Tin KHCN trong nước
Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam đến năm 2030: Từ chính sách đến thực tiễn (15/12/2023)
-   +   A-   A+   In  

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Hoàng Minh, hoạt động triển khai Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) đến năm 2030 có vai trò rất quan trọng. Thứ trưởng Hoàng Minh cho rằng, một chiến lược dù có nội dung hay, đột phá nhưng nếu không được triển khai hiệu quả thì khó có thể đi vào thực tiễn.

Ngày 15/12/2023, tại Hòa Lạc, Bộ KH&CN phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU), Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (VNUHCM), Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam (VAST), Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) tổ chức Hội nghị thường niên năm 2023 với chủ đề “Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST Việt Nam đến năm 2030 - Chính sách và thực tiễn”. Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, Chủ tịch VAST Châu Văn Minh, Giám đốc VNUHCM Vũ Hải Quân, Chủ tịch VASS Phan Chí Hiếu, Phó Giám đốc VNU Phạm Bảo Sơn đồng chủ trì hội nghị.

Mục tiêu của hội nghị là chia sẻ thông tin về các thành tựu, sản phẩm nghiên cứu và đào tạo tiêu biểu; chia sẻ, cập nhật chính sách cũng như trao đổi, thảo luận các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong hoạt động KH,CN&ĐMST. Đồng thời, đề xuất cơ chế, giải pháp tăng cường phối hợp triển khai các chương trình quốc gia, liên kết giữa các đơn vị nghiên cứu, đào tạo hàng đầu của đất nước để phát huy sức mạnh chung cùng giải quyết các vấn đề quan trọng của quốc gia.

Ban hành chính sách

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh, hoạt động triển khai Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030 có vai trò rất quan trọng. Đây là một công đoạn trong chu trình chiến lược nói chung, trong đó hoạt động triển khai chiến lược là công đoạn có vai trò trung tâm kết nối toàn bộ các công đoạn của chu trình. Một chiến lược dù có nội dung hay, đột phá nhưng nếu không được triển khai hiệu quả thì khó có thể đi vào thực tiễn. Vì vậy, đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành KH&CN mà còn của tất cả các ngành, các cấp, do đó, rất cần có sự chủ động tham gia tích cực và sự đồng hành xuyên suốt của tất cả các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học.

Trên cơ sở Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030, Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh làm rõ vai trò của hoạt động triển khai Chiến lược cũng như một số hoạt động đã thực hiện để triển khai Chiến lược. Thứ trưởng cũng chỉ ra một số thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Chiến lược. Từ đó đề xuất một số nội dung triển khai chiến lược ở 2 đại học quốc gia và 2 viện hàn lâm, đồng thời gợi ý các hướng mà các cơ quan có thể hợp tác thực hiện.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Giám đốc VNU Phạm Bảo Sơn chia sẻ, Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 Hội nghị lần thứ tám của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới nhấn mạnh quan điểm về xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện. Một trong các nhiệm vụ, giải pháp để thực thi Nghị quyết bao gồm xây dựng cơ chế, chính sách đột phá và đầu tư nguồn lực để phát triển VNU, VNUHCM, VAST, VASS trở thành cơ sở nghiên cứu trọng điểm ngang tầm các nước tiên tiến, có đủ năng lực, điều kiện để giữ vai trò nòng cốt trong đào tạo, nghiên cứu của đất nước.

Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn cho biết, với tư cách là một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học hàng đầu, VNU đã chủ động xây dựng và triển khai Chiến lược KH,CN&ĐMST của VNU giai đoạn 2021-2030 nhằm định hướng phát triển KH&CN trong thời gian tới lên một tầm cao mới, đồng thời là đột phá để phát triển VNU trở thành đại học thông minh, đổi mới sáng tạo. VNU đã đẩy mạnh triển khai các hướng nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, công nghệ ưu tiên phù hợp với xu hướng của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời, tập trung nguồn lực triển khai một số chương trình nghiên cứu trọng điểm quốc gia về năng lượng, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, điện tử y sinh...

Kết quả từ thực tiễn

Chia sẻ về tiềm lực, chỉ số KH,CN&ĐMST ở VNU, Trưởng ban KH&CN VNU Trần Thị Thanh Tú cho biết, VNU có hơn 5.000 cán bộ, trong đó, tổng số cán bộ khoa học là 2.739 người; 66 giáo sư, 490 phó giáo sư, gần 1.700 tiến sỹ và tiến sỹ khoa học. Hiện nay, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sỹ của VNU đạt tỷ lệ 62% (cao hơn gấp 2 lần tỷ lệ trung bình của cả nước); tỷ lệ giáo sư/phó giáo sư cao gấp 5 lần trung bình cả nước. VNU hiện có 210 phòng thí nghiệm ở các lĩnh vực, trong đó có 01 phòng thí nghiệm trọng điểm cấp nhà nước, 09 phòng thí nghiệm trọng điểm/trung tâm nghiên cứu trọng điểm cấp VNU và 36 nhóm nghiên cứu mạnh cấp VNU với các tiêu chí về chất lượng tương đương với nhóm nghiên cứu mạnh cấp Nhà nước. VNU luôn là một trong những đơn vị đứng đầu cả nước về số lượng các công trình khoa học được công bố hàng năm. Số bài báo quốc tế thuộc hệ thống WoS/SCOPUS không ngừng gia tăng theo các năm, từ 400 bài năm 2012 lên khoảng 1.500 bài năm 2022 và hơn 1.700 bài năm 2023.

