Tin KHCN trong nước
Gỡ vướng để thúc đẩy đổi mới hoạt động khoa học và công nghệ (04/06/2018)
-   +   A-   A+   In  

Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF) được thành lập nhằm hỗ trợ vốn cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp (DN) thực hiện nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ, mang lại những hiệu quả thiết thực cho hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) của quốc gia. DN là trung tâm của đổi mới sáng tạo, nhưng thực tế việc đầu tư cho hoạt động đổi mới công nghệ tại các DN còn hạn chế, ảnh hưởng tới tốc độ phát triển kinh tế của đất nước.

Hiệu quả bước đầu
Năm 2015, Quỹ NATIF chính thức được ra mắt tạo cơ chế cung cấp tài chính cho các hoạt động nghiên cứu phát triển từ ý tưởng đến thị trường của một công nghệ mới, sản phẩm mới. Công ty cổ phần Xây dựng và Thiết bị công nghiệp CIE1 (Công ty CIE1) là một trong những đơn vị đầu tiên nhận được sự hỗ trợ từ Quỹ NATIF để thực hiện dự án “Đổi mới công nghệ sản xuất các loại trạm trộn bê-tông tự động chất lượng cao, công suất lớn cho ngành xây dựng Việt Nam và xuất khẩu”. Dự án đã tạo động lực mới, thúc đẩy hoạt động sản xuất tại nhà máy sản xuất trạm trộn bê-tông của công ty. Khu vực sản xuất các linh kiện cấu thành trạm trộn bê-tông có sự phối hợp nhịp nhàng từ việc cắt, ráp tự động bằng máy đến những công đoạn hàn-xì lắp ráp thủ công hoặc kiểm tra tính ổn định của hệ thống.

Kỹ sư Nguyễn Hồng Quân, cán bộ Công ty CIE1 cho biết, sắp tới hầu hết những công đoạn thiết kế, lắp ráp này sẽ được thực hiện tự động hoàn toàn. Khi dự án thực hiện thành công sẽ giúp đơn vị tạo ra công nghệ sản xuất trạm trộn bê-tông tiên tiến so với khu vực châu Á trong việc tạo hình kim loại tấm chiều dày lớn; hàn tự động bằng rô-bốt; xử lý bề mặt trong buồng kín… sẽ đáp ứng được yêu cầu với một số dự án, công trình lớn cần có trạm trộn bê-tông có công suất lớn, hệ thống ổn định, có tính chính xác và đồng bộ cao. Việc triển khai đổi mới công nghệ thành công sẽ thúc đẩy quá trình loại bỏ công nghệ lạc hậu trong các nhà máy cơ khí hiện nay, đưa nền sản xuất cơ khí của Việt Nam tiếp cận với nền sản xuất cơ khí tiên tiến của thế giới và tạo động lực để xuất khẩu sản phẩm cơ khí của Việt Nam ra thị trường quốc tế.

Ngoài CIE1, thời gian qua Quỹ NATIF đã tiến hành xem xét tài trợ cho các nhiệm vụ quan trọng có tác động mạnh đến sự phát triển của DN và mang lại hiệu quả kinh tế cao, tập trung vào một số lĩnh vực như nông nghiệp, y-dược, công nghiệp… Trong số đó có một số nhiệm vụ đã ký hợp đồng tài trợ như: Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thanh toán trên thiết bị di động (mobile payment) tại Việt Nam; Hoàn thiện công nghệ chế biến và đóng gói Tetra-Pak cho sản phẩm nước dừa tại vùng đồng bằng sông Cửu Long; Hoàn thiện công nghệ sản xuất pribiotics bào tử mật độ cao quy mô công nghiệp ứng dụng cho chăn nuôi… Theo Giám đốc Quỹ NATIF Nguyễn Đình Bình, tính đến thời điểm hiện tại, Quỹ đã phê duyệt 28 nhiệm vụ, đang xét chọn, thẩm định 57 nhiệm vụ với tổng kinh phí thực hiện khoảng 3.674 tỷ đồng. Ngoài phần kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (NSNN) khoảng 1.035 tỷ đồng, Quỹ NATIF đã huy động được nguồn vốn từ các DN đầu tư cho KH&CN lên tới 2.639 tỷ đồng.

