Tin KHCN trong nước
Tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng từ nghiên cứu về truyền máu (12/09/2016)
-   +   A-   A+   In  

Cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ nhằm đảm bảo an toàn truyền máu, phục vụ cho cấp cứu và đảm bảo đủ máu dự trữ cho điều trị” của GS.TS. Nguyễn Anh Trí và 4 cộng sự thuộc Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương được nhen nhóm từ một lần đi công tác đến vùng huyện đảo và chứng kiến những nguy hiểm tính mạng người dân do thiếu máu dự trữ.

Xuất phát từ thực tiễn

 

GS.TS. Nguyễn Anh Trí  chia sẻ, ông và đồng nghiệp có may mắn được đi công tác đến nhiều vùng miền của tổ quốc và chứng kiến rất nhiều ca bệnh khó cho bác sĩ ở địa phương vì thiếu máu dự trữ. Những vùng huyện đảo xa xôi công tác dự trữ máu rất khó khăn trong quá trình vận chuyển cũng như bảo quản. Không chỉ người dân ở biển đảo gặp phải khó khăn này mà cả những chiến sĩ hải quân cũng gặp phải. Do điều kiện công tác lênh đênh trên biển trong một thời gian dài nên dễ gặp nguy hiểm tính mạng khi có sự cố về sức khỏe.

 

Đó là những băn khoăn luôn canh cánh trong lòng GS.TS. Nguyễn Anh Trí. Những năm trước 2004, tại Việt Nam bước đầu công tác truyền máu đã đạt được một số kết quả nhất định như đã khởi xướng phong trào vận động hiến máu tình nguyện; đổi mới được quy trình tiếp nhận máu; có được kỹ thuật tiến bộ để đổi mới quy trình công nghệ sản xuất và chuẩn hóa các chế phẩm máu. Tuy nhiên, giai đoạn này vẫn còn một số tồn tại nhất định. An toàn truyền máu ở mặt miễn dịch ở giai đoạn này cũng được quan tâm đúng mức vì thiếu nguồn lực. Hầu hết các cơ sở truyền máu chưa triển khai được xét nghiệm sàng lọc, định danh kháng thể bất thường,…

 

Từ năm 2004 đến nay, xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn cần phải thay đổi một cách toàn diện chất lượng dịch truyền máu nên Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách thúc đẩy công tác này.

 

Đây chính là những bước tạo đà mạnh mẽ cho những nghiên cứu về máu của GS. TS. Nguyễn Anh Trí và đồng nghiệp tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.

 

GS.TS. Nguyễn Anh Trí cho biết, cụm công trình được hình thành từ 1 dự án sản xuất thử nghiệm cấp Nhà nước, 4 nhiệm vụ khoa học cấp Bộ và 46 nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở. Các công trình này tập trung 3 nội dung chính như đảm bảo an toàn truyền máu về mặt miễn dịch; đảm bảo an toàn truyền máu phòng lây nhiễm HIV, HBV (viêm gan B), HCV (viêm ban C) qua đường truyền máu; đảm có đủ nguồn người hiến máu an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về máu và các chế phẩm máu cho điều trị; có đủ máu dự trữ cho an ninh, quốc phòng, dự báo thảm họa.

 

TS. Ngô Mạnh Quân, thành viên nhóm nghiên cứu chia sẻ, với những yêu cầu bức thiết của thực tế, nhóm nghiên cứu đã tập trung tiến hành nghiên cứu với các đối tượng là người hiến máu, người hiến máu dự bị, người có nhóm máu hiếm; mẫu máu của người hiến máu, người bệnh, mẫu máu của người bệnh; các nhà quản lý địa phương, của trung tâm truyền máu, của bệnh viện và người dân; các bệnh viện, bệnh nhân có sử dụng máu,chế phẩm máu.

 

Tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng

 

Cụm công trình được xuất phát từ thực tế, với sự sáng tạo đặc biệt đã ứng dụng thành công các công nghệ tiên tiến, hiện đại về kỹ thuật và tổ chức trên thế giới. Cụm công trình có cải tiến cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam để đảm bảo an toàn truyền máu một cách hữu hiệu nhất cho người bệnh, hiệu quả cao cho cộng đồng.

