Tin KHCN trong nước
Xây dựng bức tranh toàn diện cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở Việt Nam (01/09/2021)
-   +   A-   A+   In  

Báo cáo “Toàn cảnh Đổi mới sáng tạo mở tại Việt Nam” do Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (NSSC) thuộc Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ KH&CN) và BambuUP phối hợp xây dựng nhằm cung cấp thông tin đa chiều về đổi mới sáng tạo và hệ sinh thái khởi nghiệp cho các các công ty khởi nghiệp, tập đoàn, các nhà đầu tư.

Đây sẽ là báo cáo đầu tiên và toàn diện nhất từ trước đến nay về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở tại Việt Nam.

 

Theo số liệu của Bộ KH&CN, cả nước có hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Các tổ chức quốc tế đánh giá, Việt Nam nằm trong nhóm 3 hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất ASEAN. Đây là những con số minh chứng cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang ngày càng phát triển và vô cùng năng động.

 

Tuy nhiên, hiện tại, Việt Nam chưa có báo cáo nào cập nhật và phân tích đầy đủ xu hướng đổi mới của thị trường (Việt Nam và toàn cầu) cũng như nêu bật nhu cầu về đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp lớn hiện nay. Bên cạnh đó, hệ thống phân loại các ngành cũng chưa được thiết kế phù hợp cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, chưa có một nguồn thông tin chính thức và đủ tin cậy để cung cấp, cập nhật dữ liệu toàn diện về hệ sinh thái khởi nghiệp này.

 

Theo bà Nguyễn Hương Quỳnh, Giám đốc điều hành nền tảng kết nối sáng tạo BambuUp, hiện có hơn 95% doanh nghiệp, tập đoàn chưa có đủ thông tin về hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam nên sự tương tác hợp tác để đồng sáng tạo, đồng phát triển ở Việt Nam còn rất rời rạc.

 

Vì vậy, Báo cáo “Toàn cảnh Đổi mới sáng tạo mở tại Việt Nam” nhằm vào 4 mục tiêu: Cung cấp bức tranh tổng thể toàn diện trên mọi lĩnh vực về hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo mở; cập nhật, phân tích các xu hướng đổi mới sáng tạo ở Việt Nam và trên thế giới cũng như nhu cầu ưu tiên của các doanh nghiệp trong tương lai; đánh giá hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đang ở đâu so với thế giới và đâu là cơ hội phát triển tiếp theo; là cơ sở dữ liệu được đa dạng và cập nhật để các doanh nghiệp, nhà đầu tư và công ty khởi nghiệp tìm kiếm đối tác tiềm năng.

 

Nhóm thực hiện Báo cáo sẽ đưa ra một bản đồ khởi nghiệp của các ngành kinh tế nổi bật, bao gồm: Bán lẻ (Retail), Công nghệ tài chính (Fintech), Công nghệ giáo dục (Edtech), Công nghệ chăm sóc sức khỏe (Healthtech)…

 

Ba từ khóa cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở

 

Ông Phạm Dũng Nam, Giám đốc NSSC cho biết, dịch COVID-19 đặt nền kinh tế nước ta, trong đó có hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, trước nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi hơn bao giờ hết cần sự quyết tâm, đồng lòng và tập trung mọi nguồn lực để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

 

Giữa đại dịch, nhu cầu cấp thiết về đổi mới sáng tạo, liên kết hợp tác và ứng dụng KHCN không chỉ là phương thức, công cụ phát triển mới mà trên hết là một tư duy mới, triết lý mới cho sự phát triển.

 

Ông Phạm Dũng Nam cũng nhấn mạnh 3 từ khóa quan trọng. Thứ nhất là “đổi mới sáng tạo”, đó là tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới, cải tiến sản phẩm, dịch vụ đã có, cải tiến quy trình, dây chuyền sản xuất kinh doanh, cải tiến về mặt con người và hơn nữa là đổi mới về mặt tư duy, đổi mới mô hình kinh doanh. Chỉ có đổi mới sáng tạo mới tạo ra giá trị mới, cách làm mới, hiệu quả mới, tiếp cận nhanh với tốc độ phát triển của cuộc cách mạng 4.0 hiện nay.

 

Thứ hai là "mở" trong thiết kế mô hình vận hành, sản xuất kinh doanh, “mở” trong liên kết hợp tác, đồng thời “mở” trong tư duy, cách tiếp cận vấn đề. Những mô hình đóng kín, tự lực cánh sinh trong bối cảnh này liệu còn phù hợp hay không? Tận dụng tài nguyên và nguồn lực có sẵn để cùng phát triển là hướng chúng ta “mở” trong thời gian tới.

 

Từ khoá thứ 3, đó là “liên kết hợp tác”.

 

“Chỉ khi liên kết với nhau, hình thành các chuỗi giá trị, chuỗi liên kết, tạo giá trị cho nhau thì chúng ta mới phát triển được. Đó là lý do chúng tôi mong muốn cùng xây dựng và phát triển một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở, trong đó mục tiêu quan trọng nhất là thúc đẩy tính đổi mới sáng tạo, tính mở và tính liên kết”, ông Phạm Dũng Nam nhấn mạnh.

 

Ông Phạm Dũng Nam bày tỏ kỳ vọng, Báo cáo này không chỉ dừng lại ở mức độ thông tin mà qua đó, tạo ra những nền tảng tri thức, thúc đẩy cùng phát triển. Đây cũng là một hợp phần của Nền tảng đổi mới sáng tạo mở quốc gia (VOIP) mà Bộ KH&CN đang phối hợp với các đối tác trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phát triển, là sáng kiến tập hợp nguồn lực để thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua mô hình giải quyết nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, cơ quan quản lý, tổ chức xã hội thông qua các giải pháp đổi mới sáng tạo.

 

Dự kiến, cuối tháng 12, Báo cáo sẽ được hoàn thiện và phát hành miễn phí với 2 phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh.

Nguồn: Chinhphu.vn

Số lượt đọc: 2296

Về trang trước Về đầu trang