Tin KHCN trong nước
Thúc đẩy một số ngành khoa học cơ bản (18/10/2017)
-   +   A-   A+   In  
Khoa học cơ bản là nền tảng của nền khoa học để có thể xây dựng năng lực quốc gia cho việc tiếp thu làm chủ công nghệ và tiến đến sáng tạo công nghệ. Để nâng cao tiềm lực khoa học cơ bản, Nhà nước cần nâng cao nguồn nhân lực, có cơ chế đặt hàng các nhiệm vụ cấp quốc gia và có sự đầu tư thích đáng vào hoạt động nghiên cứu, hợp tác quốc tế.

Một số ngành khoa học cơ bản của Việt Nam có vị trí cao trong khu vực như ngành Hóa học; Khoa học sự sống; Khoa học trái đất; Khoa học biển. Những nghiên cứu cơ bản trong bốn lĩnh vực nói trên đã làm nền tảng cho việc tiếp thu và làm chủ các công nghệ tiên tiến, đưa ra những sản phẩm ứng dụng trong sản xuất và đời sống.

Trong lĩnh vực Khoa học sự sống, các nhà khoa học đã tiếp thu công nghệ tế bào gốc, công nghệ sản xuất vắc-xin, công nghệ chọn tạo giống cây, con; các nghiên cứu về đa dạng sinh học loài, đa dạng hệ sinh thái… đã làm căn cứ để UNESCO công nhận chín Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam với tính đa dạng sinh học cao nhất trong khu vực ASEAN; làm chủ công nghệ sản xuất vắc-xin và tự sản xuất 10 loại vắc-xin, tiến tới xuất khẩu. Nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực Khoa học trái đất đã có những đóng góp quan trọng vào việc tìm hiểu lịch sử hình thành và tiến hóa địa chất lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam, tăng cường khả năng phát hiện các nguồn tài nguyên địa chất mới, dự báo, cảnh báo các tai biến địa chất, giúp cho quy hoạch hợp lý lãnh thổ, bảo vệ tài nguyên và môi trường, nhất là góp phần bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

Các nhà khoa học Việt Nam đã đóng góp cho việc khẳng định chủ quyền biển đảo thông qua công bố các công trình khoa học trên các diễn đàn khoa học quốc tế như tạp chí, hội nghị, hội thảo về các nghiên cứu tại các địa điểm thuộc lãnh thổ Việt Nam hoặc phản biện các công trình khoa học của nước ngoài, trong đó có sự sai lệch về địa điểm nghiên cứu thuộc lãnh thổ Việt Nam.

Tuy nhiên, bốn lĩnh vực nói trên vẫn còn một số hạn chế trong đào tạo, trong hoạt động nghiên cứu, về đầu tư trang thiết bị, hợp tác quốc tế. Các ngành khoa học cơ bản nói chung cũng không còn thu hút được nhiều học sinh giỏi xét, thi tuyển đầu vào. Bên cạnh đó, việc tài trợ cho các nghiên cứu cơ bản hiện nay chủ yếu được thông qua Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED), nhưng mới chỉ dừng ở mức “hỗ trợ nghiên cứu” ở mức từ 300 triệu đến 500 triệu đồng/năm. Đối với các ngành thực nghiệm thì còn hạn chế, số tiền hỗ trợ nghiên cứu không đủ cho công tác điều tra, khảo sát. Hơn nữa những trang thiết bị, phòng thí nghiệm hiện nay đã lạc hậu rất nhiều so với yêu cầu nghiên cứu, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động nghiên cứu của các nhà khoa học.

Để thực hiện được các mục tiêu của Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong bốn lĩnh vực Hóa học, Khoa học sự sống, Khoa học trái đất và Khoa học biển giai đoạn 2017 - 2025, chúng ta cần thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp chính như sau: Xác định hướng ưu tiên cho nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng của bốn khoa học cơ bản đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030; thực hiện cơ chế Nhà nước đặt hàng các nhiệm vụ cấp quốc gia theo những hướng nghiên cứu ưu tiên đã đề ra cho các tổ chức khoa học và công nghệ (KH-CN) chuyên ngành, nhất là những tổ chức có tiềm lực nghiên cứu mạnh nhằm hướng đến các sản phẩm ứng dụng trong sản xuất và đời sống; nâng cao năng lực nghiên cứu cơ bản của các cơ sở giáo dục đại học (trường đại học, viện nghiên cứu có đào tạo trình độ tiến sĩ).

Chúng ta cần đầu tư các phòng thí nghiệm; khuyến khích giảng viên ở các trường đại học đẩy mạnh công tác nghiên cứu; xây dựng và triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản cho các tiến sĩ trẻ, các nhiệm vụ nghiên cứu tiềm năng; đẩy mạnh triển khai việc đào tạo nguồn nhân lực sau đại học trong một số Chương trình đào tạo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đào tạo, bồi dưỡng chuyên gia theo nhóm, sau tiến sĩ; đào tạo thông qua các nhiệm vụ KH-CN các cấp, thông qua hợp tác quốc tế; có cơ chế thưởng cho các nhà khoa học đã công bố bài báo quốc tế trong nghiên cứu cơ bản (ISI, SCI, SCIE); hỗ trợ kinh phí tham gia các hội thảo/hội nghị khoa học trong nước và quốc tế, lồng ghép với một số chương trình KH-CN quốc gia như Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, hướng đến năm 2030; Quy hoạch mạng lưới các viện, trung tâm nghiên cứu và phòng thí nghiệm về công nghệ sinh học đến năm 2025.

Nguồn: Bộ KH và CN

Số lượt đọc: 4795

Về trang trước Về đầu trang