Tin KHCN trong nước
Giải pháp công nghệ và tài chính cho phát triển năng lượng mặt trời tại Việt Nam (24/11/2017)
-   +   A-   A+   In  
Ngày 21 và 22/11, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với một số đối tác quốc tế đã tổ chức Hội nghị “Giải pháp công nghệ và tài chính cho phát triển năng lượng mặt trời tại Việt Nam” nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, các nhà đầu tư dự án điện mặt trời tại Việt Nam tiếp cận với những công nghệ mới một cách dễ dàng, đem đến hiệu suất cao.

Từ nhu cầu thực tiễn và tầm nhìn vĩ mô

Năng lượng mặt trời được xác định là một trong các nguồn năng lượng rất dồi dào tại Việt Nam, việc khai thác và tận dụng có hiệu quả, bền vững nguồn năng lượng thân thiện với môi trường này đã và đang là mối quan tâm chiến lược của Việt Nam cũng như hầu hết các nước trên thế giới.

Ngày 25/11/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 2068/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó nêu rõ việc khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến, an toàn và hiệu suất cao.

Tiếp theo đó Chính phủ ban hành nhiều chính sách, chỉ thị về khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời. Điển hình là Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.

Trong thời gian qua, công nghệ cho các nhà máy điện mặt trời nối lưới đã có nhiều bước phát triển đột phá. Nổi bật là việc ứng dụng thành công công nghệ nano vào trong sản xuất các tấm pin hấp thụ năng lượng đã làm gia tăng đáng kể tính hiệu quả và bền vững của các dự án đầu tư về điện mặt trời trên thế giới. Tuổi thọ của tấm các thiết bị đã tăng từ 12 năm lên 20 năm, sản lượng điện tăng 30%, an toàn với môi trường, suất đầu tư giảm 40% so với thế hệ công nghệ năm 2010. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, các dự án điện mặt trời của Việt Nam đang tiếp cận với nhiều công nghệ khác nhau, khá nhiều trong số đó là công nghệ hiệu suất thấp, ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn khá nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.

Giải pháp công nghệ và tài chính đã sẵn sàng

Mặc dù tại Việt Nam hiện đã có hàng trăm dự án điện mặt trời nhưng có thể nói, lĩnh vực này vẫn còn nhiều cơ hội. Theo dự báo của Bộ Công Thương, tốc độ tăng trưởng nhu cầu về điện tại Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020 là 9,8%/năm và là 8,6% trong giai đoạn 2021-2025.

Do đó, Hội nghị “Giải pháp công nghệ và tài chính cho phát triển năng lượng mặt trời tại Việt Nam” được tổ chức nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, các nhà đầu tư dự án điện mặt trời tại Việt Nam tiếp cận với những công nghệ mới, đồng thời giới thiệu một số tập đoàn nước ngoài thuộc top 10 thế giới về công nghệ điện mặt trời và sẽ chọn thí điểm khoảng 10 dự án để đầu tư.

Diễn giả của Hội nghị là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo như: Ông Lưu Tùng Giang, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương; Ông Phạm Trọng Thực, Nguyên Vụ trưởng Vụ Năng lượng mới và Năng lương tái tạo, Bộ Công Thương; Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc PwC Việt Nam; Ông Ernst Jan Kruis, Giám đốc điều hành Solveigh, Hà Lan; Ông Joost Samson, Giám đốc điều hành Voltiq cùng các đại diện từ khối ngân hàng, tư vấn pháp lý.

