Tin KHCN trong nước
Hệ tri thức Việt số hóa sẽ ra mắt vào năm 2018 (07/10/2017)
-   +   A-   A+   In  
Ngân hàng hỏi đáp của Hệ trí thức Việt số hóa sẽ có cơ chế kiểm chuẩn, đảm bảo thông tin trả lại cho người hỏi có độ tin cậy và chính xác cao. Đó là khác biệt so với tra cứu thông tin trên Google. 

Ông Đào Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia cho biết thông tin trên tại buổi họp báo thường kỳ tại Bộ Khoa học và Công nghệ chiều ngày 5/10.

Theo ông Thắng, vào ngày 18/5, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Hệ tri thức Việt số hóa này với mục tiêu xây dựng hệ tri thức tổng hợp bao gồm tri thức của thế giới và người Việt, thúc đẩy tinh thần học tập suốt đời của người dân, tạo cơ hội cho người dân sử dụng, ứng dụng tri thức của nhân loại phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo.

“Việc xây dựng đề án này thông qua nhiều kênh khác nhau, mang tính chất xã hội hóa cao để huy động các nguồn lực xã hội, cộng đồng doanh nghiệp cho tới đội ngũ thanh niên tri thức…”.

Mục tiêu của đề án là góp phần phát triển công nghiệp nội dung số của  Việt Nam vốn đang đi sau so với thế giới. “Hiện nay, chúng ta có nhiều thông tin trên Internet nhưng chủ yếu là thông tin mang tính giải trí, độ chính xác không cao, không có nhiều tri thức khoa học để người dân có thể tiếp cận học hỏi từ đó sáng tạo”.

Ông Thắng cũng cho biết, sau khi đề án được thông qua, dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thành lập một nhóm nòng cốt gồm các chuyên gia đến từ nhiều cơ quan, doanh nghiệp. Sau 3 tháng thành lập, nhóm đã lên ý tưởng và thiết kế cho platform (nền tảng) của “hệ tri thức” này.

Theo đó, Hệ tri thức Việt số hóa sẽ gồm 4 phần:

Phần 1 là dữ liệu mở, bao gồm tất cả các thông tin, báo cáo, dữ liệu thô của các bộ, ngành, địa phương. Đây là các dữ liệu thô có thể cung cấp cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin sử dụng để tạo ra các ứng dụng phục vụ xã hội.

Phần 2 là cây tri thức, tổng hợp trong mọi lĩnh vực của thế giới và Việt Nam. Với phần này, đề án sẽ huy động đội ngũ tri thức thanh niên tham gia vào việc Việt hóa các tri thức của thế giới để cung cấp cho người dùng.

Phần 3 là ngân hàng hỏi đáp, cho phép người dùng đặt câu hỏi trong mọi lĩnh vực. Nhóm nòng cốt sẽ xây dựng phần hỏi đáp với nhiều điểm khác biệt so với những hệ thống hỏi đáp đang tồn tại hiện nay.

Hỏi đáp trên hệ tri thức Việt số hóa dự kiến có sự liên thông và kết hợp với các trang mạng xã hội và diễn đàn ở Việt Nam, để khi ai đó đăng một câu hỏi lên hệ thống, hệ thống sẽ quét và đưa ra những phương án gợi ý trả lời từ các nguồn thông tin khác nhau.

"Ngân hàng hỏi đáp sẽ có cơ chế kiểm chuẩn, đảm bảo thông tin trả lại cho người hỏi có độ tin cậy và chính xác cao. Đó là khác biệt so với tra cứu thông tin trên Google. Hiện nay, thông tin trả lại trên Google rất nhiều nhưng người dùng phải tự xác định xem có chính xác hay không, nghĩa là không có cơ chế kiểm chuẩn thông tin" - ông Thắng khẳng định.

Phần 4 là kho ứng dụng, cung cấp hệ thống công cụ, dịch vụ, cho phép doanh nghiệp startup sử dụng công nghệ khai thác dữ liệu để đáp ứng yêu cầu của người dùng.

Về lộ trình, vị phó cục trưởng cho biết công việc đang được nhóm gấp rút triển khai, dự kiến đầu tháng 11, bản beta của hệ tri thức sẽ được hoàn thành và gửi cho một số cộng động sử dụng thử.

Đến đầu năm 2018, hệ tri thức Việt số hóa sẽ được khởi động để công chúng tham gia xây dựng và đóng góp tri thức.

Cũng theo ông Thắng, đề án này xác định sẽ huy động các nguồn lực xã hội hóa. Do đó, kinh phí từ ngân sách Nhà nước rất nhỏ, chỉ phục vụ cho một số cuộc hội thảo, sự kiện. Vì vậy, trong quyết định phê duyệt đề án không nhắc tới tổng mức đầu tư.

Nguồn: Vietnamnet

Số lượt đọc: 5876

Về trang trước Về đầu trang