Tin KHCN nước ngoài
Dữ liệu lớn và các yếu tố thúc đẩy tạo dựng và sử dụng dữ liệu (26/05/2018)
-   +   A-   A+   In  

Theo số liệu thống kê năm thứ 5 liên tiếp của Công ty Domo (Mỹ) về khối lượng dữ liệu và hành vi trực tuyến trên khắp thế giới trong một bản Infographic "Dữ liệu không ngủ 5.0", thì tỷ lệ dân số thế giới sử dụng Internet đã tăng 7,5% so với năm 2016, hiện ước đạt 3,7 tỷ người. Chỉ riêng nước Mỹ, trung bình mỗi phút đã có khoảng 2.657.700 gigabyte dữ liệu được tạo ra.

Thời gian qua, các phương tiện truyền thông và dịch vụ Internet đã đạt được những bước phát triển mạnh mẽ. Amazon, YouTube và Netflix chính là ba trong số những công ty sử dụng nhiều băng thông Internet nhất. Doanh số bán hàng trên Amazon đã đạt kỷ lục 258.751 USD mỗi phút; YouTube đạt 4,14 triệu lượt người xem mỗi phút; trong khi Netflix năm nay chứng kiến sự sụt giảm 20% số lượt xem các chương trình của họ mỗi phút so với năm 2016.

Báo cáo cũng cho thấy, trong mỗi phút có hơn 3,5 triệu tin nhắn văn bản được gửi đi. Năm 2017, con số này là 15,2 triệu tin nhắn, tăng 334%. Bên cạnh đó, trung bình mỗi phút, Google có 3,6 triệu lượt tìm kiếm, Instagram có 46.740 người đăng hình ảnh, còn Spotify có thêm 13 bài hát mới.

Việc số hóa gần như mọi phương tiện truyền thông và sự chuyển hướng ngày càng tăng của các hoạt động kinh tế và xã hội sang sử dụng Internet (thông qua các dịch vụ điện tử như các mạng xã hội, thương mại điện tử, y tế điện tử và chính phủ điện tử) đang tạo ra nhiều petabyte (hàng triệu gigabyte) dữ liệu cứ sau mỗi giây. Ví dụ như mạng kết nối xã hội Facebook được biết có đến 900 triệu người tham gia trên toàn thế giới và tạo ra trung bình hơn 1500 trạng thái cập nhật mỗi giây. 

Với việc khai thác và kết nối (thế giới thực) ngày càng tăng của các bộ cảm biến thông qua các mạng cố định và di động (mạng cảm biến), ngày càng có nhiều các hoạt động ngoại tuyến cũng được ghi lại bằng kỹ thuật số, dẫn đến một làn sóng bổ sung dữ liệu không ngừng.

Nhiều tài liệu chỉ ra rằng mỗi năm, các doanh nghiệp lưu trữ tổng thể hơn 7 exabyte (hàng tỷ gigabyte) dữ liệu mới trên các ổ đĩa, trong khi người tiêu dùng bảo quản hơn 6 exabyte dữ liệu mới. Điều đó dẫn đến một lượng dữ liệu tích lũy ước tính hơn 1000 exabyte; một nhà phân tích ước tính rằng con số này sẽ tăng lên gấp 40 lần vào cuối thập kỷ này.

Lượng dữ liệu gia tăng một cách mạnh mẽ chủ yếu bị tác động bởi sự hội tụ của những phát triển công nghệ quan trọng, đáng chú ý là truy cập băng thông rộng ở mọi nơi và sự phổ biến các thiết bị và ứng dụng ICT thông minh, như các dụng cụ đo thông minh, lưới điện và giao thông vận tải thông minh dựa trên các mạng cảm biến và sự giao tiếp máy với máy (M2M). Chi phí truy cập Internet giảm mạnh trong vòng 20 năm qua là một yếu tố chi phối quan trọng. Ví dụ vào năm 2011, người tiêu dùng ở Pháp phải trả khoảng 33 USD một tháng cho một kết nối băng thông rộng tốc độ 51 Mbit/s, trong khi chi phí cho một kết nối bằng quay số (với tốc độ chậm hơn đến 1000 lần) là 75 USD vào năm 1995. Điện thoại di động đã trở thành một thiết bị thu thập dữ liệu hàng đầu, kết hợp dữ liệu định vị địa lý với kết nối Internet để hỗ trợ các dịch vụ trên phạm vi rộng và ứng dụng mới liên quan đến giao thông, môi trường và y tế. Nhiều dịch vụ và ứng dụng đó dựa (hoặc tham gia vào) việc thu thập và sử dụng dữ liệu cá nhân. Bổ sung cho sự truy cập Internet ngày càng gia tăng và hiệu quả hơn, hầu hết các thiết bị di động được trang bị các mảng giao thức gia tăng để trao đổi dữ liệu cục bộ (như Wifi, Bluetooth, Near Field Communications (NFC) với khả năng truyền dữ liệu ngang hàng (peer-to-peer). Các thiết bị này còn có thể quay video, chụp ảnh và ghi âm thanh (thường gắn với thông tin định vị).

Toàn thế giới có gần sáu tỷ thuê bao di động, trong đó khoảng 13% (780 triệu) là điện thoại thông minh có khả năng thu thập và truyền dữ liệu định vị địa lý. Cũng vào năm này, các thiết bị điện thoại di động tạo ra khoảng 600 petabyte (triệu gigabyte) dữ liệu mỗi tháng. Với sự phổ cập điện thoại di động (số thuê bao trên 100 dân) vượt quá 100% tại hầu hết các nước OECD và sự phổ biến băng thông rộng không dây đạt gần 50%, thì nguồn dữ liệu này sẽ gia tăng đáng kể khi mà điện thoại thông minh trở thành thiết bị cá nhân phổ biến. Cisco ước tính rằng lưu lượng dữ liệu sản sinh ra từ điện thoại di động đạt gần 11 exabyte (hàng tỷ gigabyte) năm 2016, có nghĩa là tăng gần gấp đôi mỗi năm.

Sự gia tăng dữ liệu di động không chỉ do sự gia tăng số điện thoại di động, được dự báo sẽ chiếm đến một nửa tổng lưu lượng di động. Các thiết bị thông minh khác đang phát triển thậm chí còn nhanh hơn. Ví dụ, các dụng cụ đo thông minh thu thập và truyền dữ liệu thời gian thực ngày càng tăng, và xe ô tô thông minh giờ đây đã có thể truyền dữ liệu thời gian thực về hiện trạng các linh kiện trong xe và về môi trường. Nhiều thiết bị thông minh trong số này được dựa trên cơ sở các mạng kết nối cảm biến và thiết bị đi kèm có thể cảm nhận và tương tác với môi trường thông qua các mạng di động. Các bộ cảm biến và thiết bị đi kèm trao đổi dữ liệu thông qua các kết nối không dây "tạo khả năng tương tác giữa con người hay máy tính với môi trường xung quanh". Hàng tỷ bộ cảm biến kết nối tương tác hiện đang được triển khai trên phạm vi toàn thế giới trong các lĩnh vực như an ninh, y tế, môi trường, các hệ thống giao thông vận tải hay hệ thống kiểm soát năng lượng, số lượng của chúng đang tăng lên với tỷ lệ khoảng 30% mỗi năm.

Nguồn: Nasati

Số lượt đọc: 1926

Về trang trước Về đầu trang