Tin KHCN trong nước
Cởi mở và chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0 (27/07/2018)
-   +   A-   A+   In  
Việt Nam muốn trở thành quốc gia tiên tiến trong thời đại trí tuệ nhân tạo, nhưng hiện đang tụt hậu. Để vượt lên không dễ, không thể ảo tưởng. Muốn đạt được mục tiêu trên, với xuất phát sau, cần có chiến lược đột phá đặc biệt và khác biệt.

Hội nghị Vietnam CEO Summit 2018 với chủ đề “Kỷ nguyên Kinh tế trí tuệ nhân tạo: Bài học từ các điển cứu Harvard và tinh hoa thế giới” diễn ra ngày 25/7/2018, tại Hà Nội. Đây là hội nghị thường niên do Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietNamNet tổ chức. 

Sự kiện được tổ chức nhằm cung cấp cho lãnh đạo các doanh nghiệp lớn Việt Nam cái nhìn toàn cảnh về xu hướng công nghệ mới đang diễn ra hết sức phức tạp, cũng như những cách thức quản lý và phương thức quản trị để tận dụng được những cơ hội do trí tuệ nhân tạo mang lại.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh cho biết, hiện Việt Nam đang đi sau các quốc gia phát triển về trí tuệ nhân tạo. Chính phủ Việt Nam đã xác định, công nghiệp 4.0 mở ra cơ hội quan trọng với đất nước, nếu không bắt kịp sẽ tụt hậu.

Vì vậy, Chính phủ sẽ tạo ra môi trường chính sách thuận lợi nhất, tập trung mọi điều kiện tốt nhất để đón nhận cơ hội này. "Tuy nhiên, thách thức là rất lớn và câu hỏi làm thế nào để bắt kịp, vẫn chưa có câu trả lời chính thức. Chúng tôi háo hức muốn được nghe những ý kiến tư vấn, những giải pháp từ các học giả, chuyên gia", Thứ trưởng Lê Quang Mạnh nói.

Bùng nổ trí tuệ nhân tạo
Theo giáo sư Jason Furman, Trường Harvard Kennedy (Mỹ), Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế của Tổng thống Obama: Một quốc gia muốn phát triển phải dựa vào năng suất và lao động kỹ năng cao, cùng trí tuệ và sáng tạo. Trong 30 năm qua, Việt Nam đã đầu tư nhiều thiết bị và vốn vào nền kinh tế và ngày nay cần phải biết sử dụng thiết bị, máy móc sáng tạo hơn để thúc đẩy kinh tế phát triển hiệu quả hơn. Hiện đang là mùa xuân, là thời kỳ bùng nổ của trí tuệ nhân tạo. Với các thuật toán ngày càng hoàn thiện và tối ưu hơn, cùng dữ liệu ngày càng nhiều, máy tính rẻ có tốc độ nhanh, lưu trữ lớn,...

Tại Mỹ nhiều năm trước đây đã xây dựng chiến lược phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Theo đó, Hoa Kỳ coi khu vực tư nhân với các tập đoàn lớn như: Google, Facebook, Apple,... là những nơi sáng tạo và thúc đẩy sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, chứ không phải là Chính phủ Mỹ. Chính phủ chỉ hỗ trợ và tạo ra môi trường minh bạch, thông thoáng để khu vực tư nhân đóng vai trò tiên phong.

Với Việt Nam có thuận lợi là có nguồn nhân lực trẻ, thông minh, ham học hỏi, nhiều sáng tạo đổi mới. Việt Nam đi sau nên cũng được kế thừa thành quả nghiên cứu trí tuệ nhân tạo những quốc gia đi trước, vì vậy có thể tiến nhanh. Mục tiêu nhảy vọt có khả năng đạt được.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế như: thiếu những chuyên gia hàng đầu về trí tuệ nhân tạo; nền kinh tế chưa thực sự cạnh tranh; cơ chế ra quyết định phức tạp, chậm, thiếu trách nhiệm cá nhân; DNNN nắm nguồn lực lớn nhưng hiệu quả thấp; chưa có chuẩn mực về giá trị văn minh được xã hội tôn trọng,... Vì vậy, Việt Nam cần cởi mở với mọi ý tưởng sáng tạo, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, kết nối các quốc gia đi trước và các hãng công nghệ trên toàn thế giới, tận dụng giới tri thức nhất là những Việt kiều ở nước ngoài.

Trước hết cần sử dụng trí tuệ nhân tạo ngay trong cơ quan Chính phủ để nêu gương, tạo hệ thống cơ sở dữ liệu về các lĩnh vực kinh tế xã hội và để cho mọi người dân tiếp cận dễ dàng, đảm bảo đạo đức trong phát triển trí tuệ nhân tạo...

