Tin KHCN trong tỉnh
"Điểm hẹn công nghệ" của nông dân (16/12/2016)
-   +   A-   A+   In  

Ngày nay, internet đã phủ sóng khắp nơi nhưng các trạm thông tin điện tử KH-CN vẫn là “điểm hẹn” của bà con nông dân. Đến trạm, nông dân không chỉ được kết nối với công nghệ thông tin (CNTT) mà còn thường xuyên cập nhật những tin tức, thành tựu KH-CN để ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp.

Anh Phạm Quốc Huấn (đường 15, thôn Trung Sơn, xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức) đang nuôi đàn heo 50 con. Trước đây, chất thải từ chăn nuôi không được tận dụng hết vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa lãng phí. Được sự hướng dẫn của Sở KH-CN và Phòng Nông nghiệp huyện Châu Đức, anh đến trạm thông tin điện tử KH-CN (tại trụ sở UBND xã Suối Nghệ) tìm hiểu về việc xây dựng hầm biogas và các giải pháp tận dụng chất thải từ việc chăn nuôi để trồng trọt.

 

Từ thông tin góp nhặt được trên internet và các bản tin KH-CN có ở trạm thông tin điện tử, năm 2011 anh Huấn đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi - trồng trọt theo quy trình khép kín. Theo đó, phân heo được gom lại bón cho chè, nước thải chăn nuôi được đẩy vào hầm biogas để lấy gas phục vụ nấu nướng, đặc biệt là nấu cám heo. Mỗi tháng, từ lứa 50 con heo thịt, anh Huấn tiết kiệm được khoảng 200-300 ngàn đồng tiền mua gas để nấu. Riêng vườn chè 5 sào, anh bỏ mối cho thương lái, thu nhập mỗi tháng 5-6 triệu đồng. Anh Huấn cho biết: “Đến bây giờ, mặc dù việc chăn nuôi, trồng trọt đã ổn định nhưng tôi vẫn thường đến trạm thông tin để tìm hiểu cách chăm sóc chè sao cho khỏi bị sâu, bệnh, lá chè tươi ngon”. 

Dự án nhân rộng trạm thông tin điện tử KH-CN ở khu vực nông thôn được Sở KH-CN triển khai từ năm 2007 đến 2014 với 35 trạm của 35 xã/phường thuộc 6 huyện và 2 thành phố là một mô hình hiệu quả. Theo đánh giá của Sở KH-CN và Hội Nông dân tỉnh, các Trạm thông tin đã góp phần mang lại hiệu quả thiết thực cho nông dân, giúp họ nắm bắt được nhiều thông tin về KH-CN, từ đó ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, mang lại hiệu quả cao. Ngoài ra, thông qua trạm thông tin điện tử, các HTX có thể quảng bá được sản phẩm, nông dân có thể học hỏi những mô hình làm kinh tế hiệu quả, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trạm thông tin điện tử còn được xem là kho tư liệu về khoa học kỹ thuật phong phú cho nông dân tham khảo. Từ Internet, nhiều nông dân còn tìm được các thông tin về sâu bệnh, dịch hại, diễn biến giá lương thực, thực phẩm... để kịp thời có biện pháp ứng phó. Bà Nguyễn Thị Dáng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, hiện nay có 80% số hộ nông dân trong tỉnh đã áp dụng các quy trình kỹ thuật vào sản xuất. Trong đó có nhiều mô hình ứng dụng kỹ thuật-công nghệ cao như mô hình nuôi heo, nuôi gà với quy trình khép kín, giống chất lượng cao, trong trại lạnh, mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học; mô hình trồng bắp biến đổi gien với kỹ thuật “1 phải, 5 giảm, tiết kiệm nước, thu hoạch bằng máy”; mô hình trồng tiêu với công nghệ tưới nước tiết kiệm; trồng hoa, trồng rau trong nhà màng, nhà kính; kỹ thuật cho mãng cầu ta, nhãn xuồng cơm vàng ra hoa trái vụ... được bà con áp dụng từ các tài liệu của trạm thông tin điện tử KH-CN cung cấp.

 

Ông Mai Thanh Quang, Giám đốc Sở KH-CN cho biết, năm 2017, Sở KH-CN sẽ tiếp tục cập nhật những thông tin mới nhất về giá cả, sản phẩm nông sản, vật nuôi, cây trồng, các hoạt động dịch vụ, sản xuất, kinh doanh, quảng bá các ứng dụng KHKT cho các trạm thông tin điện tử. Đồng thời, cung cấp tài liệu liên quan đến KH-CN thông qua các lớp tập huấn do UBND xã tổ chức; phối hợp với phòng kinh tế - hạ tầng huyện, Hội Nông dân các huyện tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng khai thác thông tin chuyên đề KH-KT ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp cho các hộ dân của xã. 

 

Đến nay, 35 Trạm thông tin điện tử đã được hòa mạng tạo thành mạng lưới thông tin KH-CN của tỉnh. Website của các Trạm thông tin điện tử được tích hợp vào website Sở KH-CN thu hút gần 5 triệu lượt người truy cập. Thư viện số KH-CN hiện có khoảng 20.865 tài liệu, phim hướng dẫn kỹ thuật và phổ biến khoa học cho nông thôn, tài liệu số hóa công nghệ nông thôn. Năm 2016, Sở KH-CN đã tổ chức kiểm tra và hỗ trợ kỹ thuật cho các trạm thông tin điện tử KH-CN tại các xã của huyện và bổ sung 100 phim KH-KT thuộc các lĩnh vực: Nông nghiệp, y học, công nghệ, môi trường, quy trình bảo quản và chế biến…
 

 

Nguồn: www.baobariavungtau.com.vn

Số lượt đọc: 4683

Về trang trước Về đầu trang

TIN TỨC KHÁC
  • Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ (11/09/2017)
  • Ứng dụng khoa học công nghệ tạo sức bật cho sản xuất nông nghiệp (31/08/2017)
  • Hội nghị khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp (28/08/2017)
  • Khởi nghiệp trong nông nghiệp: Lấy đổi mới, sáng tạo làm nền tảng (28/08/2017)
  • Tập huấn “Chuyên đề bảo mật phân tích mã độc – cấp độ cơ bản dành cho quản trị mạng các sở, ban, ngành/các huyện, thành phố thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu” (18/08/2017)
  • Thí điểm mô hình "Ngã tư thông minh" (15/08/2017)
  • Hội đồng tư vấn tuyển chọn tổ chức và cá nhân thực hiện đề tài “Xác định nguyên nhân gây tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và đề xuất các biện pháp kiểm soát dư lượng thuốc có trong sản phẩm hạt tiêu được sản xuất tại tỉnh BR-VT đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường châu Âu (EU)” (10/08/2017)
  • Buổi nói chuyện của Giáo sư Ngô Bảo Châu về Khoa học và Công nghệ với HS-SV và trí thức tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (10/08/2017)
  • Hội đồng nghiệm thu đề án "Quản lý và sử dụng trí thức tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu" (04/08/2017)
  • Nghị quyết 05 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về phát triển triển khoa học và công nghệ tỉnh Bà Rịa - Vũng tàu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 (03/08/2017)