Tin KHCN trong nước
Giám sát môi trường nước bằng năng lượng mặt trời (22/11/2017)
-   +   A-   A+   In  
Đây là trạm giám sát môi trường bằng công nghệ cao đầu tiên ở Việt Nam được các kỹ sư trong nước thiết kế, chế tạo.

Trạm quan trắc môi trường nước bằng năng lượng mặt trời do Trung tâm Vi mạch Đà Nẵng (CENTIC) nghiên cứu, thiết kế và chế tạo. Trạm có hình dáng phao nổi linh hoạt, dễ dàng di chuyển đến các vị trí quan trắc khác nhau. Các thông số đo khác nhau có thể được lựa chọn và thay đổi linh hoạt, tùy nhu cầu thực tế tại vị trí quan trắc, ví dụ: Oxy hòa tan, pH, ORP, độ dẫn điện, độ đục, clo, nhiệt độ, hàm lượng chất rắn lơ lửng...

Được thiết kế theo mô hình phao nổi (được neo, thả nổi trên mặt nước), trạm còn có khả năng chịu tác động thời tiết khắc nghiệt như nắng, mưa, gió mạnh.., chống chịu ăn mòn, hoạt động bền bỉ, và tự cung cấp năng lượng bằng những tấm pin năng lượng mặt trời.

Phía dưới phao nổi có gắn các cảm biến. Bên trong phao nổi được đặt các bảng mạch điện tử để xử lý tín hiệu từ cảm biến truyền về, xử lý dữ liệu, truyền dữ liệu về Trung tâm giám sát và điều khiển bằng tin nhắn SMS hoặc đường truyền dữ liệu GPRS/3G.

Qua việc theo dõi các chỉ số từ hệ thống quan trắc môi trường này, các cơ quan quản lý trong lĩnh vực môi trường sẽ nắm được những thay đổi bất thường của chất lượng nước nhằm bảo vệ môi trường nước, phòng ngừa sự cố ô nhiễm.

 

Trạm có hình dạng phao nổi. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Thiết bị quan trắc môi trường này đã được TP Đà Nẵng đưa vào thử nghiệm tại hồ Thạc Gián (phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê) từ tháng 12/2016. Với hệ thống giám sát chất lượng nước bằng công nghệ tự động này, người dân và nhà quản lý có thể dễ dàng trực tiếp theo dõi chất lượng nước tại hồ.

Đặc biệt, trong trường hợp có sự cố bất thường xảy ra, hệ thống tự động gửi tin nhắn SMS đến điện thoại cho cán bộ quản lý có liên quan theo danh sách đã được thiết lập sẵn.

TS. Nguyễn Hoài Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Vi mạch Đà Nẵng (CENTIC) chia sẻ theo tính toán, chi phí để xây dựng và phát triển một Trạm quan trắc môi trường nước với công nghệ của CENTIC là khoảng 1,5 tỷ đồng, bằng nửa số tiền nếu đầu tư bằng công nghệ nước ngoài. Hơn nữa, hệ thống này còn có ưu điểm nổi bật so với các thiết bị ngoại nhập là làm việc hoàn toàn tự động ghi nhận số liệu quan trắc mà không cần xây dựng các trạm quản lý.

 

Trạm được thử nghiệm tại hồ Thạch Gián (phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê). Ảnh: VGP/Lưu Hương

Sau thử nghiệm thành công tại hồ Thạch Gián, sắp tới, CENTIC sẽ triển khai lắp thêm 8 trạm quan trắc môi trường nước trên địa bàn TP. Đà Nẵng. Sau khi ổn định, hệ thống giám sát này sẽ được bàn giao cho Sở Tài nguyên & Môi trường TP. Đà Nẵng quản lý.

Nguồn: chinhphu.vn

Số lượt đọc: 3899

Về trang trước Về đầu trang