Tin KHCN trong nước
Diễn đàn Việt - Nhật lần thứ 7 về nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực công nghệ hạt nhân (02/12/2016)
-   +   A-   A+   In  

Diễn đàn Việt - Nhật về nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực công nghệ hạt nhân là sự kiện được tổ chức thường niên bắt đầu từ 2013 với mục đích hỗ trợ Việt Nam trong việc nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực cho công nghệ hạt nhân. Diễn đàn lần thứ 7 này là diễn đàn thứ hai trong năm nay, diễn ra trong hai ngày 24-25/11/2016 tại Thư viện Tạ Quang Bửu thuộc trường Đại học Bách Khoa Hà Nội dưới sự đồng tổ chức của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM), trường Đại học Bách Khoa Hà Nội (HUST), Trung tâm Văn hóa và Thông tin Nhật Bản (JICC) và Công ty phát triển năng lượng quốc tế Nhật Bản (JINED).

Các đại biểu tham dự Diễn đàn Việt – Nhật lần thứ 7

 

Tới tham dự Diễn đàn, về phía Việt Nam có lãnh đạo Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Viện NLNTVN), lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Viện NLNTVN, đại diện Ban Điều hành Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử”, đại diện đến từ trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Điện lực, Đại học Khoa học Tự Nhiên, Đại học Quốc Gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng.

 

Về phía Nhật Bản có đại diện đến từ Đại sứ quán Nhật Bản, Trung tâm Văn hóa và Thông tin Nhật Bản (JICC), Công ty phát triển năng lượng quốc tế Nhật Bản (JINED) và các giáo sư, các nhà nghiên cứu, sinh viên đến từ Học viện công nghệ Tokyo (Titech), Đại học Nagaoka, Đại học Tokyo.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, đại diện Đại sứ quán Nhật Bản, ông Yoshito NAKAJIMA đánh cao nỗ lực của các đơn vị đồng tổ chức của hai nước trong việc duy trì và tổ chức thành công Diễn đàn. Ông cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi Việt Nam tuyên bố dừng dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, tuy nhiên ông hy vọng hai nước sẽ vẫn tiếp tục hợp tác nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực năng lượng nguyên tử và cùng hướng tới tương lai.

 

Tiếp đó là bài phát biểu của TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện NLNTVN. Ông đã điểm lại một số dấu mốc trong chuỗi thời gian dài phát triển lĩnh vực năng lượng nguyên tử của Việt Nam. Ông cũng cho biết, mặc dù Việt Nam đã quyết định dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận nhưng công việc đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực năng lượng nguyên tử đối với Việt Nam vẫn được tiếp tục và là sự chuẩn bị cho sự thành công trong tương lai đối với lĩnh vực năng lượng nguyên tử ở Việt Nam. Ông gửi lời cảm ơn sự hỗ trợ của các tổ chức Nhật Bản trong việc duy trì và tổ chức thành công Diễn đàn Việt – Nhật.

 

TS. Trần Chí Thành phát biểu khai mạc Diễn đàn

 

GS. Maski SAITO, Học viện Công nghệ Tokyo, phát biểu rằng kỹ thuật hạt nhân có nhiều ứng dụng trong đời sống không chỉ là năng lượng hạt nhân, và bày tỏ hy vọng Việt Nam và Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử vì đây là một quá trình lâu dài.

 

Đại diện Ban Điều hành Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử”, ông Lưu Lâm cho biết, bắt đầu từ Diễn đàn lần thứ 6 là có sự tham gia của Ban Điều hành Đề án. Diễn đàn là cầu nối cho sự hợp tác giữa các nhà nghiên cứu, các trường đại học trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử của hai nước. Ông đề nghị các tổ chức hai nước xem xét các vấn đề: (1) xây dựng các trường nghiên cứu chung giữa Việt Nam và Nhật Bản, tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam có điều kiện tham gia nghiên cứu; (2) xây dựng quy chế trao đổi thông tin, chương trình đại học, các giảng viên và nhà nghiên cứu giữa hai nước. Ông cũng gửi lời cảm ơn tới phía Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam trong việc tổ chức Diễn đàn này.

