm sang hậu kiểm, tăng cường công nhận lẫn nhau, áp dụng quản lý rủi ro”, Tổ trưởng Tổ công tác nói.
Thông qua Tổ công tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ tiếp tục tập trung, nỗ lực triển khai một số vấn đề theo tinh thần đổi mới - sáng tạo hơn nữa. Trước hết, cần tăng cường xây dựng, hoàn thiện thể chế về KH&CN, thu hút nhân tài, thu hút sự tham gia của xã hội. Hoạt động KH&CN ở các địa phương cần được quan tâm hơn. Cùng với đó, cần phát triển mạnh mẽ thị trường KH&CN, phát triển công nghệ mới; tạo chuyển biến tích cực trong lĩnh sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng - lĩnh vực được xã hội rất quan tâm.
Riêng trong việc ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ KH&CN là đơn vị được giao chủ trì, nên cần tham mưu mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Thủ tướng cũng lưu ý về việc quản lý đội ngũ cán bộ KH&CN cấp tỉnh. Việc quản lý cán bộ đã có phân cấp, song vừa qua có một số vấn đề được dư luận quan tâm liên quan tới công tác cán bộ KH&CN ở một số địa phương, cần chấn chỉnh.
Nỗ lực của Bộ KH&CN
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh thay mặt Bộ KH&CN cảm ơn sự quan tâm, đánh giá tích cực của Thủ tướng, cảm ơn đại diện các bộ/ngành, hiệp hội đã dành thời gian tham dự buổi làm việc và xem đây là “Cơ hội ghi nhận những nỗ lực quyết liệt của Bộ KH&CN trong thời gian vừa qua”. Bộ trưởng cho biết tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ và công nghệ hiện là 3 mũi nhọn đang được Bộ tập trung.
Về công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu. Cụ thể:
- Bộ đã tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 37/2017/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 bãi bỏ Quyết định số 50/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra về chất lượng. Việc bãi bỏ Quyết định số 50/2006/QĐ-TTg đã giúp giảm 114 loại SPHH nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng.
- Làm rõ cơ chế hậu kiểm, tạo khung pháp lý hướng dẫn các Bộ, ngành áp dụng cơ chế hậu kiểm. Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư 02/2017/TT-BKHCN với tinh thần làm rõ cách thức công bố hợp quy dựa trên biện pháp tiền kiểm (kiểm tra trước thông quan), đặc biệt là biện pháp hậu kiểm (kiểm tra sau thông quan) để tạo khung pháp lý chung cho các bộ quản lý ngành, lĩnh vực xây dựng những biện pháp quản lý cụ thể đối với từng nhóm sản phẩm, hàng hóa do bộ, ngành phụ trách. Đặc biệt, làm rõ phương thức hậu kiểm, thay đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với một số nhóm SPHH có nguy cơ rủi ro thấp.
- Áp dụng cơ chế hậu kiểm đối với 91% nhóm SPHH do Bộ KH&CN quản lý, giảm 96% số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra trước thông quan.
- Bổ sung quy định về miễn kiểm tra đối với hàng hóa nhập khẩu.
- Đẩy mạnh hoạt động thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp (thừa nhận đa phương, thừa nhận song phương, thừa nhận đơn phương) với các đối tác nước ngoài. Đã thực hiện ký kết Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRA) trong ASEAN về thiết bị điện - điện tử (ASEAN EE MRA); ký kết các hiệp định và thoả thuận với Ucraina, Đài Loan, CH Bêlarút, Hàn Quốc; thông báo thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp của 2 tổ chức đánh giá sự phù hợp của Nhật Bản...
- Xã hội hóa hoàn toàn hoạt động đánh giá sự phù hợp phục vụ hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Đến nay, Bộ KH&CN đã chỉ định 69 tổ chức đánh giá sự phù hợp để phục vụ quản lý nhà nước đối với sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN.
- Chung tay cùng 12 bộ, ngành rà soát Danh mục SPHH nhóm 2 và văn bản quy phạm pháp luật về thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, bất cập, không phù hợp với Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật An toàn Thực phẩm… theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.
Tiếp tục cố gắng và nỗ lực vì một Chính phủ kiến tạo
Tại buổi kiểm tra, các chuyên gia kinh tế; đại diện các bộ/ngành/hiệp hội như Hiệp hội KH&CN Lương thực thực phẩm, Hiệp hội ô tô, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Tổng cục Hải quan... cũng đã nêu ý kiến. Hầu hết đều đánh giá cao nỗ lực của Bộ KH&CN và góp ý một số vấn đề cần được Bộ tiếp tục quan tâm, tháo gỡ.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, cải cách kiểm tra chuyên ngành là một trọng tâm trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, bởi hiện nay hoạt động này đang gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Tính trung bình một năm các doanh nghiệp phải mất 30 triệu ngày công và chi phí gần 15.000 tỷ đồng cho kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu. Hiện có gần 100.000 mặt hàng phải kiểm tra khi thông quan, con số rất lớn, kiểm tra rất nhiều nhưng tỷ lệ phát hiện vi phạm rất ít, chỉ khoảng 0,06%. Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, Chính phủ là giảm tối đa tình trạng chồng chéo trong kiểm tra chất lượng, một mặt hàng chỉ giao 1 đầu mối quản lý.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ KH&CN phát huy tinh thần làm việc có trách nhiệm cao như thời gian vừa qua, tiếp tục rà soát, sớm công bố các quy chuẩn quốc gia với hàng hóa; tích cực triển khai cơ chế một cửa, công bố danh mục hàng hóa gắn mã HS, cùng với các bộ nâng cao hiệu quả của các điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung…
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cảm ơn các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đại diện các bộ/ngành/hiệp hội và Tổ công tác. Bộ trưởng khẳng định Bộ sẽ tiếp thu các ý kiến, lắng nghe phản hồi từ thực tiễn, từ đó tiếp tục nỗ lực góp phần xây dựng Chính phủ kiển tạo, hành động, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; đồng thời khẳng định “sẽ cùng Tổ công tác của Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ tăng cường phối hợp, đôn đốc các bộ trong việc đẩy mạnh cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành”.