Tin KHCN trong nước
Lâm Đồng sẽ có nhiều trang trại dùng công nghệ kết nối vạn vật IoT (23/10/2017)
-   +   A-   A+   In  

Tại Việt Nam đã có khá nhiều trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng IoT trong nông nghiệp thông minh và đơn vị cung cấp dịch vụ này. Đây là những cơ sở hạ tầng quan trọng để Việt Nam tiến hành nông nghiệp 4.0 với thời gian ngắn trong tương lai.

Dấu ấn Cầu Đất Farm

Qua nghiên cứu ở Việt Nam hiện nay có khoảng 8 nhà cung cấp giải pháp IoT chính thức như: Công ty cổ phần Dịch vụ công nghệ IoT - IoT Group; Công ty Công nghệ DTT; Tập đoàn FPT; Công ty Konexy; Công ty Hachi… Việc ứng dụng IoT cho nông nghiệp giúp người nông dân tăng năng suất, giảm chi phí và tránh rủi ro vụ mùa. Qua đó, giúp phát triển nông nghiệp sạch, an toàn và bền vững. Tuy nhiên, hiện nay chi phí ban đầu để thực hiện giải pháp IoT khá cao, bởi chưa có doanh nghiệp (DN) nào sản xuất các thiết bị phần cứng nên chủ yếu phải nhập từ Isreal, Nhật Bản, Thái Lan và Đài Loan.

Hiện cả nước có khoảng 30 trang trại/DN ứng dụng IoT. Riêng ở tỉnh Lâm Đồng hiện nay có 15 trang trại/DN ứng dụng IoT, song chủ yếu ứng dụng ở các trang trại trồng rau, hoa, dâu tây với doanh thu từ 5-8 tỷ đồng/ha/năm, nhưng quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ. Các DN điển hình như: Công ty cổ phần Chè Cầu Đất Đà Lạt, Công ty TNHH Long Đỉnh, Công ty TNHH Trường Hoàng, Công ty TNHH Trang trại Langbiang, Công ty cổ phần sinh học Rừng hoa Đà Lạt, Công ty TNHH Đà lạt GAP, trang trại Định farm, trang trại Vương Đình Phi…

Đặc biệt Cầu Đất Farm bắt đầu sản xuất nông sản sạch từ 2 năm trước bằng phương pháp thủy canh trên một hệ thống nhà vườn rộng 7ha. Toàn bộ hệ thống nhà vườn do nhân viên của Cầu Đất Farm lắp ráp, đầu tư hệ thống thông minh quản lý mỗi ha nhà vườn, với kinh phí khoảng 2,7 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, Cầu Đất Farm sở hữu nông trại ở Đà Lạt có quy mô lớn, kết nối hệ thống phát triển rau sạch bằng các giải pháp nông nghiệp thông minh, ứng dụng IoT trong nhiều khâu của quy trình trồng trọt và tiêu thụ lớn nhất Việt Nam.

Toàn bộ hệ thống được thiết kế đồng bộ, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật cho trang trại như quạt, rèm vách, cắt nắng, bơm tưới, châm dinh dưỡng, điều chỉnh EC và PH; hệ thống camera giám sát 24/24 giờ, để ghi lại hình ảnh cây trồng, giám sát quy trình chăm sóc, phát triển của cây.

Hỗ trợ khởi nghiệp nông nghiệp thông minh

Qua phân tích nêu trên cho thấy hạ tầng cung ứng công nghệ và quản trị DN IoT bước đầu đã tiếp cận, là cơ sở quan trọng tiếp tục phát triển để Việt Nam trở thành một trong những quốc gia thành công trong nông nghiệp thông minh 4.0 trong những năm tới. Do đó Chính phủ cần tiếp tục có những chính sách khuyến khích DN các tổ chức và cá nhân huy động các nguồn lực nhằm tạo đột phá nông nghiệp thông minh.

Riêng đối với tỉnh Lâm Đồng, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 05/NQ-TU về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại giai đoạn 2016 -2020 và định hướng 2025. UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã ban hành Đề án hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020, kèm theo các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp nói chung, trong đó có khởi nghiệp nông nghiệp thông minh. Mức hỗ trợ cho mỗi dự án 50% kinh phí tư vấn dịch vụ đào tạo nguồn nhân lực, sở hữu trí tuệ…; hỗ trợ 50% chi phí áp dụng khoa học công nghệ mới; hỗ trợ 3% lãi suất sau đầu tư (tối đa 36 tháng); hỗ trợ vay vốn Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp, Quỹ Khuyến công… Với những chính sách đó, lãnh đạo tỉnh hy vọng rằng Lâm Đồng sẽ có nhiều trang trại/DN nông nghiệp thông minh 4.0 vào năm 2019.

Nguồn: most.gov.vn

Số lượt đọc: 5276

Về trang trước Về đầu trang