Tại Hội nghị, Ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN kiêm Giám đốc Ban quản lý Dự án Trung tâm đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam - Bộ KH&CN cho biết, Việt Nam hiện có trên 700 dự án thủy điện, trong đó khoảng 1/3 hoạt động không thực sự hiệu quả do lỗi thiết kế, công nghệ lạc hậu hoặc do thiếu nước để phát điện vì chỉ có thể phát điện vào mùa mưa và phát cầm chừng vào mùa khô, dẫn tới kéo dài thời gian thu hồi vốn. Vì vậy, việc kết hợp phát triển các dự án điện mặt trời với các tấm pin năng lượng mặt trời đặt trên mặt nước hồ thủy điện đang trở thành giải pháp giải quyết vấn đề này. Cách làm này đang ngày càng được ưa chuộng tại các quốc gia như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia… bởi chi phí đầu tư thấp nhưng đem lại hiệu quả cao.

Ông Phạm Đức Nghiệm phân tích, suất đầu tư 1 MW thủy điện là 2,5 triệu USD, trong khi điện mặt trời chỉ bằng một nửa. Đặc biệt, nếu kết hợp phát triển điện mặt trời trên thủy điện sẵn có thì mức đầu tư chỉ khoảng 700.000 USD/MW. Trước đây, nhận thấy tiềm năng của công nghệ điện mặt trời thế hệ mới này, sau khi Ban quản lý Dự án Trung tâm đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam giới thiệu tại Sơn La, lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La đã trực tiếp chỉ đạo xây dựng kế hoạch cụ thể, quy hoạch phát triển áp dụng năng lượng mặt trời thế hệ mới trong điều chỉnh phát triển năng lượng tại tỉnh. Đồng thời giao cho Sở KH&CN Sơn La trực tiếp phối hợp với đoàn công tác, nghiên cứu, tiếp tục khảo sát việc áp dụng tại tỉnh.

Bên cạnh việc giải quyết bài toán quốc gia về năng lượng, vấn đề môi trường cũng là nội dung mà Hội nghị này quan tâm.

“Điện mặt trời thế hệ cũ rất ảnh hưởng tới môi trường vì tấm năng lượng và ắc quy tráng bằng nitrat bạc là chất cực độc và thủy ngân. Công nghệ mà chúng tôi đang làm là công nghệ mới silicon và nano cacbon, được tráng thành phim không gây ô nhiễm môi trường và có thể tái chế dễ dàng”, ông Nghiệm lý giải.

Bên cạnh đó, công nghệ mới này cũng có giá thành đầu tư thấp hơn công nghệ cũ bởi áp dụng công nghệ mới, tiết kiệm diện tích xây dựng. “Công nghệ cũ cần 1,8 ha cho mỗi MW, nhưng công nghệ mới chỉ cần 1 ha, bởi tế bào quang điện tử trên 1 m2 nhiều hơn, giúp tăng khả năng hấp thụ, đồng thời giảm diện tích xây dựng”, ông Nghiệm nói.

Ngoài ra, các buổi thảo luận bàn tròn đã thảo luận cụ thể về các nội dung cần thiết để phát triển thành công dự án năng lượng mặt trời với sự hỗ trợ tài chính và công nghệ quốc tế như: Quy trình phát triển một Dự án năng lượng mặt trời tại Việt Nam; Các vấn đề nảy sinh trong quá trình chuẩn bị và thực hiện Dự án; Các bước chuẩn bị một Dự án năng lượng mặt trời tại Việt Nam và Một số nguồn tài chính cho dự án năng lượng mặt trời; Thuận lợi và khó khăn trong việc gọi vốn đầu tư cho Dự án và đưa ra một số phương án đề xuất để gọi vốn thành công cho Dự án.

Tiếp theo phiên thảo luận, 10 buổi kết nối trực tiếp giữa các nhà phát triển dự án năng lượng mặt trời tại Việt Nam với nhà đầu tư, tổng thầu (EPC) quốc tế đã liên tục diễn ra nhằm thảo luận sâu về cơ hội hợp tác và đầu tư cho từng dự án cụ thể.



Phiên thảo luận về tiếp cận tài chính và công nghệ cùng nhà thầu quốc tế

Nguồn: most.gov.vn

Số lượt đọc: 7056

Về trang trước Về đầu trang