Tin KHCN trong nước
Bến Tre: Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trồng cà chua Picota (30/11/2016)
-   +   A-   A+   In  

Sau 1 năm triển khai thực hiện (10/2015-10/2016), mô hình ứng dụng công nghệ cao trồng thử nghiệm cây cà chua Picota tại Khu Ứng dụng công nghệ sinh học Cái Mơn, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre đã bước đầu mang lại những kết quả khả quan, mở ra nhiều triển vọng phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. Đây là Dự án do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) thuộc Sở KH&CN Bến Tre chủ trì thực hiện trên cơ sở tiếp nhận công nghệ trồng cà chua trong nhà màng đã được thực hiện thành công tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao (thuộc Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh).

Những năm gần đây, việc nghiên cứu ứng dụng và phát triển KH&CN, đặc biệt là công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp đã tạo được những hiệu ứng tích cực, làm đòn bẩy để phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản trong thời kỳ hội nhập. Cà chua Picota hay còn gọi là cà chua bi, là giống cà chua thân leo, cho trái theo dạng chùm, tròn, khi chín có màu đỏ, vị ngọt hơn cà chua thường; sau khi trồng 2 tháng, cây sẽ cho thu hoạch và cho trái liên tục trong khoảng 6 tháng. Sau khi trái chín có thể bảo quản tươi ở nhiệt độ phòng tới 20 ngày. Cà chua Picota có vị ngọt đậm, hàm lượng vitamin cao, giàu dinh dưỡng, thích hợp ăn tươi, trộn sa lát hay làm nước sốt.

Nhận thấy tiềm năng và lợi thế của việc trồng cà chua Picota tại địa phương, từ tháng 10/2015 đến tháng 10/2016, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN (Sở KH&CN Bến Tre) đã được giao chủ trì thực hiện Dự án Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trồng thử nghiệm cây cà chua Picota tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Đơn vị chuyển giao công nghệ là Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao trực thuộc Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Mục tiêu của dự án là xây dựng mô hình trồng cà chua Picota trên diện tích 200 m2, năng suất dự kiến là 50-60 tấn/ha; trồng thử nghiệm cây cà chua bán hữu hạn Savior để so sánh năng suất, chất lượng với trồng ngoài đồng ruộng và đào tạo kỹ thuật viên trồng cà chua trong nhà màng; tổ chức hội thảo, tham quan mô hình cho cán bộ kỹ thuật và nông dân về ứng dụng công nghệ cao trồng cà chua trong nhà màng phù hợp với quy mô kinh tế hộ gia đình hoặc doanh nghiệp.

Những kết quả đạt được

Tiếp nhận công nghệ chuyển giao

Thực hiện việc chuyển giao công nghệ, các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao đã cung cấp tài liệu và quy trình trồng cà chua Picota trong nhà màng, trực tiếp hướng dẫn lý thuyết và thực hành toàn bộ quy trình sản xuất về: cách nhận biết giống cà chua; công thức xử lý giá thể, lắp đặt hệ thống tưới, kỹ thuật pha dinh dưỡng, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch cà chua trong nhà màng; kỹ thuật thụ phấn và phòng trừ sâu bệnh hại trên cây. Dự án đã đào tạo được hai kỹ thuật viên có khả năng nắm vững và làm chủ công nghệ được chuyển giao; tổ chức hội thảo và trình diễn các kỹ thuật cơ bản trong việc trồng và chăm sóc cà chua Picota trên địa bàn huyện Chợ Lách với gần 100 lượt người tham dự.

Triển khai mô hình trồng thử nghiệm trong nhà màng

Việc thực nghiệm trồng cà chua trong hệ thống nhà màng sẵn có đã được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN triển khai trực tiếp tại Khu Ứng dụng công nghệ sinh học Cái Mơn. Cà chu Picota được trồng trên giá thể, bón phân bằng dung dịch dinh dưỡng kết hợp với hệ thống tưới nhỏ giọt trên diện tích 200 m2 với số lượng ban đầu là 420 cây; cây cà chua Savior trồng trong nhà màng là 70 cây và trồng ngoài đồng ruộng là 70 cây để so sánh đối chứng. Sau giai đoạn cây con, quá trình chọn lọc còn 385 cây cà chua Picota, 68 cây Savior trồng trong nhà màng và 42 cây Savior trồng ngoài đồng ruộng. Kết quả trồng thử nghiệm cà chua Picota và so sánh với cà chua Savior trồng trong nhà màng và ngoài đồng ruộng được trình bày trong 1.

Bảng 1: kết quả theo dõi các chỉ tiêu các giống cà chua

alt

Kết quả cho thấy, 2 giống cà chua Picota và Savior trồng thử nghiệm trong nhà màng đáp ứng được yêu cầu đề ra, tỷ lệ sống cao hơn, thời gian thu hoạch lứa đầu tiên sớm hơn và thời gian thu hoạch lâu hơn (khoảng 10-15 ngày) so với cà chua Savior trồng đối chứng ngoài đồng ruộng. Đặc biệt, năng suất thu hoạch cà chua Picota khoảng 50-60 tấn/ha/vụ, cao hơn nhiều so với đối chứng ngoài đồng ruộng. Với giá bán hiện tại là 30.000 đồng/kg thì lợi nhuận mà mô hình mang lại là không hề nhỏ.

Kết luận và kiến nghị

Trồng cà chua Picota trong nhà màng là mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao được thử nghiệm thành công tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn đang ngày càng có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng xấu tới sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thì mô hình canh tác này được đánh giá là rất khả quan. Mặc dù mô hình có chi phí đầu tư ban đầu khá lớn, nhưng hiệu quả mang lại trên cùng diện tích đất canh tác cao hơn nhiều so với canh tác cà chua thường. Đặc biệt, trồng cà chua trong nhà màng sử dụng ít thuốc hóa học, cây trồng được quanh năm, không phụ thuộc vào thời tiết, nhất là vào mùa mưa nếu trồng ngoài đồng ruộng cây dễ bị sâu bệnh, trái bị úng nước làm giảm chất lượng, màu sắc trái cũng như năng suất thực tế. Sản phẩm cà chua Picota được bán tại cửa hàng của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN đã đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Đây là mô hình canh tác mới trong nông nghiệp, với việc dụng công nghệ cao vào sản xuất, sản phẩm đảm bảo chất lượng, cho năng suất khá cao nên nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà quản lý, nhà khoa học. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn sự e ngại của người dân trong việc lựa chọn và chuyển đổi đối tượng cây trồng mới vào sản xuất. Do đó, để mô hình được nhân rộng cũng như thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của tỉnh theo hướng bền vững, cần có những chính sách ưu đãi như: hỗ trợ lãi suất vay để nhân rộng mô hình, phát triển hoặc hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhà màng, nhà lưới phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích người dân mạnh dạn đầu tư sản xuất cây trồng, rau màu theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nguồn: khoahocvacongnghevietnam.com.vn

Số lượt đọc: 8002

Về trang trước Về đầu trang