Tin KHCN nước ngoài
Tiêu chuẩn cho trí tuệ nhân tạo (24/11/2017)
-   +   A-   A+   In  

Trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm mục tiêu tạo ra các máy tính có khả năng suy luận đến một ngày nào đó có thể vượt khả năng của con người. Mặc dù tác động đầy đủ của AI vẫn còn khó đánh giá, nhưng các hệ thống thông minh có thể giúp làm tăng năng suất và dẫn đến những thay đổi không thể đảo ngược trong xã hội chúng ta. Do vậy cần xác định tiêu chuẩn cho trí tuệ nhân tạo.


Khi máy móc bắt đầu suy nghĩ
Trí tuệ nhân tạo được định nghĩa là khả năng của máy móc và hệ thống có thể tiếp thu và áp dụng tri thức để thực hiện hành vi trí tuệ. Điều này có nghĩa là việc thực hiện đa dạng các nhiệm vụ nhận thức khác nhau, ví dụ như thụ cảm, xử lý tiếng nói, lập luận, học hỏi, ra quyết định và thể hiện khả năng di chuyển và thao tác các đồ vật một cách phù hợp. Các hệ thống thông minh sử dụng kết hợp phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây, giao tiếp máy-máy và IoT để vận hành và học tập. AI tạo khả năng cho các loại phần mềm và robot mới ngày càng hoạt động như những tác nhân tự trị, hoạt động độc lập, không lệ thuộc vào các quyết định của người sáng tạo và vận hành chúng, thông minh hơn so với các máy móc đã thực hiện trước đây.

Sự phát triển của máy thông minh
Những nỗ lực phát triển AI ban đầu tập trung vào việc xác định các quy tắc mà phần mềm có thể sử dụng để thực hiện một nhiệm vụ. Các hệ thống như vậy giải quyết các vấn đề hạn hẹp, nhưng không đủ khả năng khi phải đối mặt với các nhiệm vụ phức tạp hơn như biên dịch và nhận dạng tiếng nói. Sự phát triển các phương pháp thống kê mang lại những đột phá quan trọng trong lĩnh vực AI bằng cách tập trung vào phân tích dữ liệu. Thay vì để cung cấp các quy tắc mệnh lệnh toàn diện, học máy (hoặc thống kê) nhằm mục đích ra quyết định dựa trên các hàm xác suất xuất phát từ những kinh nghiệm trong quá khứ. Bằng cách này, máy tính có thể chơi cờ vua không chỉ bằng cách sử dụng các nước đi thiết lập sẵn và cân nhắc khả năng kết quả, mà còn bằng cách tham khảo các trò chơi trong quá khứ và tính toán khả năng di chuyển của một nước đi cụ thể để dẫn đến chiến thắng. 

Trí tuệ nhân tạo có thể gây phá vỡ ngành công nghiệp
Các robot có hỗ trợ AI ngày càng trở thành trung tâm của ngành hậu cần và chế tạo, sẽ thay thế lao động con người trong các quy trình sản xuất. AI đang mở rộng vai trò của robot, vốn thường được giới hạn trong các nhiệm vụ đơn điệu yêu cầu tốc độ, chính xác và sự khéo léo. Các cảm biến được sử dụng ngày càng phổ biến trong các dây chuyền sản xuất, làm cho chúng thông minh hơn và hiệu quả hơn thông qua việc làm cho các quy trình thích ứng với sự thay đổi các yêu cầu sản xuất và điều kiện làm việc. Các ngành, lĩnh vực có thể sẽ trải qua một cuộc cách mạng sản xuất mới và một sự biến đổi căn bản, đó là ngành nông nghiệp, hóa chất, dầu mỏ và than đá, cao su và chất dẻo, giày dép và dệt may, vận tải, xây dựng, quốc phòng, giám sát và an ninh.

