Trong một nghiên cứu mới đây được công bố trên tạp chí Applied Materials & Interfaces, một nhóm các nhà khoa học bao gồm trợ lý giáo sư Arun Kota, hai nghiên cứu sinh Hamed Vahabi và Wei Wang đã phát triển một loại băng dính có khả năng áp dụng với mọi bề mặt vật liệu, đồng thời có tác dụng chống thấm nước hay bất kỳ loại chất lỏng nào.
Cấu tạo của loại băng dính mới bao gồm một lớp chống thấm polyurethane có độ dính bám được phủ lên trên bề mặt một lớp các hạt silica siêu nhỏ, siêu mịn chứa flo. Nhờ có cấu trúc, kết cấu và sức căng bề mặt rắn ở mức thấp nhất của lớp hạt silica, chất lỏng không có khả năng thấm lọt xuống giữa lớp hạt, và khi gặp lớp không khí được tạo ra giữa bề mặt vật liệu và chất lỏng, chất lỏng lập tức biến thành những giọt nhỏ li ti, lăn ra khỏi lớp băng dính.
Theo các nhà nghiên cứu, sản phẩm mới có thể được áp dụng trên bề mặt của nhiều loại vật liệu khác nhau, trong đó có cả những vật liệu có bề mặt tiếp xúc khác biệt. Một điều có thể dễ dàng nhận thấy là khả năng chống thấm của băng dính có thể giúp tăng sức đề kháng ăn mòn của vật liệu, giúp vật liệu tự làm sạch, làm giảm lực cản thủy động lực học và thậm chí là ngăn chất thải, bụi bẩn bám dính trên bề mặt vật liệu.
Tuy nhiên, xét về mặt cơ học, băng keo có cấu tạo không đủ bền để có thể sử dụng trong môi trường khắc nghiệt và mài mòn. Do đó, nhóm nghiên cứu cho biết họ vẫn đang tiếp tục nghiên cứu nhằm phát triển hơn nữa loại băng keo này nhằm mục đích thương mại hóa sản phẩm trong tương lai gần.