Tin KHCN trong nước
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với nông dân (13/04/2018)
-   +   A-   A+   In  
Ngày 9/4/2018, tại TP Hải Dương, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh Hải Dương tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam với chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc; khơi dòng động lực; tiếp đà 30 năm đổi mới”.

Dự hội nghị có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; đ/c Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; một số thành viên Chính phủ và 600 đại biểu là các doanh nghiệp, nhà khoa học và nông dân đến từ các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Mở đầu cuộc đối thoại, Thủ tướng nêu rõ, điều quan trọng nhất của cuộc đối thoại là tháo gỡ trực tiếp những vấn đề khó khăn cho nông dân. Thủ tướng cho rằng còn nhiều vấn đề đặt ra trong ngành nông nghiệp như thị trường, vốn và đất đai, công nghệ, đầu vào cho nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới...

Tại buổi đối thoại, các nông dân đã đặt ra nhiều câu hỏi, nêu các khó khăn, vướng mắc trong tiêu thụ nông sản, vay vốn sản xuất, tình trạng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng…

Trên cơ sở lắng nghe ý kiến nông dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ đã trao đổi, giải đáp, tháo gỡ những khó khăn giúp nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, nâng cao đời sống, tham gia xây dựng nông thôn mới, phát huy tốt hơn nữa vai trò của người nông dân trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, trong 30 năm đổi mới đất nước, nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào. Từ một nền nông nghiệp manh mún lạc hậu, thiếu thốn, hết sức khó khăn, đến nay nhiều lĩnh vực trong nông nghiệp đã dư thừa năng lực sản xuất. Chúng ta đã hướng tới ngành nông nghiệp chất lượng cao, ít gây ô nhiễm môi trường; đã đẩy mạnh xuất khẩu sản lượng lớn lương thực, thủy sản, thực phẩm và nhiều loại trái cây mang tính cạnh tranh với nhiều nền nông nghiệp tiên tiến. Hội nghị hôm nay cũng là sự khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn coi nông nghiệp, nông dân, nông thôn là một mặt trận quan trọng. Sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước muốn thành công thì các bộ, ngành T.Ư cũng như các địa phương cần phải đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Trên cơ sở các ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm của nông dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, các cấp, các ngành, địa phương cần có tầm nhìn lâu dài và bền vững cho phát triển nông nghiệp nông thôn; quan tâm xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, gắn liền sản xuất hàng hóa quy mô lớn và bảo đảm an ninh nông nghiệp quốc gia. Chú trọng xây dựng nông thôn mới gắn với bản sắc văn hóa dân tộc; nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và đời sống vật chất cho nông dân. Các vấn đề nảy sinh trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn cần phải giải quyết đồng bộ; giải quyết tốt việc khiếu nại tố cáo, bảo đảm an ninh trật tự, tạo môi trường bình yên, ổn định cho mọi người dân.

Quan tâm tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp một cách toàn diện, hiệu quả; phát huy thế mạnh của từng vùng miền, các địa phương, nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp. Đẩy mạnh thu hút và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; giao nhiệm vụ một số bộ, ngành T.Ư nghiên cứu tìm cơ chế thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn; các địa phương cần phát triển mô hình các HTX kiểu mới; tạo môi trường tốt gắn kết giữa nông dân với doanh nghiệp cùng phát triển.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời các câu hỏi tại buổi đối thoại.

Trả lời câu hỏi về tình trạng dư thừa nông sản, Thủ tướng cho rằng nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những thành quả lớn, tuy nhiên ở một số thời điểm, một số nơi vẫn xuất hiện tình trạng được mùa mất giá nông sản và chúng ta phải tìm cách khắc phục.

Hiện nay, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), các bộ ngành liên quan đang tiếp tục hoàn thiện chính sách, chỉnh sửa và bổ sung Nghị định 210 về thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp với kỳ vọng chính sách mới này sẽ tạo động lực giúp thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn. “Vừa qua, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng đi làm việc ở đâu cũng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam để quảng bá sản phẩm”, Thủ tướng nhấn mạnh việc tìm các thị trường tiêu thụ mới có ý nghĩa quan trọng để giải quyết tình trạng này. Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu “không phải chỉ sản xuất cái đã có mà phải sản xuất cái thị trường cần” và cho rằng, hàng triệu hộ dân mà tự sản, tự tiêu, tự tìm thị trường thì khó, cho nên, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã cùng tham gia với bà con là rất quan trọng. Do đó, cần sự phối hợp giữa 6 nhà: Nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà băng và nhà phân phối, nếu tách ra là không thành công. Cần xây dựng quy hoạch theo vùng, sản xuất phù hợp với năng lực, điều kiện địa phương.

Tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hạn chế và khắc phục tối đa tình trạng dư thừa sản phẩm nông nghiệp. Muốn vậy phải làm tốt công tác thông tin thị trường giúp nông dân để giảm lãng phí, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng và các bộ, ngành T.Ư sẽ tiếp tục quan tâm hơn nữa nông nghiệp nông thôn; quan tâm xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đồng thời nhận thức rõ những vấn đề còn bất cập để tìm các giải pháp giải quyết.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Xây dựng Hệ trí thức Việt số hoá kết nối nông dân
Cũng tại cuộc đối thoại trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay, thời gian tới, Chính phủ có chủ trương xây dựng Hệ trí thức Việt số hóa. Theo đó, tất cả những cách thức làm ăn hiệu quả sẽ được đưa lên đây, tất cả nông dân sẽ được kết nối với nhau thông qua hệ thống này. Đây sẽ là lối đi cho các hộ nông dân riêng lẻ.

Nông dân Hoàng Bá Êm, thôn Đông Nhà Thờ, xã Dương Quan, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng đặt vấn đề, nếu được tiếp cận internet, chúng tôi có thể học mọi lúc, mọi nơi, không phải bỏ làm để tham gia các lớp tập huấn kéo dài. "Tôi được biết ở các nước phát triển như Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc người ta áp dụng công nghệ thông tin, internet để giám sát quá trình sản xuất, kiểm tra chất lượng sản phẩm. Ở Israel, với một số nông sản, lượng hàng bán qua internet chiếm trên 60%. Vậy xin hỏi Thủ tướng, Chính phủ có thể hỗ trợ nông dân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực nông nghiệp như thế nào?” - ông Êm hỏi.

 

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời các câu hỏi của các nông dân tại buổi đối thoại.

Trả lời câu hỏi này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay, hiện nay, nhiều nước đã đạt được công nghệ sản xuất vô cùng hiện đại, với các dự án liên kết sản xuất với nước ngoài như Nhật Bản, chúng ta được chuyển giao công nghệ của họ, làm theo yêu cầu của họ. Chúng ta là nước đang phát triển vì vậy phải lựa chọn cách làm phù hợp với cách mạng công nghệ 4.0; nhiều vùng nông thôn đã có kết nối điện thoại, internet, đây là một thành quả đáng ghi nhận, là nỗ lực của Chính phủ và nhiều bộ ngành.

Cách mạng 4.0 thực chất là một cuộc cách mạng mới trên nền công nghệ thông tin, ở đó mọi người được kết nối được thông tin với nhau. Tới đây, Chính phủ có chủ trương xây dựng Hệ trí thức Việt số hóa. Theo đó, tất cả các cách thức làm ăn hiệu quả sẽ được đưa lên đây, tất cả nông dân sẽ được kết nối với nhau thông qua hệ thống này. Đây sẽ là lối đi cho các hộ nông dân riêng lẻ.

Trăn trở về đăng kí bản quyền, anh Phạm Văn Hát, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) chia sẻ: "Hiện nay tôi và nhiều nông dân sáng tạo đang gặp khó khăn trong việc đăng ký bản quyền cho các sản phẩm sáng chế. Vì các sáng chế của nông dân chúng tôi thường là vừa sản xuất, vừa bán và vừa lấy ý nông dân để chỉnh sửa cho đạt hiệu quả tối ưu nhưng khi mang đi đăng ký bản quyền sáng chế thì có tiêu chí “bí quyết mà đã công bố cho xã hội biết trước” thì không được chấp nhận.

Các Hồ sơ đăng ký cần rất nhiều giấy tờ, các quy định về tài liệu và nội dung viết rất đặc trưng, khó thực hiện nhất là các bản vẽ thiết kế; thời gian đăng ký rất dài qua nhiều năm, chi phí cao làm cho nhiều nông dân sáng tạo chán nản. Được đại diện cho những nhà nông sáng tạo, tôi đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các ngành chức năng có một cơ chế thật sự “đặc thù riêng” để giúp hàng ngàn người nông dân sáng tạo đăng ký được bản quyền sáng chế.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định những người như anh Hát là đại diện cho một thế hệ nông dân mới, áp dụng sản xuất lớn chưa không phải chân lấm tay bùn. “Bản thân chúng tôi cũng rất tự hào về những sáng chế của anh Hát, nhiều lần chúng tôi mang ra khoe nhưng đăng ký sở hữu trí tuệ thì không có sự linh động vì liên quan đến tranh chấp thương mại toàn cầu. Vì vậy, ai cũng phải chấp hành quy trình đăng ký nghiêm ngặt, hiện nay có 200 doanh nghiệp và 300 cá nhân hỗ trợ việc đăng ký sở hữu trí tuệ. Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ nên trích một phần kinh phí hỗ trợ các nhà sáng chế không chuyên” - Phó Thủ tướng cho biết.

Nguồn: Nasati

Số lượt đọc: 4547

Về trang trước Về đầu trang