Trí tuệ nhân tạo cũng có thể cách mạng hoá một loạt các dịch vụ
Trí tuệ nhân tạo sẽ được triển khai rộng trong một loạt các ngành công nghiệp dịch vụ, như giải trí, y học, marketing và tài chính. Tài chính đang được cách mạng hóa bằng phân tích dữ liệu lớn và AI, hiện nay ở Hoa Kỳ, các thuật toán đang độc lập tiến hành nhiều giao dịch hơn cả con người. Xu hướng này đặc biệt mạnh trong thị trường chứng khoán và đang trở nên rõ rệt trong giao dịch các loại tài sản khác như ngoại tệ. Học máy có tiềm năng nâng cao vai trò của các thuật toán trong kinh doanh bằng cách cho phép chúng điều chỉnh các chiến lược của mình theo thời gian. Nhiều sản phẩm dựa trên AI đang được triển khai dưới hình thức dịch vụ web. 

Việc thu được lợi ích của AI phụ thuộc vào một số điều kiện khung đang được áp dụng
Một yếu tố thiết yếu để thu được lợi ích từ AI là cung cấp các mạng lưới vận tải, năng lượng và truyền thông đáng tin cậy, bao gồm cả IoT. AI có thể gây ra những sai lầm có thể dẫn đến những thiệt hại nghiêm trọng (ví dụ như chẩn đoán bệnh nhân sai). Các quyết định của AI có thể bị hiểu sai, bị chỉ trích hoặc bác bỏ (ví dụ như từ chối cho vay). Bản chất không hoàn chỉnh của AI làm nảy sinh các câu hỏi về các nguyên tắc trách nhiệm hợp pháp và nghĩa vụ pháp lý được san sẻ như thế nào giữa AI với các nhà lắp ráp, nhà lập trình, các chủ sở hữu AI, v.v…

AI có thể thay đổi con người theo những cách không thể đoán trước 
Việc tích hợp AI vào phạm vi cá nhân sẽ tạo ra sự gắn bó tình cảm ở con người, đặc biệt liên quan đến các robot dùng AI có hình dạng người và làm thay đổi hành vi xã hội của con người. Một số lập luận cho rằng sự khác biệt hành vi giữa máy có AI và máy không sử dụng AI có thể biện minh cho việc cung cấp robot xã hội với các quyền hợp pháp và việc bảo vệ chúng có thể sử dụng như một chỉ dẫn cho sự điều chỉnh rộng hơn các hành vi được mong đợi về mặt xã hội. Một số khác cho rằng mối quan hệ xã hội giữa con người và robot nên được phản ánh trong bổn phận đạo đức. Nói rộng hơn, việc sử dụng AI cho tất cả các mục đích của con người gây ra một số vấn đề về đạo đức và triết học xung quanh cuộc sống con người, bao gồm cả khả năng làm mất tính người (de-humanisation) của xã hội. Nó đặt ra câu hỏi về vai trò của con người trong một xã hội tăng cường AI mới và có thể xác định lại cách mọi người sử dụng thời gian của mình, tức là bằng cách cân đối lại thời gian dành cho công việc và giải trí.

Xác định tiêu chuẩn cho trí tuệ nhân tạo 
Đã đến lúc những nhà công nghệ phải cân nhắc những nguyên tắc đạo đức để đảm bảo sự an toàn của xã hội loài người. Viện kỹ sư Điện và Điện Tử Hoa Kỳ (IEEE: Institute for Electrical and Electronics) đã phát đi thông cáo báo chí công bố ba tiêu chuẩn mới về đạo đức trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo để đàm bảo cho sự an ninh, an toàn và thịnh vượng của loài người trong quá trình phát triển của các công nghệ này. Hoạt động phổ biến nhất của IEEE đối với toàn thế giới đó là thiết lập nên những tiêu chuẩn hàng đầu về khoa học kỹ thuật.

Những tiêu chuẩn này sẽ trở thành một phần của ấn phẩm của IEEE: Thiết kế phù hợp về đạo đức: Tầm nhìn về ưu tiên cho sự thịnh vượng của loài người khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các hệ thống tự động. Đây là một tài liệu sống động khuyến khích các nhà công nghệ để ưu tiên xem xét những khía cạnh đạo đức khi làm việc với AI.

