Hội thảo có sự tham dự của ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục SHTT; các diễn giả đến từ Cục SHTT, JPO, JIPII; cùng các đại diện của các doanh nghiệp (DN), viện nghiên cứu, trường đại học của Việt Nam và Nhật Bản.
Hội thảo được tổ chức ở Hà Nội và TP. HCM (06/10/2017), đây là cơ hội tốt để các cơ quan quản lý, viện nghiên cứu, trường đại học và DN của Việt Nam và Nhật Bản cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường hiểu biết lẫn nhau trong các vấn đề có liên quan đến hoạt động thương mại hóa sáng chế, công nghệ nhằm góp phần nâng cao năng lực của các chủ thể liên quan giữa hai nước.
Khẳng định SHTT ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế- xã hội, ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục SHTT cho biết, các giá trị của doanh nghiệp tạo ra từ các tài sản trí tuệ như sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý hay quyền tác giả ngày càng cao hơn. Nhiều công ty, doanh nghiệp, nhờ thực hiện các hoạt động thương mại hóa tài sản trí tuệ, đặc biệt là các sáng chế gắn với công nghệ mà nhờ đó giá trị DN được gia tăng rõ rệt.
Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của một chủ thể được coi có “năng lực sáng tạo nhất” là viện nghiên cứu, các trường đại học, những chủ thể có đóng góp quan trọng nhất trong việc tạo ra các sáng chế, công nghệ. Nhiều công nghệ, sáng chế đã được ứng dụng thương mại hóa trên thị trường góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của các viện nghiên cứu, trường đại học hiện nay vì mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội.
Đồng hành với những hoạt động này, trong những năm vừa qua, với sự nỗ lực của Chính phủ, Bộ KH&CN, Cục SHTT và cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam mà chính sách pháp luật SHTT đang dần được bổ sung và hoàn thiện. Công tác tuyên truyền, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân, DN trong hoạt động phát triển và thương mại hóa tài sản trí tuệ được các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc thực hiện một các tích cực. Tuy nhiên, công tác này vẫn chưa thực sự đạt hiểu quả cao như mong muốn và còn có nhiều khó khăn.
Chính vì vậy, ông Lê Ngọc Lâm cho rằng, với một quốc gia điển hình có nhiều thành công trong hoạt động thương mại hóa công nghệ, sáng chế như Nhật Bản thì những bài học kinh nghiệm của Nhật Bản trong lĩnh vực này là rất cần thiết cho cộng đồng DN, viện nghiên cứu, trường đại học.
Đồng tình với những ý kiến trên, ông Kazuo Hoshino, đại diện Cơ quan Sáng chế Nhật Bản cho biết, một trong những chiến lược để làm mạnh đất nước Nhật Bản chính là Chiến lược quốc gia về SHTT mà trong đó Ban chỉ đạo Chiến lược đứng đầu là Thủ tướng.
Chúng tôi đưa ra tầm nhìn về SHTT trong 10 năm tới sẽ đưa Nhật Bản đứng đầu về giới về lĩnh vực này. Để thực hiện được, các cơ quan liên quan của Nhật Bản đã liên kết với nhau để đưa ra những thống nhất chung. Và trong quá trình thực hiện không thể thiếu được vai trò quan trọng của Cơ quan Sáng chế Nhật Bản bởi chúng tôi coi sáng tạo là ý tưởng kinh doanh để chiếm lĩnh thị trường mới.
Ông Kazuo Hoshino cũng cho biết thêm, chỉ tính riêng năm 2016, số lượng đơn sáng chế tại Nhật Bản là 32 nghìn đơn, cũng chính vì vậy, từ nay đến năm 2023, Nhật Bản đề ra kế hoạch đưa tổng thời gian từ nộp đơn đến cấp bằng sáng chế sẽ chỉ còn khoảng 14 tháng.
Tuy nhiên, để đạt được kế hoạch đề ra là giảm thời gian cấp bằng sáng chế, một trong những biện pháp mà Cơ quan Sáng chế Nhật Bản áp dụng đó là đẩy nhanh tốc độ và rút ngắn thời gian thẩm định đơn. Để đạt được điều này, trước hết phải tăng số lượng thẩm định viên, tiếp đến giảm bớt số lượng công việc mà thẩm định viên phải phụ trách.
“Chúng thôi thuê các tổ chức bên ngoài để thực hiện hai bước quan trọng là tìm hiểu đơn đăng ký và tra cứu tình trạng kỹ thuật có trước xem đã tồn tại chưa. Chính việc thuê ngoài đã giảm được 50 phần trăm khối lượng công việc để giúp thẩm định viên giải quyết công việc một cách nhanh nhất”, Kazuo Hoshino cho biết thêm.
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến tham luận xung quanh những khó khăn, vướng mắc, những vấn đề cần giải đáp trong hoạt động thương mại hóa tài sản trí tuệ nói chung, sáng chế, công nghệ nói riêng nhằm góp phần hoàn thiện pháp luật, vì sự phát triển cộng đồng DN, kinh tế và xã hội của hai nước.