Tin KHCN trong nước
Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng tập huấn về nhãn sinh thái (19/12/2016)
-   +   A-   A+   In  

Nhãn sinh thái là một vấn đề tương đối mới đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Hiểu biết và nhận thức đầy đủ về nhãn sinh thái giúp xây dựng và áp dụng một chương trình nhãn sinh thái có hiệu quả trên địa bàn thành phố. Đây cũng là mục tiêu của buổi tập huấn về nhãn sinh thái do Sở KH&CN Hải Phòng tổ chức ngày 15/12/2016.

Tham dự buổi tập huấn, có đại diện lãnh đạo Sở KH&CN Hải Phòng, các phòng/ ban và đơn vị trực thuộc Sở; đại diện UBND các quận, huyện, sở, ban, ngành; Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp trẻ; Hiệp hội doanh nghiệp các quận huyện; các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Theo Mạng lưới nhãn sinh thái toàn cầu (GEN): "Nhãn sinh thái là nhãn chỉ ra tính ưu việt về mặt môi trường của một sản phẩm, dịch vụ so với các sản phẩm, dịch vụ cùng loại dựa trên các đánh giá vòng đời sản phẩm". Ðược dán nhãn sinh thái là một sự khẳng định uy tín của sản phẩm và của nhà sản xuất. Vì thế các sản phẩm có nhãn sinh thái thường có sức cạnh tranh cao và giá bán ra thị trường cũng thường cao hơn các sản phẩm cùng loại. Như vậy, nhãn sinh thái là công cụ kinh tế tác động vào nhà sản xuất thông qua phản ứng và tâm lý của khách hàng.

Nhãn xanh Việt Nam

Về hình thức, nhãn sinh thái được thể hiện dưới dạng một bản công bố, hay cụ thể hơn là một biểu tượng, biểu đồ gắn trên sản phẩm hoặc trên bao bì, trong tài liệu về sản phẩm, tạp chí kỹ thuật, quảng cáo hoặc dưới các hình thức khác.

Nhãn sinh thái được phân loại theo ISO 14000 (hiện có ISO 14024, ISO 14021 và ISO/TR 14025) - là bộ tiêu chuẩn về quản lý môi trường do Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) ban hành nhằm giúp các tổ chức/doanh nghiệp giảm thiểu tác động gây tổn hại tới môi trường và thường xuyên cải tiến kết quả hoạt động về môi trường. Bộ tiêu chuẩn ISO 14000 gồm các tiêu chuẩn liên quan các khía cạnh về quản lý môi trường như hệ thống quản lý môi trường, đánh giá vòng đời sản phẩm, nhãn sinh thái, xác định và kiểm kê khí nhà kính…

Tại Việt Nam, vấn đề nhãn sinh thái đã được quan tâm phát triển với Chương trình Nhãn xanh Việt Nam từ những năm 2006. Tuy vậy, tại Hải Phòng, mối quan tâm của cộng đồng, đặc biệt là các doanh nghiệp về vấn đề nhãn sinh thái còn hạn chế.

Trong khuôn khổ buổi tập huấn, đại diện các doanh nghiệp cùng tham gia trao đổi, thảo luận các vấn đề xoay quanh việc cải tiến sản phẩm, gắn nhãn sinh thái để hòa nhập xu thế chung của thế giới, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp trong tương lai./.

Nguồn: dost-dongnai.gov.vn

Số lượt đọc: 5466

Về trang trước Về đầu trang