Tin KHCN nước ngoài
Thiết bị có thể giúp người bị liệt di chuyển bình thường (10/11/2016)
-   +   A-   A+   In  

Nghiên cứu cho thấy thiết bị ghép nối não bộ và tủy sống có thể giúp con khỉ bị liệt một chân di chuyển trở lại mà không cần luyện tập trên máy chạy bộ hay mặt đất.

Các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sỹ (EPFL) vừa giúp những con khỉ bị tổn thương tủy sống khôi phục khả năng điều khiển các chi bị liệt. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature hôm 9/11 có thể chỉ ra phương pháp giúp người bị liệt đi lại bình thường.

 

Các bác sỹ chữa trị cho con khỉ bằng thiết bị thần kinh nhân tạo đóng vai trò như một cầu nối không dây giữa não bộ và cột sống. Thiết bị ghép nối giải mã các tín hiệu điều khiển cử động của não rồi chuyển tiếp đến phía dưới vùng tổn thương thông qua các điện cực để kích thích đường dẫn thần kinh và thúc đẩy cơ bắp chân.

 

Bằng cách đưa tín hiệu thần kinh đi vòng qua chỗ thương tổn và khôi phục sự truyền đạt thông tin giữa não bộ với các bộ phận liên quan trong tủy sống, nhóm nghiên cứu đã chữa trị thành công cho hai con khỉ nâu bị liệt một chân do tổn thương một phần tủy sống.

 

Một con có thể điều khiển nhẹ chiếc chân bị liệt của nó trong tuần đầu tiên sau khi cấy ghép mà không phải luyện tập cả trên máy chạy bộ và mặt đất. Con còn lại mất hai tuần để khôi phục khả năng tương tự.

 

"Chúng tôi phát triển một hệ thống cấy ghép không dây hoạt động theo thời gian thực cho phép con linh trưởng hoạt động tự do, không bị hạn chế bởi thiết bị điện tử kết nối với máy tính", giáo sư Gregoire Courtine, nhà thần kinh học tại EPFL, người phụ trách nghiên cứu, giải thích.

 

Nhóm nghiên cứu đã bắt đầu những nghiên cứu nhỏ trên con người để thử nghiệm một số thành phần.

 

"Phương pháp liên kết tín hiệu thần kinh của bộ não với kích thích của tủy sống là hoàn toàn mới. Lần đầu tiên tôi có thể tưởng tượng một bệnh nhân liệt hoàn toàn có khả năng cử động chân của họ thông qua thiết bị ghép nối giữa não và cột sống", Jocelyne Bloch, nhà giải phẫu thần kinh tại Bệnh viện Đại học Lausanne, người cấy ghép thiết bị kết nối vào bộ não và tủy sống con khỉ, nói.

 

Tuy nhiên, giáo sư Courtine cảnh báo vẫn còn nhiều thách thức lớn phía trước và sẽ mất vài năm trước khi phương pháp này có thể sử dụng để điều trị cho con người.  

Nguồn: vnexpress.net

Số lượt đọc: 3972

Về trang trước Về đầu trang