Tin KHCN trong nước
Khám phá bất ngờ từ keo ong của Việt Nam trong điều trị ung thư (19/10/2017)
-   +   A-   A+   In  
PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Mai, trưởng khoa hóa học, Trường đại học khoa học tự nhiên TP.HCM đã có một khám phá bất ngờ khi phát hiện ra keo ong của Việt Nam có hoạt tính kháng ung thư rất mạnh, đặc biệt là ung thư tụy.

Hỗ trợ điều trị ung thư tụy từ keo ong mật

Nhiều người đã biết đến giá trị các sản phẩm thuần khiết từ ong mật (Apis mellifera) như mật ong, phấn ong, sữa ong chúa do có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe và làm đẹp. Những năm gần đây, trên thế giới xuất hiện một sản phẩm hỗ trợ điều trị sức khỏe cũng từ ong mật đó là keo ong.

PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Mai, trưởng khoa hóa học, Trường đại học khoa học tự nhiên TP.HCM

PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Mai, trưởng khoa hóa học, Trường đại học khoa học tự nhiên TP.HCM.
 

PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Mai cho biết, về mặt sinh học, keo ong là hỗn hợp gồm nhựa cây và chất tiết ra từ tuyến nước bọt của loài ong mật tạo nên một hỗn hợp dẻo, rất dính ở nhiệt độ cao nhưng lại cứng và dễ vỡ ở nhiệt độ thấp. Các công trình nghiên cứu đã tìm thấy hơn 149 hợp chất và 22 loại khoáng chất khác nhau có trong keo ong. Những hợp chất này có nhiều hoạt tính sinh học như kháng oxy hoá, kháng vi khuẩn, kháng virus, kháng nấm, kháng viêm và kháng ung thư.

Hầu hết các sản phẩm từ keo ong hiện nay trên thị trường đều hướng đến tác dụng kháng khuẩn mạnh, dựa theo cơ chế con ong sử dụng keo ong để ổn định cấu trúc của tổ, giảm độ rung, sửa chữa những vết rách, kẽ hở không mong muốn của tổ, tăng cường phòng thủ cho tổ khi chặn các lối vào, ngăn ngừa kí sinh trùng và vi khuẩn xâm nhập, hạn chế sự phát triển của vi khuẩn, nấm mốc, chống sự thối rữa và phòng chống mọi khả năng lây lan các bệnh có khả năng nguy hại trong tổ ong.

Các loại keo ong được ưa chuộng trên thị trường chủ yếu đến từ các quốc gia ở Nam Mỹ, đặc biệt là keo ong xanh (Green propolis) có khả năng kháng khuẩn rất mạnh, được sử dụng phòng ngừa các bệnh cảm cúm rất hiệu quả. Sở dĩ keo ong xanh của Brazil có hoạt tính kháng khuẩn mạnh hơn các loài khác là do nó được lai tạo bởi ong mật ở Châu Phi và ong mật của Brazil. Cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào về keo ong của Việt Nam.

Trong nghiên cứu của nhóm PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Mai cho thấy, keo ong mật loài Apis mellifera, loài ong mật được nuôi phổ biến ở Việt Nam, có thành phần các hợp chất flavonoid và polyphenol thấp hơn keo ong của Brazil rất nhiều, từ 3 đến 10 lần. Do đó, keo ong của Việt Nam có hoạt tính kháng oxi hóa và kháng khuẩn yếu hơn keo ong của Brazil. Tuy nhiên, keo ong của Việt Nam lại có hoạt tính kháng ung thư rất mạnh, đặc biệt là ung thư tụy, một căn bệnh mà trên thế giới chưa có thuốc điều trị hiện nay.

Keo ong Việt Nam có giá trị sử dụng khác với keo ong nước ngoài?

PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Mai nói: “Nhóm của chúng tôi có hợp tác với nhóm nghiên cứu của GS.Suresh Awale, Trường Đại học Toyama, Nhật Bản về tác dụng gây độc tế bào ung thư tụy PANC-1 trong điều kiện thiếu dưỡng chất những dược liệu Việt Nam, một cơ chế nghiên cứu mới chỉ sử dụng được cho tế bào ung thư tụy, khác với các loại tế bào ung thư thông thường khác. Nếu các thử nghiệm và cơ chế trị liệu được làm rõ thì đây sẽ là những loại thuốc tương lai thay thế điều trị bệnh ung thư tụy, một căn bệnh có tỉ lệ tử vong cao”.

Nghiên cứu sơ bộ cho thấy keo ong nuôi ở khu vực Tây Nam Bộ chứa nhiều hợp chất cycloartane triterpene, những hợp chất có khả năng gây độc tế bào ung thư tụy rất mạnh. Để kiểm chứng xem tại sao keo ong của ta chứa nhiều hợp chất triterpene, nhóm nghiên cứu đã khảo sát thành phần hóa học của cây xoài, là cây cung cấp nguồn thức ăn phổ cho các trang trại nuôi ong mật. Kết quả cho thấy cây xoài cũng chứa nhiều hợp chất cycloartane triterpene và cũng có tác dụng gây độc tế bào ung thư tụy mạnh. Điều này cho thấy ong mật nuôi ở vùng này đã sử dụng nhựa từ cây xoài để sản sinh ra keo ong, bảo vệ tổ.

Với phát hiện này cho thấy keo ong của nước ta có giá trị sử dụng khác với keo ong của Brazil. Do đó, cần tiến hành các nghiên cứu chuyên sâu hơn để có thể phát triển một sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư tụy.

Cần một bước nữa để đưa nghiên cứu thành sản phẩm điều trị bệnh

Để có thể thu hoạch keo ong tại các trang trại, người nuôi ong phải thay đổi thiết kế của tổ ong. Ong mật chỉ đi tìm kiếm keo ong khi bề mặt tổ ong bị thô ráp, nhiều vết nứt và khe hở khiến cho tổ ong không an toàn nên các trang trại phải sử dụng bẫy để thu thập nhiều keo ong hơn. Những cái bẫy này thường là tấm nhựa mỏng có nhiều đường nứt hở thay thế vỏ bên trong tổ. Theo thời gian, ong sẽ lấp đầy các khe hở trong nhựa này bằng keo ong, khi đó người nuôi sẽ thu lấy những tổ ong có nhiều keo ong để tinh chế.

keo_ong_1

PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Mai giải thích thêm: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy để có thể thu được các hoạt chất như flavonoid, polyphenol, triterpene từ keo ong phải sử dụng phương pháp trích nóng hoặc ngâm dầm với cồn, sau đó qua các bước tinh chế sẽ cho ra cao chiết tối ưu. Từ đây, bằng phương pháp sấy phun hoặc đông cô sẽ cho ra bột nguyên liệu và điều chế thành các dạng thành phẩm khác nhau. Để đa dạng các dòng sản phẩm, chúng tôi đã nghiên cứu ra sản phẩm bột nguyên liệu với kích thước nano. Hiện nay, vì điều kiện thí nghiệm chưa cho phép, nhóm nghiên cứu chỉ mới dừng tại đây”.

Do đó, PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Mai mong muốn tìm nhà đầu tư hỗ trợ nghiên cứu thêm về cơ sở pháp lý của sản phẩm mới trong nước này, bao gồm: xây dựng bộ cơ sở tiêu chuẩn hóa dược liệu mới của keo ong cũng như đánh giá tính an toàn và tác dụng điều trị ung thư tụy của sản phẩm trên động vật thực nghiệm, để hoàn thành hồ sơ tiền lâm sàng cho sản phẩm thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị ung thư tụy từ keo ong của Việt Nam, góp phần phát triển nguồn nguyên liệu Hóa dược trong nước và tăng thu nhập cho nông dân.

Nguồn: Khoa học phổ thông

Số lượt đọc: 5464

Về trang trước Về đầu trang