Tin KHCN nước ngoài
Năm 2017, không khí nóng thu nhỏ lỗ thủng tầng ôzôn đến mức kỷ lục (13/11/2017)
-   +   A-   A+   In  
Theo thông báo mới đây của các nhà khoa học tại Cơ quan Hàng không và Vũ trụ quốc gia (NASA) và Cục Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia (NOAA), Hoa Kỳ, lỗ thủng tầng ôzôn của Trái đất đã thu hẹp xuống kích thước nhỏ nhất kể từ năm 1988 đến nay. Các nhà nghiên cứu tin rằng không khí nóng đã hạn chế tốc độ suy giảm ôzôn.

Hàng năm, lỗ hổng tầng ôzôn ở trên Nam Cực mở rộng hơn vào mùa đông và thu hẹp hay tự khôi phục vào mùa hè. Kể từ năm 1991, lỗ thủng ôzôn ở Nam Cực đạt mức tối đa là 10 triệu dặm vuông. Nhưng tính đến đầu tháng 9 năm 2017, diện tích tối đa của lỗ thủng chỉ là 7,6 triệu dặm vuông. Paul A. Newman, nhà nghiên cứu Khoa học trái đất thuộc NASA cho biết lỗ thủng ôzôn ở Nam Cực đặc biệt giảm trong năm nay. Đó là kết quả quan sát thấy trong các điều kiện thời tiết ở tầng bình lưu Nam Cực.

Lỗ thủng ôzôn được hình thành khi các tia nắng mặt trời đóng vai trò xúc tác các hóa chất do con người tạo ra như clo và brom. Những phản ứng hóa học đó phá hủy các phân tử ôzôn. Các phản ứng này được kích thích bởi sự hình thành mây ở tầng bình lưu, nhưng năm 2016 và 2017, không khí nóng trong tầng bình lưu đã hạn chế phản ứng diễn ra và giảm sự mở rộng của lỗ thủng ôzôn.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng khí cầu thời tiết được gắn cảm biến ôzôn để thường xuyên đo và lập bản đồ kích thước và hình dạng của tầng ôzôn phía trên các cực. Khí cầu có thể theo dõi nồng độ phân tử ôzôn ở độ cao khác nhau. Các số đo cho thấy lớp ôzôn ở trên Nam Cực chưa từng mỏng như năm nay.

Sự suy giảm ôzôn trong thập niên 70 và 80 là do sự phát triển của chlorofluorocarbons (CFCs), chất dẫn xuất clo được sử dụng trong bình xịt sol khí, tủ lạnh, cũng như nhiều sản phẩm và thiết bị khác. Sau khi Nghị định thư Montreal được thông qua vào năm 1987, hiệp ước đầu tiên được tất cả các thành viên của Liên hợp quốc phê chuẩn, thì CFC gần như hoàn toàn được loại bỏ.

Tuy nhiên, CFC có chu kỳ bán phân rã dài, nên có thể tiếp tục làm suy giảm tầng ôzôn trong nhiều thập kỷ sau khi chúng được thải vào khí quyển. Hơn nữa, còn có lo ngại về việc các phân tử khác như CFC không được kiểm soát, đang tích tụ trong khí quyển và kìm hãm khả năng phục hồi của tầng ôzôn.

Nguồn: Nasati

Số lượt đọc: 4569

Về trang trước Về đầu trang