Tin KHCN trong nước
Tọa đàm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của Châu Âu về đánh giá khoa học và công nghệ (01/12/2016)
-   +   A-   A+   In  

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc với Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ từ ngày 21 – 25/11/2016 của đoàn chuyên gia nước ngoài do Giáo sư Pierre Darriulat, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Vật lý SACLAY (Cộng hòa Pháp), Viện sĩ Viện Hàn lâm KH&CN quốc gia Pháp làm trưởng đoàn, Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ đã tổ chức tọa đàm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của Châu Âu về đánh giá khoa học và công nghệ.

 

Tại buổi tọa đàm, TS. Trần Hậu Ngọc, Viện trưởng Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ đã giới thiệu GS.VS. Pierre Darriulat và các vị đại biểu về vị trí, chức năng nhiệm vụ của Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ (Viện), tóm tắt một số kết quả nổi bật của Viện trong thời gian vừa qua, những thuận lợi, khó khăn trong công tác đánh giá khoa học và định giá công nghệ. Viện mong muốn được các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm một số nội dung quan trọng trong công tác đánh giá khoa học mà Viện đang tập trung nghiên cứu, triển khai như: Đánh giá tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN), đánh giá các chương trình, chính sách KH&CN, đánh giá hoạt động của các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia...

 

GS.VS. Pierre Darriulat đã chia sẻ các nguyên tắc cơ bản của công tác đánh giá và kinh nghiệm thực tiễn áp dụng vào một số dự án KH&CN mà Giáo sư tham gia. Với gần 20 năm làm việc tại Việt Nam, Giáo sư đã đề cập đến các khó khăn, vướng mắc trong thực tế khi thực hiện đánh giá khoa học tại Việt Nam và đưa ra một số khuyến nghị khi triển khai thực tiễn.

 

Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, Viện cũng đã mời GS.TS. Nguyễn Việt Bắc, Viện KH&CN Quân sự (Bộ Quốc phòng), Chủ nhiệm Chương trình KC02 về Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ vật liệu mới giai đoạn 2011 – 2015, 2016 - 2020, đồng thời là chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong công tác đánh giá khoa học. GS.TS. Nguyễn Việt Bắc chia sẻ kinh nghiệm đánh giá các phòng thí nghiệm trọng điểm (PTNTĐ) tại Việt Nam thông qua nhiệm vụ đánh giá một số PTNTĐ quốc gia mà Giáo sư tham gia với vai trò thành viên chính thực hiện năm 2014- 2015. Cùng với Viện, Giáo sư cũng trình bày về các nguyên tắc, tiêu chí đánh giá PTNTĐ và ý nghĩa của việc đánh giá. Bài báo cáo chủ yếu hướng tới mục tiêu chung, đó là thực hiện đánh giá để xác định rõ các kết quả, hiệu suất, hiệu quả hoạt động, nguồn lực của một số PTNTĐ. GS.TS. Nguyễn Việt Bắc cũng chỉ ra những khó khăn trong hoạt động của PTNTĐ hiện nay, dẫn chứng một PTNTĐ cụ thể. Theo Giáo sư thì các PTNTĐ hiện thiếu đội ngũ chuyên gia chất lượng cao và cả lực lượng cán bộ trẻ tiềm năng kế cận do chế độ đãi ngộ chưa phù hợp; có khoảng cách lớn giữa yêu cầu công việc với kinh nghiệm, trình độ của nhà nghiên cứu và thiếu nguồn kinh phí hoạt động… Giáo sư cho rằng, ngoài một số PTNTĐ hoạt động chưa thật hiệu quả thì có những PTNTĐ hoạt động rất tích cực, tạo lập được môi trường tốt cho nghiên cứu, thử nghiệm, cần đánh giá để có định hướng quản lý, đầu tư hiệu quả hơn trong thời gian tới.

 

Kết thúc tọa đàm và hội thảo, GS.VS. Pierre Darriulat thay mặt cho các chuyên gia, cảm ơn Lãnh đạo Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ đã chia sẻ các thông tin, kinh nghiệm thực tiễn triển khai hoạt động đánh giá khoa học tại Việt Nam. GS.VS. Pierre Darriulat bày tỏ vui mừng khi đến làm việc với Viện. Thay mặt Lãnh đạo Viện, TS. Trần Hậu Ngọc cảm ơn các chuyên gia đã tham gia buổi tọa đàm, khẳng định các kinh nghiệm của chuyên gia là rất hữu ích cho công tác đánh giá KH&CN của Viện. Viện trưởng Trần Hậu Ngọc cũng đề xuất thời gian tới Viện mong muốn tiếp tục tăng cường cộng tác với các Giáo sư và các chuyên gia trong các hoạt động như: Tiến hành đánh giá các tổ chức, nhiệm vụ KH&CN, đánh giá PTNTĐ; tạo điều kiện giới thiệu, hỗ trợ Viện cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo về đánh giá khoa học, đánh giá công nghệ và trao đổi thông tin liên quan đến nghiệp vụ đánh giá khoa học.

Nguồn: most.gov.vn

Số lượt đọc: 4033

Về trang trước Về đầu trang