Với tham luận “Phát triển đào tạo và nghiên cứu thiết kế vi mạch tại VNUHCM”, ông Trần Mạnh Hà - Phó Trưởng ban Đào tạo của VNUHCM đưa ra số liệu về nhu cầu nhân lực trong ngành công nghiệp bán dẫn và thiết kế vi mạch. Hiện nay, Việt Nam chỉ đáp ứng 20% nhu cầu nhân lực và cần hơn 50.000 nhân lực chất lượng cao ngành này đến năm 2030. Đây cũng chính là thành phần có thể tạo ra các sản phẩm nội sinh trong nước có yếu tố sở hữu trí tuệ Việt Nam. Tại VNUHCM, có 4 trường đại học thành viên đang đào tạo ngành gần và ngành liên quan đến thiết kế vi mạch nhưng chưa có ngành đào tạo thiết kế vi mạch. Quy mô đào tạo các ngành gần và liên quan chiếm 18,7% và 5,8% tổng quy mô đào tạo. Các trường thuộc VNUHCM đóng góp trên 50% nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn tại TP Hồ Chí Minh.

Theo Phó Chủ tịch VAST Trần Tuấn Anh thì lực lượng cán bộ khoa học của Viện về cơ bản vẫn được giữ vững nhưng không đồng đều trong các lĩnh vực, chủ yếu tập trung vào một số ngành nghiên cứu cơ bản, trọng tâm và một số viện nghiên cứu thành viên có thế mạnh về nghiên cứu cơ bản. Số lượng giáo sư, phó giáo sư các ngành nghiên cứu công nghệ và ứng dụng có xu thế giảm dần. Chất lượng nguồn nhân lực khoa học của Viện được duy trì ổn định với hơn 40% tổng số viên chức có trình độ tiến sỹ, trong đó có gần 25% số viên chức có chức danh giáo sư, phó giáo sư, nhiều người là nhà khoa học đầu ngành, có uy tín của cả nước.

Tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện chính sách

Thảo luận về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KH&CN, ông Nguyễn Nam Hải - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ KH&CN cho rằng, cần thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý để những nội dung mới hình thành, phát triển trong thực tiễn, đồng thời giải quyết các bất cập trong thực tiễn thi hành Luật KH&CN. Theo ông Nguyễn Nam Hải, các chính sách của đề nghị xây dựng Luật bao gồm: hoàn thiện quy định về thành lập, đăng ý và hoạt động của tổ chức KH&CN; hoàn thiện quy định đối với cá nhân hoạt động KH&CN; hoàn thiện quy định về nhiệm vụ KH&CN; sửa đổi, bổ sung quy định về đầu tư, tài chính phục vụ phát triển KH,CN&ĐMST; thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hoàn thiện quy định để thúc đẩy hội nhập quốc tế về KH,CN&ĐMST…

Đồng tình với quan điểm của ông Nguyễn Nam Hải, ông Tạ Minh Tuấn - Phó Chủ tịch VASS cho rằng, cần hoàn thiện pháp luật để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy phát triển KH,CN&ĐMST. Ông nhấn mạnh, một hệ thống chính sách và pháp luật tốt, phù hợp với thực tiễn sẽ đóng vai trò then chốt trong việc tạo dựng và thúc đẩy đội ngũ các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách phát triển hùng hậu; tạo ra một môi trường pháp lý ổn định để khuyến khích các nhà khoa học, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch lâu dài và ổn định; là công cụ đặc biệt quan trọng để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ ý tưởng và các sản phẩm sáng tạo, từ đó thúc đẩy các nghiên cứu, đổi mới, phát minh, sáng chế; tạo dựng niềm tin, động lực thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực KH,CN&ĐMST; thúc đẩy hợp tác quốc tế về KH&CN, rộng khả năng tiếp cận với kiến thức, kỹ thuật và các công nghệ tiên tiến trên thế giới, kiến tạo thị trường khoa học…

Để KH,CN&ĐMST thực sự đóng vai trò đột phá chiến lược trong giai đoạn mới, trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia thì cần thực hiện những đổi mới mạnh mẽ, toàn diện mang tính đột phá trong trong tư duy người hoạch định chính sách, trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật nhằm tạo lập môi trường thuận lợi cho KH,CN&ĐMST phát triển.

Nguồn: vjst.vn

Số lượt đọc: 5429

Về trang trước Về đầu trang