Tin KHCN trong tỉnh
Nghiệm thu đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng chế phẩm sinh học phòng trừ tuyến trùng hại cây khổ qua và cà tím tại BR-VT” (04/01/2017)
-   +   A-   A+   In  

Chiều ngày 27/12, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội đồng Khoa học và Công nghệ tư vấn nghiệm thu đề tài cấp tỉnh “Nghiên cứu ứng dụng chế phẩm sinh học phòng trừ tuyến trùng hại cây khổ qua và cà tím tại BR-VT” do ThS. Chu Trung Kiên làm chủ nhiệm. Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam là cơ quan chủ trì. Ông Vương Quang Cần - Phó GĐ Sở KH&CN chủ trì Hội đồng nghiệm thu.

Mục tiêu của dự án là phòng trừ hiệu quả tuyến trùng gây hại cây khổ qua và cà tím bằng chế phẩm sinh học, góp phần phát triển sản xuất rau an toàn của tỉnh BR-VT theo hướng hữu cơ sinh học.

 

Tại tỉnh BR-VT, huyện Tân Thành, Xuyên Mộc và TP. Bà Rịa, cây khổ qua và cà tím là những cây rau chủ lực (chiếm 2/3 diện tích gieo trồng/năm), trong đó cây khổ qua được trồng quanh năm từ 2 – 3 vụ/năm ở cả 3 huyện, cây cà tím được trồng chủ yếu trong mùa mưa tập trung tại huyện Xuyên Mộc. So với các cây rau khác, cây khổ qua và cà tím có thời gian sinh trưởng khá dài (khổ qua từ 3-4 tháng, cà tím từ 5-6 tháng) nên thiệt hại năng suất do tuyến trùng gây ra có nguy cơ cao hơn các cây rau ngắn ngày.

 

Sau thời gian 2 năm thực hiện, kết quả điều tra triệu chứng tuyến trùng gây hại là 18,74 - 25,25% số cây khổ qua và 18,93 số cây cà tím tại các vùng trồng rau tập trung của tỉnh BR-VT. Có 17 loài tuyến trùng ký sinh vật đã được xác định hiện diện trong đất trồng khổ qua và 11 loại hiện diện trong đất trồng cà tím với mật số rất cao ở cuối vụ. Thành phần loài và ở một số tuyến trùng ký sinh thực vật trong đất trồng khổ qua thường cao hơn trong mùa khô và ở những ruộng không luân canh. Số lượng loài và một số tuyến trùng trong đất trồng khổ qua, cà tím tăng nhanh từ thời điểm bắt đầu ra hoa và cao nhất vào cuối vụ, nhưng trong rễ số lượng loài và mật số tuyến trùng tăng nhanh và đạt cao nhất từ khi ra hoa cho đến thời điểm thu hoạch rộ sau đó giảm mạnh về cuối vụ. Sử dụng chế phẩm sinh học Zianum 1.00WP với lượng 30kg/ha/vụ có khả năng kiểm soát tuyến trùng gây hại cây khổ qua và cà tím hiệu quả hơn Tervigo 20SC (5 lít/ha/vụ) cho đến cuối vụ. Sử dụng chế phẩm sinh học Zianum 1.00WP với lượng 60kh/ha phòng trừ tuyến trùng làm tăng năng suất khổ qua và cà tím trên 15% và làm tăng thu nhập cho người trồng trên 25 triệu đồng/ha/vụ so với không thực hiện phòng trừ tuyến trùng. Đặc biệt, 2 quy trình phòng trừ tuyến trùng gây hại cây khổ qua, cà tím bằng chế phẩm sinh học được xây dựng, 2 lớp tập huấn quy trình và hội thảo đầu bờ được tổ chức với sự tham gia của 120 học viên và 120 bộ tài liệu quy trình đã được cung cấp cho các học viên.

 

Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao giá trị thực tiễn của đề tài, đồng ý nghiệm thu và xếp loại Khá. Tuy nhiên cần chỉnh sửa và bổ sung một số nội dung theo góp ý của Hội đồng.

Nguồn: Nguyễn Tuyết

Số lượt đọc: 5944

Về trang trước Về đầu trang