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Diễn đàn Toàn cầu Boston, nguyên Tổng biên tập báo VietNamNet, Việt Nam muốn trở thành quốc gia tiên tiến trong thời đại trí tuệ nhân tạo, nhưng hiện tại đang tụt hậu. Để vượt lên không dễ, không thể ảo tưởng. Các quốc gia khác cũng có khát vọng không kém gì Việt Nam. Vì vậy, để đạt được mục tiêu trên, với xuất phát sau, cần có chiến lược đột phá đặc biệt và khác biệt. Theo ông Tuấn, điểm đột phá quạn trọng là Việt Nam cần xây dựng Chính phủ trí tuệ nhân tạo và văn hóa thời đại trí tuệ nhân tạo. Chính phủ trí tuệ nhân tạo đã được phác thảo với những thiết kế cơ bản về cấu trúc, lĩnh vực tác động, nhiệm vụ cũng như một số lưu ý đặc thù. Trọng tâm của Chính phủ trí tuệ nhân tạo sẽ là Trung tâm dữ liệu và ra quyết định Quốc gia - nơi thu thập, lưu trữ, phân tích và áp dụng một lượng lớn dữ liệu liên quan đến việc cung cấp các dịch vụ công, đánh giá những chương trình công hay cán bộ công chức.

Trung tâm dữ liệu và ra quyết định Quốc gia đóng vai trò đầu não của Chính phủ trí tuệ nhân tạo. Nó sẽ liên kết với tất cả các bộ, ngành và thu thập dữ liệu từ các bộ, ngành, các tỉnh, đơn vị cấp tỉnh, thành phố, làng, trường học và các đơn vị hành chính khác.

Bên cạnh đó là xây dưng văn hóa thời đại trí tuệ nhân tạo, với những khu văn hóa, quảng trường trí tuệ nhân tạo. Đây là nơi giới thiệu những nhân vật tinh hoa của thế giới, đi tiên phong xây dựng nền chính trị văn hóa công nghệ trong thời đại trí tuệ nhân tạo và những thành quả của họ. Những khu văn hóa này sẽ tạo ra vị thế và sức thu hút với mọi người để từ đó phát huy sự sáng tạo.

Còn theo Giáo sư Nazli Choucri, Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ): Việt Nam không cần phép màu nào hết, chỉ cần có chiến lược tốt, thật sự cởi mở và chủ động tham gia vào sự phát triển của công nghiệp 4.0 sẽ mang lại thành công.

Doanh nghiệp Việt Nam có lỡ chuyến tàu?
Theo ông Kazuo Yano, Kỹ sư trưởng Tập Đoàn Hitachi (Nhật Bản), đây là thời điểm tốt nhất để bắt đầu và cần tích cực triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong đời sống kinh tế. Thống kê cho thấy hiệu quả sản xuất được tăng lên nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo, với nhiều ngành kinh tế là rất lớn. Nó giúp giảm thiểu chi phí vận hành, tăng năng suất và tạo ra những sản phẩm dịch vụ, được cá nhân hóa với chất lượng cao.

Chẳng hạn với ngành du lịch và giao thông, khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo đã giúp tăng gấp đôi năng suất, còn với lĩnh vực không gian là 30%. Tại Nhật Bản khi ngành đường sắt ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong vận hành, đã giúp tiết kiệm 14% năng lượng hàng năm. Còn với lĩnh vực bán lẻ, nó giúp tăng 115% doanh số.

 

 
Các diễn giả trao đổi tại hội nghị

Theo số liệu khảo sát từ Top 500 DN lớn nhất Việt Nam năm 2018, do VietNam Report thực hiện, có gần 50% DN cho biết đã đầu tư hoặc có dự định đầu tư ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sản xuất kinh doanh. Trong đó 13,6% đã đầu tư, 18,2% đang nghiên cứu và 18,2% dự định sẽ đầu tư trong 2-3 năm tới. Còn lại có 40,9% chưa có dự định đầu tư và 9,1% không có ý định đầu tư. Bản thân nhiều DN Việt Nam hiện vẫn chưa đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, theo hướng kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo.

Trở ngại lớn nhất với các DN Việt Nam là nguồn dữ liệu. Muốn trí tuệ nhân tạo hoạt động tốt, phải có lượng thông tin dữ liệu đủ lớn, làm yếu tố đầu vào, để nó tự học, tương tác với môi trường và ra quyết định. Thách thức của nguồn dữ liệu đầu vào, không chỉ là số lượng mà còn cả chất lượng. Lượng thông tin được thu thập tích lũy tại các DN hiện nay rất nhiều, nhưng rất ít trong số đó, được gắn mã phân loại và đưa vào phân tích. Không những thế, những dữ liệu thông tin không chính xác, hay bị phân loại sai, đang gây trở ngại cho các DN trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Cùng với đó là năng lực quản lý. Việc triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo, không phải là dự án ngắn, chỉ kéo dài 1 hay 2 năm mà phải có tầm nhìn tới 5-10 năm sau. Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo rất nhanh, do đó chiến lược tiếp cận và thích ứng của những lãnh đạo DN cần phải có nền tảng và kế hoạch.

Một chiến lược trung và dài hạn cho ứng dụng trí tuệ nhân tạo là cần thiết với các DN Việt Nam hiện nay. Theo đó, DN cần tổ chức lại cơ sở dữ liệu hiện có, thu thập thêm thông tin, phân loại thông tin, xác định rõ cơ sở dữ liệu tốt nhất và mục tiêu ứng dụng. Cùng với đó, để thành công phải có tầm nhìn trung và dài hạn của lãnh đạo DN, về trí tuệ nhân tạo và nền kinh tế số. Nếu không, các DN Việt Nam lại có nguy cơ bỏ lỡ chuyến tàu.

Nguồn: vietnamnet

Số lượt đọc: 4561

Về trang trước Về đầu trang