 

Tham gia Diễn đàn lần này có tổng số 27 báo cáo được chia thành 6 phần, trong đó có 12 báo cáo của các đại biểu Việt Nam và 15 báo cáo của đại biểu phía Nhật Bản. Trong phần 1 và 2, các đại biểu Nhật Bản đã trình bày các vấn đề: (1) thực trạng của quá trình khắc phục và tháo dỡ nhà máy điện hạt nhân Fukushima, hiện nay tất cả các tổ máy đều được duy trì ở trạng thái dừng lạnh (cold shutdown), toàn bộ nhiên liệu đã cháy ở tổ máy số 4 đã được di dời hoàn toàn trong khi đó đối với các tổ máy còn lại quá trình di dời nhiên liệu đã cháy sẽ bắt đầu vào năm 2017 và hoàn thành vào năm 2022. Những thách thức hiện nay là điều kiện làm việc trong môi trường bức xạ cao và việc sử dụng công nghệ và kỹ thuật mới trong quá trình tháo dỡ cùng các vấn đề liên quan khác, kể từ sau khi tai nạn Fukushima xảy ra như khung pháp quy, trách nhiệm của các bên liên quan và tình hình nghiên cứu rủi ro trong đối thoại về vấn đề hạt nhân ở Nhật Bản. Nhân đây, TS. Nguyễn Trung Tính – Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân đã trình bày về hiện trạng, quá trình xây dựng khung pháp quy hạt nhân và quá trình đào tạo cán bộ pháp quy ở Việt Nam.

 

Trong phần 3 với nội dung chính về các hoạt động đào tạo nguồn lực cho dự án điện hạt nhân ở Việt Nam, bài trình bày của đại diện JINED đã đưa ra cái nhìn tổng thể các chương trình dự án hợp tác đào tạo nguồn nhân lực của các cơ quan này với các cơ quan của Việt Nam như Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), Bộ Giáo dục và Đào tạo… Về phía Việt Nam có 2 bài trình bày của các đại biểu đến từ Cục Năng lượng nguyên tử và Ban Điều hành Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử”, đã điểm lại quá trình và các chính sách đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực năng lượng nguyên tử nói chung và điện hạt nhân nói riêng.

 

Nội dung của phần 4 được dành cho 11 bài trình bày báo cáo poster về các nghiên cứu và chương trình đào tạo của các báo cáo viên trẻ đến từ các trường đại học và các cơ quan nghiên cứu hai nước. Phần 5 và 6, các bài trình bày của đại diện đến từ các trường đại học, trình bày về các hoạt động nghiên cứu và các chương trình đào tạo nguồn nhân lực của các trường đại học ở Nhật Bản và Việt Nam.

 

Xen kẽ thời gian trình bày của các báo cáo là thời gian thảo luận, quá trình thảo luận diễn ra cởi mở thẳng thắn. Các câu hỏi tập trung vào các vấn đề như quá trình khắc phục và tháo dỡ nhà máy điện hạt nhân Fukushima, những sự thay đổi trong chính sách đào tạo nhân lực của các cơ quan nhà nước và các trường đại học trong lĩnh vực năng lực nguyên tử và sự hợp tác của các cơ quan, tổ chức hai nước khi mà Việt Nam dừng dự án điện hạt nhân.

 

GS. Masaki SAITO và PGS. Nguyễn Nhị Điền trao phần thưởng cho các báo cáo viên poster

 

Bắt đầu phiên bế mạc, PGS. TS. Nguyễn Nhị Điền – Phó Viện trưởng Viện NLNTVN và GS. Masaki SAITO – Học viện Công nghệ Tokyo trao giấy chứng nhận và phần thưởng cho các báo cáo viên poster xuất sắc. Tiếp đó, PGS. TS. Nguyễn Nhị Điền và GS. Jun SUGIMOTO – Đại học Tokyo, đại diện cho hai bên phát biểu tổng kết quá trình làm việc 2 ngày của Diễn đàn. Diễn đàn diễn ra trong bối cảnh Quốc hội Việt Nam vừa quyết định dừng nhà máy điện hạt nhân nhưng đại diện cả hai nước bày tỏ mong muốn tiếp tục quá trình hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực năng lượng nguyên tử trong tương lai./.

Nguồn: most.gov.vn

Số lượt đọc: 4428

Về trang trước Về đầu trang