Tin KHCN trong nước
Nghiên cứu cải tiến và hoàn thiện công nghệ chọn tạo, phát triển sản xuất một số chủng loại rau, hoa, quả chủ lực ở Việt Nam (28/07/2022)
-   +   A-   A+   In  
Trong sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam, tỷ trọng giá trị sản xuất ngành trồng trọt đạt 76,1% (2014), đặc biệt những năm gần đây lĩnh vực này có bước chuyển dịch tích cực, giảm tỷ trọng nhóm cây lương thực, tăng tỷ trọng nhóm rau, hoa, quả. Giá trị sản xuất toàn ngành trồng trọt giai đoạn 2011-2015 tăng 3,9%, nhưng lĩnh vực rau tăng 5,8%, cây ăn quả tăng 7,4%, cây hoa tăng 11,2%. 

Việt Nam được đánh giá là nước rất có tiềm năng và nhiều lợi thế trong thị trường thương mại thế giới về lĩnh vực rau, hoa, quả và ngày càng có xu thế tăng mạnh, tuy nhiên giá trị xuất khẩu chiếm tỷ trọng nhỏ. Giá trị thương mại rau, quả, hoa trên toàn cầu đạt trên 150 tỷ USD, giá trị xuất khẩu ngành rau, quả, hoa ở Việt Nam năm 2016 đạt 2,45 tỷ USD, năm 2017 đạt 3,51 tỷ USD, năm 2018 đạt 3,52 tỷ USD. Ở Việt Nam, trong những năm qua đã có nhiều kết quả nghiên cứu có đóng góp tích cực trong lĩnh vực rau, hoa, quả với nhiều nội dung khác nhau như: lai, tạo giống mới, nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật canh tác, thu hái, bảo quản nhằm nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng. Tuy nhiên, những nghiên cứu đó mới chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ, kỹ thuật chưa cao, chưa được chú trọng đầu tư, nên chưa tạo ra khối lượng lớn các sản phẩm hàng hóa (là bộ giống, quy trình kỹ thuật), chưa có tính đột phá, khác biệt nhiều và tính ưu việt so với thế giới.

Viện Nghiên cứu Rau quả là một trong 18 đơn vị thành viên trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) - Bộ Nông nghiệp và PTNT. Lĩnh vực hoạt động chính của Viện là nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về cây rau, cây ăn quả và hoa, cây cảnh. Trong những năm qua, Viện Nghiên cứu Rau quả đã có những đóng góp tích cực cho ngành sản xuất rau, hoa, quả Việt Nam. Từ các hoạt động khoa học và chuyển giao, Viện đã đưa vào sản xuất nhiều giống cây trồng mới, nhiều tiến bộ kỹ thuật mới và được người dân đón nhận, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng trọt, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Mặc dù đã có những đóng góp có giá trị cho ngành sản xuất rau, hoa quả, nhưng công tác nghiên cứu và chuyển giao của Viện còn một số hạn chế như các kết quả áp dụng ở sản xuất chưa nhiều, tỷ trọng áp dụng bộ giống và quy trình kỹ thuật của Viện trong sản xuất còn thấp so với tiềm năng sẵn có của Viện; các sản phẩm khoa học đưa ra chưa thật sự có khả năng cạnh tranh tốt với các sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực hoặc các công ty nước ngoài đang có các hoạt động nghiên cứu, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam; đa phần các giống là từ tuyển chọn, số tạo ra còn ít, chưa có những sản phẩm khoa học mang tính đột phá, gắn liền với tên tuổi thương hiệu của Viện; chưa có sự gắn kết với doanh nghiệp và khả năng thương mại hóa sản phẩm còn yếu, nên giá trị thu lại không lớn. Khắc phục những bất cập trên, Viện Nghiên cứu Rau quả đã xây dựng đề án ”Đổi mới tổ chức và hoạt động của Viện nghiên cứu Rau quả” với quyết tâm của cán bộ viên chức trong toàn Viện, thời gian tới sẽ đổi mới một cách toàn diện, cả về hệ thống tổ chức, về công tác quản lý, triển khai các hoạt động khoa học công nghệ, tăng cường phát triển nguồn nhân lực cho khoa học, công nghệ, tăng cường hợp tác Quốc tế, đẩy mạnh công tác thông tin, thị trường thương mại hóa sản phẩm. Trong đó quan tâm nhất là vấn đề đẩy mạnh đổi mới thông qua nghiên cứu sáng tạo.