Công nghệ robot và tự động được dự báo sẽ tạo ra nhiều đổi mới cho xã hội. Gần đây, công chúng ngày càng quan tâm tới những vấn đề xã hội phức tạp do trí tuệ nhân tạo gây ra, cũng như những lợi ích tiềm năng to lớn mà nó mang lại. Với tư cách là tổ chức nghề nghiệp về kỹ thuật lớn nhất thế giới, IEEE sẽ giới thiệu kiến thức và sự thông thái dựa trên các dữ kiện đã được khoa học và công nghệ chấp nhận để đạt được các quyết định công cộng nhằm tối đa hóa lợi ích tổng thể cho nhân loại.

Ba dự án về tiêu chuẩn của IEEE do các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực nghiên cứu tương ứng đề ra. Bao gồm: 1) Tiêu chuẩn cho việc thúc đẩy đạo đức cho các hệ thống robot, thông minh và tự động: Tiêu chuẩn này xem xét các "động tác", mà theo thuật ngữ của trí tuệ nhân tạo là những đề xuất công khai hoặc được che giấu nhằm tác động đến hành vi và cảm xúc của con người. Trong đó giải thích khái niệm, chức năng và các lợi ích cần thiết để đảm bảo rằng các robot và hệ thống tự động luôn tuân thủ các nguyên tắc đạo đức và đạo lý trên toàn thế giới. Nhấn mạnh nhu cầu liên kết các cộng đồng kỹ thuật và đạo đức trong thiết kế và ứng dụng các hệ thống này; 2) Tiêu chuẩn thiết kế dự phòng đối với hệ thống tự động và bán tự động: Các hệ thống tự động và bán tự động khi vận hành sai có thể gây hại đến người dùng, xã hội và môi trường. Vì thế cần phải có các biện pháp dự phòng hiệu quả để giảm rủi ro liên quan đến các hệ thống bị hỏng và cung cấp cho các nhà phát triển, người cài đặt và người vận hành những hướng dẫn kỹ thuật rõ ràng để dừng các hệ thống bị hư hại một cách an toàn. Tiêu chuẩn này thiết lập các quy trình rõ ràng để đo đạc, kiểm tra và xác nhận khả năng của hệ thống tự động có thể được dừng một cách an toàn với thang đo các mức từ thấp đến cao, đồng thời cũng kèm theo hướng dẫn cải thiện hiệu suất vận hành. Tiêu chuẩn này cũng cung cấp những tri thức và kỹ năng cơ bản cho các nhà phát triển, người sử dụng và các nhà quản lý thiết kế các hệ thống dự phòng để nâng cao tính trách nhiệm: 3) Chuẩn mực về thước đo về phúc lợi của con người đối với trí tuệ nhân tạo có đạo đức và hệ thống tự động: Khi các hệ thống trí tuệ nhân tạo ngày càng được cải tiến, các lập trình viên, kỹ sư và các nhà công nghệ phải xem xét các sản phẩm và dịch vụ mà họ xây dựng có thể cải thiện phúc lợi của con người về tăng trưởng kinh tế và năng suất như thế nào. Tiêu chuẩn này xác định các chỉ số và chỉ số phúc lợi của con người có thể bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các hệ thống tự trị và thông minh và cung cấp một đường cơ sở để sắp xếp dữ liệu mà các hệ thống này nên bao gồm để chúng có thể được sử dụng để tăng phúc lợi cho con người. Khi công nghệ ngày càng phát triển, rõ ràng là các hệ thống tự động và thông minh sẽ đóng vai trò ngày càng tăng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Những nỗ lực mà chúng tôi đang thực hiện ngày hôm nay là rất cấp bách để đảm bảo rằng, tất cả các bên liên quan đều có thể yên tâm là các hệ thống này đã trải qua những tính toán thiết kế rất thận trọng và đã chứa đựng những cân nhắc về đạo đức.

Nguồn: Nasati

Số lượt đọc: 4339

Về trang trước Về đầu trang