Đánh giá từ các chuyên gia cho thấy, việc triển khai đổi mới công nghệ thành công sẽ thúc đẩy quá trình loại bỏ công nghệ lạc hậu, đưa sản phẩm của Việt Nam ra thị trường quốc tế. Hiện nay, nhiều DN của Việt Nam vẫn đang sử dụng công nghệ tụt hậu từ hai đến ba thế hệ so với mức trung bình của thế giới.

Nhiều rào cản cần gỡ bỏ
Thực tế thời gian qua việc hỗ trợ từ Quỹ NATIF cho DN còn gặp nhiều khó khăn bởi các quy định, cơ chế chồng chéo khiến việc xét duyệt đầu tư cho các nhiệm vụ KH&CN vẫn còn nhiều vướng mắc, đôi khi khiến DN chậm tiến độ thực hiện dự án. Các nhiệm vụ KH&CN của DN đăng ký tham gia rất đa dạng, nhiều lĩnh vực phức tạp, dàn trải trên cả nước. Mặt khác, DN không có kinh nghiệm xây dựng và thuyết minh dự án phù hợp với nội dung hỗ trợ từ NSNN, do đó, việc hoàn thiện hồ sơ trong quá trình xét chọn, phê duyệt nhiệm vụ thường bị kéo dài, không đáp ứng được tiến độ thực hiện nhiệm vụ, không bảo đảm đúng kế hoạch bố trí vốn và giải ngân của Quỹ.

Theo Giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới Cù Văn Thành, DN chưa nắm vững các trình tự của việc xây dựng dự án, nhất là một số đơn vị có khoảng cách địa lý xa sẽ khiến việc báo cáo, bảo vệ thuyết minh kéo dài. Kỹ sư Tạ Đình Lân, Chủ tịch HĐQT CIE1 cho rằng, các DN sản xuất thường không đủ lực lượng nghiên cứu để có thể hệ thống lại các kết quả thực tế tại đơn vị một cách khoa học, phù hợp với yêu cầu của Quỹ NATIF. Mặt khác, trong thành phần của Hội đồng đánh giá các nhiệm vụ KH&CN, tỷ lệ thành viên là DN còn ít, dẫn tới việc thiếu những phản biện tốt cho DN ở góc độ thực tiễn sản xuất để có thể được duyệt nhiệm vụ. Hiện nay các DN sau khi nhận được hỗ trợ từ Quỹ NATIF còn gặp vướng mắc về vấn đề xử lý tài sản được trang bị để triển khai nhiệm vụ và tài sản hình thành từ việc triển khai nhiệm vụ. Do các tài sản được mua bằng nguồn vốn của Nhà nước, cho nên DN cũng không biết là tài sản này được “cho”, “cho mượn” hay “thuê”. Sau khi dự án hoàn thiện thì Nhà nước có thu hồi lại hay không? Có bắt DN phải mua lại hay không?...

