Tin KHCN trong tỉnh
Khoa học - Công nghệ: Đẩy mạnh kết nối cung - cầu công nghệ (20/12/2016)
-   +   A-   A+   In  

Thời gian qua, Sở KH-CN đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động nhằm đẩy mạnh kết nối cung - cầu công nghệ cho các DN. Nhiều DN đã tìm kiếm được những công nghệ phù hợp để ứng dụng vào sản xuất và chuyển giao công nghệ cho các đối tác. 

TÌM ĐƯỢC CÔNG NGHỆ PHÙ HỢP

Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN tỉnh BR-VT vừa ký kết hợp đồng nguyên tắc với nhà sáng chế Nguyễn Quang Ngọc (TP. Hồ Chí Minh) về “Công nghệ dây căng ứng dụng cho xây dựng dân dụng, công nghiệp và ứng dụng công nghệ chậu trồng cây không cần tưới”. Công nghệ này đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp bằng độc quyền sáng chế và tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO tại Mỹ cấp bằng WIPO. Theo đó, khi trồng cây theo phương pháp này, các thùng trồng cây được sắp xếp gồm 7 phần, phân thành 3 tầng từ trên xuống gồm: tầng đất và cây trồng; tầng không khí và thông khí; tầng chứa nước. Công nghệ này được đánh giá là giải pháp hữu ích cho các công ty môi trường có sử dụng cho các công trình công cộng hoặc các hộ dân ứng dụng trong việc trang trí thảm xanh cho nhà cao tầng, mà không cần đến công việc tưới nước hàng ngày. Giá thành mỗi thùng hoặc chậu chỉ dao động khoảng 200.000-500.000 đồng. Ông Đỗ Hữu Hiền, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH - CN tỉnh BR-VT cho biết, trung tâm đã chọn công nghệ dây căng ứng dụng cho xây dựng dân dụng, công nghiệp và ứng dụng công nghệ chậu trồng cây không cần tưới vì có tính ứng dụng cao và có khả năng sử dụng rộng rãi tại tỉnh BR-VT, nhất là với các công trình cây xanh công cộng.

 

Ông Lê Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP DIC số 4 cho biết, thời gian qua ông thường xuyên tham gia các hội thảo về công nghệ mới trong xây dựng và phát triển hạ tầng đô thị do Sở KH-CN tổ chức, qua đó tìm kiếm các công nghệ mới để phục vụ cho các công trình xây dựng của công ty. Năm 2016, Công ty CP DIC số 4 đang nghiên cứu phương pháp thi công TNF (phương pháp thi công nền móng đặc thù trên nền đất yếu) của Trung tâm kiến trúc Nhật Bản và giải pháp công nghệ mới bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển của Busadco để áp dụng vào thi công các công trình sắp tới.

 

Theo thống kê của Sở KH-CN, sau mỗi cuộc hội thảo hoặc sự kiện KH-CN được tổ chức tại BR-VT, trung bình có khoảng hơn 10 hợp đồng hợp tác chuyển giao công nghệ, biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác được ký kết với tổng giá trị hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều DN Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Cộng hòa Séc… cũng đồng ý nhận lời sang Việt Nam đàm phán hợp tác với các DN Việt Nam.

 

CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ CHO ĐỐI TÁC

Ngoài các hội thảo, sự kiện kết nối cung - cầu công nghệ, từ tháng 5-2016, Sở KH-CN còn đưa vào hoạt động “Sàn giao dịch Công nghệ trực tuyến” ở địa chỉ bavutex.vn. Đây là một kênh thông tin quan trọng, là cầu nối, tạo môi trường tin cậy, hỗ trợ các DN kết nối giao dịch cung - cầu công nghệ, tăng cường gắn kết nghiên cứu khoa học với sản xuất kinh doanh. Bước đầu đã có 640 nhà cung cấp và 135 tổ chức, chuyên gia tư vấn trong các lĩnh vực KH-CN tham gia sàn giao dịch.

 

Ông Trịnh Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Sản xuất ca cao Thành Đạt (ấp Liên Hiệp 1, xã Xà Bang, huyện Châu Đức) cho biết, ông đã tham gia nhiều hoạt động KH-CN và quảng bá sản phẩm ca cao (gồm bột ca cao, ca cao nhão và socola thành phẩm) Thành Đạt trên sàn giao dịch công nghệ của tỉnh… Qua các kênh thông tin này, nhiều khách hàng và đối tác đã tin dùng sản phẩm ca cao Thành Đạt. Từ đó, ông Thành đã bước đầu cung ứng sản phẩm của mình ra thị trường trong nước và xuất khẩu sang các nước Hàn Quốc, Hà Lan, Pháp, Nga… Ngoài ra, một số đối tác hiện đang đặt mua các thiết bị do ông sáng chế như: máy rang, máy ép, máy thổi vỏ, máy nghiền mịn, máy ép bơ, máy nghiền bột, máy phối trộn… để chế biến ca cao.

 

Theo ông Mai Thanh Quang, Giám đốc Sở KH-CN, thị trường KH-CN là một trong 5 loại thị trường cơ bản (thị trường hàng hóa và dịch vụ; thị trường sức lao động; thị trường KH-CN; thị trường bất động sản; thị trường tài chính). Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách như: Luật KH-CN, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Công nghệ cao... nhằm hỗ trợ các hoạt động KH-CN theo cơ chế thị trường, tạo môi trường cạnh tranh để các sản phẩm KH-CN được mua, bán thuận lợi; khuyến khích gắn kết hoạt động nghiên cứu và ứng dụng, chuyển giao công nghệ. Kết nối cung - cầu công nghệ thực chất là việc cung cấp thông tin về thị trường công nghệ thông qua các mô hình hội chợ triển lãm truyền thống, techmart - chương trình kết nối cung - cầu công nghệ… Đó là tiền đề để Sở KH-CN phát huy vai trò là cầu nối giữa DN, nhà nghiên cứu và cơ quan quản lý địa phương trong việc tìm kiếm, chuyển giao, đổi mới công nghệ, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, tăng năng lực cạnh tranh sản phẩm.

Nguồn: baobariavungtau.com.vn

Số lượt đọc: 5820

Về trang trước Về đầu trang