Tin KHCN trong nước
Chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng “sân chơi” 4.0 (15/05/2018)
-   +   A-   A+   In  
Bối cảnh hội nhập và xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam, nhưng chỉ có thể nắm bắt cơ hội khi nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu. Trước những bất cập về chất lượng nguồn nhân lực hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần áp dụng các giải pháp công nghệ để đào tạo, nhanh chóng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cho thấy, 69% số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đang vấp phải khó khăn trong việc tuyển dụng được các cán bộ kỹ thuật có tay nghề để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Báo cáo cũng nêu, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam chưa có nhiều đột phá. Doanh nghiệp FDI đánh giá chất lượng đào tạo và hiệu quả của lao động Việt Nam năm 2017 chỉ đạt 3,8 điểm. Vì vậy, doanh nghiệp phải chi nhiều tiền hơn cho hoạt động đào tạo khi tuyển dụng nhân sự mới, mức độ chi tăng qua các năm. Năm 2013, chi phí trung bình cho hoạt động này chỉ chiếm 3,6% chi phí kinh doanh, năm 2014 tăng lên 5,9%, năm 2017 là 5,7%.

Thực tế cho thấy, lao động của Việt Nam vẫn hạn chế trong việc sở hữu các kỹ năng mềm, trình độ ngoại ngữ, khả năng làm việc nhóm, kỹ năng công nghệ thông tin và khả năng sáng tạo. Nhiều lao động dù đã qua đào tạo, nhưng khi làm việc vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu khiến người sử dụng lao động mất thời gian đào tạo lại. PGS, TS Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển doanh nghiệp (Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) cho rằng, nếu bộ máy quản trị không làm tốt sẽ không khơi dậy được động lực, sự sáng tạo của nguồn nhân lực. Hiện nhiều doanh nghiệp Việt Nam rất ngại bộc lộ mình cho nên rất khó để tìm giải pháp thay đổi về chất lượng nhân lực. Trong khi đó, doanh nghiệp cần thường xuyên tiếp cận cách đánh giá, kiểm tra năng lực của mình theo thước đo quốc tế. Khi đó doanh nghiệp sẽ tìm ra được giải pháp hỗ trợ nâng cao năng lực, hội nhập quốc tế. Cùng quan điểm nêu trên, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, mặc dù 60% số doanh nghiệp FDI vẫn tiếp tục có ý định mở rộng kinh doanh tại Việt Nam, thể hiện qua sự dịch chuyển dòng vốn, nhưng lý do đầu tư không phải vì chất lượng lao động mà do thể chế ổn định, quy mô thị trường lớn mà do lao động Việt Nam vẫn được doanh nghiệp đánh giá là đông và giá rẻ.

Số liệu khảo sát của gần 40 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và hơn 20 Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất cho thấy, xu hướng các doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài gia tăng, trong đó gần 50% số lao động phổ thông và chỉ gần 45% có trình độ đại học trở lên. Vì vậy, vấn đề cấp thiết hiện nay là cần có giải pháp tăng cường năng lực kỹ thuật cho lao động Việt Nam và xây dựng chiến lược đào tạo nhân sự nội bộ để phát huy hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp FDI.

Nhiều ý kiến cho rằng, thực trạng nêu trên là do việc bồi dưỡng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong doanh nghiệp không được chính các doanh nghiệp và các tổ chức khác bên ngoài doanh nghiệp quan tâm. Ðể cải cách đào tạo nguồn nhân lực, doanh nghiệp cần thiết phải áp dụng các giải pháp công nghệ để đào tạo, nhanh chóng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bà Nguyễn Thị Nhàn, đại diện Công ty TNHH Phát triển Hương Việt chia sẻ, việc tổ chức các chương trình đào tạo nhân sự nội bộ chính là cách gỡ nút thắt và tạo nội lực mạnh mẽ để doanh nghiệp phát triển bền vững. Xu hướng đào tạo trong doanh nghiệp đang chuyển dịch dần từ đào tạo truyền thống sang đào tạo trực tuyến bởi rút ngắn khoảng cách địa lý, rút ngắn thời gian đào tạo, tiết kiệm chi phí tổ chức các lớp học... Việc ứng dụng công nghệ điện toán đám mây (cloud computing) vào hoạt động đào tạo trực tuyến được xem là một trong những giải pháp hiệu quả. Tuy nhiên, việc ứng dụng đào tạo trực tuyến vẫn chỉ là cuộc chơi của các tập đoàn lớn, bởi đầu tư xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến tốn kém và thường xuyên, như phần mềm quản lý đào tạo, hạ tầng máy móc thiết bị, sản xuất nội dung, duy trì đội ngũ vận hành. Ðể ứng dụng công nghệ vào đào tạo nhân lực thành công còn phụ thuộc sự sẵn sàng đổi mới, thái độ quyết tâm của các doanh nghiệp để chủ động cải thiện, thay vì trông chờ một cách bị động.

Ông Vũ Tuấn Anh, chuyên gia chuyển đổi số, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang và sẽ thay đổi hoàn toàn cách thức doanh nghiệp tổ chức và hoạt động. Việc chuyển đổi nhân lực số bắt đầu từ việc nhận thức, tìm hiểu và suy nghĩ của người đứng đầu về việc làm thế nào sử dụng công nghệ 4.0 để gia tăng giá trị trong hoạt động của doanh nghiệp. Tiếp đến là chuyển đổi số nhóm nhân lực cấp trung như trưởng phòng với việc tập trung vào việc ứng dụng số hóa trong các công tác quản trị như lập kế hoạch, tổ chức, thực thi, giám sát; kỹ năng quản trị dự án, quản trị sự thay đổi và tối ưu hóa nhân lực. Thời gian tới, cần ứng dụng công nghệ để cải thiện chất lượng lao động ngay từ khâu giáo dục phổ thông, đào tạo nghề. Chất lượng lao động thấp sẽ kém hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài và thu nhập của người lao động không cao.

Nguồn: nhandan.org.vn

Số lượt đọc: 3780

Về trang trước Về đầu trang