Để hoàn thành được mục tiêu của đề án, nhóm dự án của Viện Nghiên cứu Rau quả do PGS.TS. Nguyễn Quốc Hùng đứng đầu đã đề xuất thực hiện tiểu dự án ”Nghiên cứu cải tiến và hoàn thiện công nghệ chọn tạo, phát triển sản xuất một số chủng loại rau, hoa, quả chủ lực ở Việt Nam nhằm góp phần hỗ trợ nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh và chất lượng tăng trưởng của ngành Rau - Hoa - Quả; tăng cường hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng, đổi mới công nghệ để tạo thêm giá trị gia tăng cho ngành; nâng cao năng lực của Viện theo hướng chủ động gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của thị trường và các doanh nghiệp, tăng tỉ lệ thương mại sản phẩm nghiên cứu; từng bước đưa Viện thành đơn vị nghiên cứu công lập tự chủ về nghiên cứu, nguồn lực và tài chính.

Sau một thời gian triển khai thực hiện, các kết quả của dự án đã đạt được mục tiêu đề ra, cụ thể là:

1. Dự án đã nghiên cứu chọn tạo và đưa ra công nhận được một số giống rau hoa đó là:

- 2 giống chính thức là giống hoa lan hồ điệp ban mai hồng và giống hoa lan địa châu GL2-4; 5 giống công nhận sản xuất thử. Trong đó, 2 giống hoa lan hồ điệp thơm HĐT1, HĐT2; 1 giống hoa lan đai châu GL2-4; 1 giống ớt chỉ thiên GL18; 1 giống cà chua sao đỏ 791 kháng bệnh sương mai và xoăn vàng lá.

- 2 dòng triển vọng mới gồm 1 dòng ớt bất dục đực CMS; 1 dòng cà chua kháng bệnh héo xanh vi khuẩn.

- Đã bảo hộ được 2 giống mới là giống hoa lan hồ điệp Thanh xuân và giống cà chua sao đỏ 719.

Các giống mới trên có năng suất cao hơn các giống thông thường từ 10-15% và đang được nhân nhân để phát triển rộng rãi ngoài thị trường trong thời gian tới. Ngoài ra dự án còn tạo ra được rất nhiều nguồn vật liệu mới là các tổ hợp lai, dòng lai triển vọng v.v... đây là các nguồn vật liệu rất có giá trị phục vụ cho công tác chọn tạo giống rau hoa tiếp theo.

2. Dự án đã nghiên cứu hoàn thiện và công nhận một số quy trình và TBKT:

- 4 TBKT bao gồm 1 quy trình công nghệ nhân giống invitro hoa lan hồ điệp; 1 Quy trình công nghệ nhân giống invitro hoa lan đai châu; 1 quy trình sản xuất hạt ớt lai F1; 1 quy trình ghép cà chua trên gốc cà chua.

- 1 quy trình tạo dòng bất dục đực tế bào chất

Các quy trình mới trên phù hợp dễ áp dụng trong điều kiện Việt nam, giá thành giảm so với các quy trình đang áp dụng từ 10-15%, chất lượng cây giống tăng 15-17%.

3. Dự án đã thử nghiệm sản xuất và đưa ra thị trường một số chủng loại giống rau hoa là mới cụ thể: 200 nghìn cây giống invitro hoa lan hồ điệp, 50 nghìn cây giống in vtro hoa lan đai châu; 1 triệu cây giống cà chua ghép trên gốc cà tím. Các giống mới này bước đầu đã khẳng định được hiệu quả vượt trội so với giống thông thường.

4. Đã đào tạo được 5 cán bộ tại Đài Loan: 3 cán bộ nghiên cứu về công nghệ chọn tạo

Qua quá trình triển khai thực hiện dự án, nhóm thực hiện rút ra một số bài học kinh nghiệm đó là: Cần phải lựa chọn đúng đối tượng nghiên cứu có triển vọng, có thị trường, có ưu thế của đơn vị chủ trì, tương thích với thời gian nghiên cứu (trong vòng 2 năm) thì mới có sản phẩm cuối cùng; Lựa chọn công nghệ và thiết bị phù hợp, có khả năng sử dụng và sử dụng sao cho có hiệu quả nhất. Các công nghệ vừa hiện đại, tiên tiến những cũng dễ sử dụng, dễ bảo hành sửa chữa; Lựa chọn các cán bộ tham gia thực hiện dự án vừa phải có năng lực, trình độ, kinh nghiệm, nhưng cũng phải có sự nhiệt tình, đam mê, tinh thần trách nhiệm cao; Công tác tổ chức nghiên cứu, phân công trách nhiệm cho mỗi thành viên cần phải rõ dàng, minh bạch, đúng người, đúng việc; Các sản phẩm của dự án luôn phải gắn với thị trường, đáp ứng các yêu cẩu của người sản xuất và người tiêu dùng, luôn phải đảm báo các tiêu chí: mới, năng suất cao, chất lượng tốt, giá thành hạ; Công tác quản lý tài chính, thanh quyết toán luôn phải kịp thời, rõ ràng, công khai, minh bạch, tạo niềm tin với mọi người tham gia.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 17029/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

 

Nguồn: NASATI

Số lượt đọc: 1067

Về trang trước Về đầu trang