Giám đốc Quỹ NATIF Nguyễn Đình Bình cho biết, theo các quy định hiện nay về việc xử lý tài sản hình thành sau khi thực hiện nhiệm vụ KH&CN, DN còn phải thực hiện rất nhiều các thủ tục để quản lý, xử lý tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN khi kết thúc nhiệm vụ. Như vậy, thực chất DN không được tài trợ hoàn toàn mà chỉ được sử dụng tài sản trong thời gian thực hiện dự án, nhưng phải đáp ứng quá nhiều thủ tục của Nhà nước trước và sau khi thực hiện, đồng thời nếu có nhu cầu phải mua lại tài sản được đầu tư từ NSNN và phải quản lý tài sản hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sau khi nhiệm vụ kết thúc như tài sản Nhà nước giao cho DN. Các thủ tục này đã làm cho nhiều DN ngại tiếp cận với nguồn NSNN vì không bảo đảm được tiến độ thực hiện dự án, làm ảnh hưởng hiệu quả dự án của DN. Mặt khác, một trong những nỗi lo của những người được giao quản lý Quỹ là hiện nay có thực trạng thông tin tài chính không được công khai, minh bạch của các DN nhỏ và vừa. Điều này khiến các cán bộ của Quỹ gặp khó khăn khi tiến hành đánh giá năng lực tài chính của DN. Ngay cả DN, mặc dù có tiền nhưng cũng khó khăn trong việc chứng minh nguồn vốn đối ứng để thực hiện nhiệm vụ. Nếu không quản lý chặt, dẫn tới một số trường hợp có nhiệm vụ không thực hiện thành công thì có thể ảnh hưởng tới trách nhiệm của những cán bộ xét duyệt, đơn vị sử dụng tiền NSNN. Đây là thực tế khiến việc đổi mới công nghệ của DN mặc dù cần nhanh nhưng vẫn còn rườm rà, mất thời gian do các cơ quan quản lý vẫn phải thực hiện việc xem xét, giải ngân theo quy trình, thủ tục của pháp luật về quản lý tiền từ NSNN.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng KH&CN, đối với phần trang thiết bị DN mua đầu tư sử dụng cho nhiệm vụ nhưng dùng tiền từ NSNN thì áp dụng theo Thông tư liên tịch số 16/2015/TTLT-BKHCN-BTC (TTLT số 16) ngày 1/9/2015 của Bộ KH&CN và Bộ Tài chính. Theo quy định của Luật NSNN, những tài sản đấy vẫn là tài sản của Nhà nước, cho nên khi kết thúc dự án sẽ có ba phương án: Một là DN nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì sẽ định giá bán và được ưu tiên mua lại sau khi đã tính khấu hao; hai là DN không có nhu cầu thì cơ quan quản lý có thẩm quyền sẽ chuyển cho các đơn vị nghiên cứu khác của Nhà nước, hoặc bán lại cho các DN khác có nhu cầu; ba là nếu chưa tìm được đơn vị tiếp nhận thì DN được giao bảo quản cho đến khi được điều chuyển, bán hoặc thanh lý. Với thực trạng hiện nay có nhiều DN khi nộp hồ sơ để xin hỗ trợ đã đưa thông tin chưa chính xác, nếu Quỹ NATIF không xem xét, xác minh chặt chẽ có thể sẽ vô tình hỗ trợ kinh phí cho một dự án không khả thi. Thậm chí một số đơn vị sẽ dùng nguồn vốn được cấp không đúng với cam kết dẫn tới dự án không hoàn thành đúng quy định, lúc đó quy trách nhiệm liên đới cho Quỹ NATIF thì rất không công bằng. Do mức độ rủi ro của việc phê duyệt nhiệm vụ rất lớn, dẫn đến việc lãnh đạo Quỹ rất băn khoăn, e ngại bị quy trách nhiệm khi nhiệm vụ thất bại, bởi lẽ một số trường hợp nếu gây thất thoát tiền từ NSNN có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để Quỹ NATIF hoạt động hiệu quả, có thể hỗ trợ nhanh cho các DN thì nên có cơ chế để Quỹ được hoạt động như một quỹ đầu tư mạo hiểm. Nhà nước sẽ chấp nhận có những dự án gặp rủi ro, thất bại, khi đó sẽ giải phóng tư tưởng “giữ tiền” của các cán bộ quản lý quỹ. Mô hình hoạt động của Quỹ sẽ không bị ràng buộc bởi hệ thống luật pháp về NSNN như hiện nay, mà kinh nghiệm đầu tư mạo hiểm cho thấy chỉ cần một vài dự án thành công thì sẽ bù đắp được cho rất nhiều dự án thất bại khác, thậm chí là mang lại hiệu quả lớn cho DN và xã hội. Nếu không có quy định như vậy thì các quỹ hiện nay ở Việt Nam có sử dụng tiền từ NSNN sẽ tiếp tục gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện. Lúc đó vẫn còn tình trạng DN chờ đến khi nhận được vốn thì dự án đã không còn mang tính đổi mới sáng tạo nữa.

Nguồn: Báo nhân dân

Số lượt đọc: 3260

Về trang trước Về đầu trang