 

Với quá trình nghiên cứu miệt mài từ năm 2004 – 2015, cụm công trình đã cho ra đời nhiều sản phẩm có giá trị đặc biệt xuất sắc đối với cộng đồng và xã hội. Nhờ việc điều chế và sử dụng máu từng phần ngày càng tăng, không sử dụng máu toàn phần, năm 2015 số đơn vị máu được điều chế tăng gấp 10 lần so với năm 2004. Năm 2015 tỷ lệ máu được điều chế trên tổng số máu được tiếp nhận đạt 99,6%; tổng số đơn vị chế phẩm máu đã được điều chế từ 2004 -2015 là hơn 2,6 triệu đơn vị. Như vậy, một đơn vị máu toàn phần tách ra có thể sử dụng cho nhiều bệnh nhân khác nhau.  Kết quả này đã giảm bớt đáng kể tình trạng thiếu máu và mang lại hiệu quả kinh tế rất cao khi tiết kiệm được gần 1000 tỷ đồng so với việc người bệnh phải sử dụng máu toàn phần để điều trị.

 

GS.TS. Nguyễn Anh Trí

 

Cụm công trình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương và các bệnh viện nhờ sản xuất được các sinh phẩm chẩn đoán chất lượng bằng nguồn nguyên liệu có sẵn trong nước, tiết kiệm trên 80 tỷ đồng.

 

Đặc biệt, với việc xây dựng thành công mô hình “Ngân hàng máu sống” với lực lượng hiến máu dự bị thực chất, hiệu quả và bền vững để cung cấp máu cho điều trị, cấp cứu bệnh nhân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Ở những cơ sở không trang bị các thiết bị bảo quản máu an toàn hay phương tiện cấp cứu hiện đại thì “ngân hàng máu sống” đặc biệt có ý nghĩa. Đó là máu an toàn được dự trữ ở những người khỏe mạnh, họ đã đăng ký hiến máu và đã được xét nghiệm định kỳ, khi cần sẽ huy động họ đến hiến máu để truyền cho người bệnh. Bệnh nhân được sử dụng máu tươi, toàn phần.

 

Với “ngân hàng máu sống” nguy cơ lây bệnh qua đường truyền máu giảm, cũng không cần nguồn kinh phí lớn để mua thiết bị bảo quản đắt tiền. Chi phí trung bình cho việc duy trì một câu lạc bộ hiến máu dự bị ở một huyện và chi phí xét nghiệm, gửi mẫu xét nghiệm trước và sau truyền máu cho bệnh nhân khoảng 20 triệu đồng.

 

Để có những đơn vị máu an toàn thì chi phí trên là rất tiết kiệm. Nếu so với trước đó, một bệnh nhân ở Cát Hải, Hải Phòng phải chi phí từ 4 – 7 triệu đồng cho việc thuê tàu hay 200 triệu đồng cho một chuyến trực thăng vận chuyển máu từ đất liền ra Côn Đảo, Vũng Tàu. Nhân rộng mô hình này ra cả nước sẽ tiết kiện cho người dân cũng như ngân sách nhà nước hàng ngàn tỷ đồng,…

 

Việc sàng lọc HIV, HBV, HCV cho người hiến máu bằng các kỹ thuật có độ nhạy, độ đặc hiệu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và mang lại niềm tin cho người hiến máu cũng như người bị bệnh về máu. Một kết quả nổi bật của cụm công trình có thể kể đến là nghiên cứu thành công bộ panel huyết thanh viêm gan B, viêm gan C được sản xuất tại Viện để nâng cao chất lượng sàng lọc HIV, HBV, HCV cho các bệnh nhân trên phạm vi toàn quốc. Viện đã sản xuất được 360 bộ từ năm 2009 – 2014, tiết kiệm được gần 4 tỷ đồng.

 

“Cụm công trình đã tạo điều kiện thúc đẩy và nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho cán bộ,đặc biệt là cán bộ trẻ của Viện.  Sản phẩm nghiên cứu của cụm công trình là kết tinh của niềm đam mê và cống hiến của các nhà khoa học Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, khẳng định sự tiến bộ vượt bậc trong công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực truyền máu”, GS.TS. Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ vào Đào tạo, Bộ Y tế nhận định.

 

Với những kết quả đặc biệt ấn tượng trên, cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ nhằm đảm bảo an toàn truyền máu, phục vụ cho cấp cứu và đảm bảo đủ máu dự trữ cho điều trị” của GS.TS. Nguyễn Anh Trí và 4 cộng sự thuộc Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã vinh dự được đề xuất nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN đợt 5 năm 2016. 

Nguồn: most.gov.vn

Số lượt đọc: 4563

Về trang trước Về đầu trang