Phát minh này lấy cảm hứng từ nghiên cứu trước đây của trường Đại học Queen Mary London, Anh về việc chơi nhạc pop và rock làm tăng hiệu suất của pin mặt trời. Nguyên nhân là vì các rung động do âm thanh tạo nên, đã kích thích chuyển động của vật liệu trong pin mặt trời, cải thiện được 40% hiệu suất.
Từ đó, hãng Nokia đã phối hợp với nhóm nghiên cứu tại trường Đại học Queen Mary London để chế tạo thiết bị khai thác năng lượng để sạc điện thoại di động bằng tiếng ồn hàng ngày.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng các thuộc tính quan trọng của oxit kẽm, đó là khi vật liệu bị nén hoặc kéo căng, nó sẽ tạo điện áp bằng cách biến đổi năng lượng từ chuyển động thành điện năng dưới dạng các thanh nano.
Các thanh nano có thể được phủ trên nhiều bề mặt tại những vị trí khác nhau, giúp khai thác năng lượng một cách linh hoạt. Khi bề mặt này được nén hoặc kéo căng, các thanh nano sinh ra điện áp cao. Các thanh nano phản ứng với rung động và chuyển động được tạo ra bởi âm thanh thường nhật như tiếng nói của con người. Sau đó, các tiếp điểm điện ở cả 2 đầu của các thanh nano được sử dụng để khai thác điện sạc điện thoại.
Để có thể sản xuất máy phát điện kích thước nano, các nhà khoa học đã tìm ra những phương thức sáng tạo để giảm chi phí sản xuất. Thứ nhất, họ đã đưa ra qui trình phun hóa chất để phủ oxit kẽm lên tấm nhựa. Khi được đưa vào hỗn hợp hóa chất và đun nóng ở 900C, các thanh nano phát triển trên bề mặt của tấm nhựa. Thứ hai, nhóm nghiên cứu đã sử dụng nhôm giá rẻ để thay thế vàng thường được dùng làm tiếp điểm điện.
Thiết bị cuối cùng có kích thước tương tự như chiếc Nokia Lumia 925 và sản sinh điện công suất 5V, đủ để sạc điện thoại.