Tin KHCN trong nước
Nhà khoa học đầu tiên trong khối DN được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (31/08/2016)
-   +   A-   A+   In  

Nhà khoa học đầu tiên trong khối doanh nghiệp (DN) được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh là Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thoát nước và phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (Busadco).

Vị giám đốc với nhiều giải thưởng khoa học

 

Ông Hoàng Đức Thảo sinh năm 1960, tại xã Vũ Thắng, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, bắt đầu khởi nghiệp tại Công ty Xây dựng số 10 với công việc là thợ xây dựng bậc 3/7.

 

30 năm qua, từ một công nhân, ông đã không ngừng nỗ lực học tập, phấn đấu trở thành một nhà quản lý, nhà khoa học xuất sắc. Trên cương vị Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Busadco, trong vòng 10 năm, ông đã cùng tập thể đơn vị đưa công ty gần như từ con số không trở thành DN tiêu biểu dẫn đầu toàn quốc về năng suất, chất lượng, hiệu quả trên lĩnh vực thoát nước đô thị.

 

Đặc biệt, xuất phát điểm là một công nhân, vừa làm vừa học, vừa quản lý DN, vừa nghiên cứu, không phải là nhà khoa học chuyên nghiệp, không sử dụng ngân sách Nhà nước và không nhận lương nghiên cứu khoa học, Hoàng Đức Thảo đã dũng cảm, tiên phong trong sáng tạo và đổi mới khoa học-công nghệ (KHCN).

 

Ông là tác giả của 19 công trình khoa học, sáng tạo công nghệ mới với 19 sản phẩm KHCN. Các sản phẩm KHCN của ông đã được Bộ KH&CN cấp 14 bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích, được các  tổ chức khoa học thế giới trao 4 Cúp vàng Techmart Asean + 3, được  Bộ Xây dựng cấp 4 giấy chứng nhận công nghệ phù hợp cho phép áp dụng toàn quốc và xuất khẩu; được cơ quan tiêu chuẩn đo lường chất lượng cấp 16 giấy chứng nhận hàng hóa đạt tiêu chuẩn; được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng 5 bằng lao động sáng tạo... được nhiều tổ chức khoa học và nghề nghiệp uy tín trong ngoài nước đánh giá cao, trao những phần thưởng cao quý.

 

Kết quả nghiên cứu và ứng dụng KHCN của ông đã đem lại hiệu quả lớn về kinh tế-xã hội và môi trường cho Busadco nói riêng và cho tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói chung. Nguồn chất xám này đã đem lại hiệu quả thiết thực khi 85 % doanh thu của Busadco phát sinh từ sản phẩm KHCN.

 

Hơn thế, các sản phẩm KHCN này đã và đang được ứng dụng lan tỏa rộng rãi ở 48/63 tỉnh, thành phố cả nước, trong đó có 12  tỉnh, thành phố đã ban hành quy định áp dụng sản phẩm công nghệ Busadco. Đồng thời xuất khẩu công nghệ Busadco sang Malaysia, góp phần xây dựng hình ảnh, thương hiệu KHCN của Việt Nam trên trường quốc tế.

 

Ông cũng là người Việt Nam có nhiều công trình đoạt giải thưởng trong lĩnh vực sáng tạo VIFOTEC nhất và là người Việt Nam đầu tiên đoạt nhiều giải thưởng nhất của các tổ chức sáng tạo KHCN trên thế giới.

 

Giải thưởng Hồ Chí Minh cho cụm công trình tiêu biểu

 

Bộ KH&CN cho biết, có 9 công trình đặc biệt xuất sắc đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và 7 công trình xuất sắc đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đợt 5. Và cụm công trình “Xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu” của ông Hoàng Đức Thảo đã chính thức được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

 

Công trình này được nhiều chuyên gia đánh giá là cụm công trình khoa học kỹ thuật tiêu biểu xuất sắc trong việc hình thành và thiết lập hướng nghiên cứu mới làm thay đổi nhận thức truyền thống trong nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ.

 

Đặc biệt là công nghệ bê tông thành mỏng cốt phi kim để xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng và chống xói lở được đánh giá là có tính đột phá cao trong xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường.

 

Bên cạnh đó, công trình này còn có: Hệ thống hào kỹ thuật đúc sẵn lắp ghép dùng để ngầm hóa các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, kiểm soát được chất lượng, tiến độ, chống tiêu cực thất thoát; hệ thống các loại bể phốt đô thị, nông thôn được đúc sẵn, lắp ghép, giảm dung tích tiết kiệm diện tích đất, kiểm soát được ô nhiễm môi trường, không khí, nước mặt, nước ngầm...

 

Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế-kỹ thuật (Bộ KH&CN) Nguyễn Đình Hậu, tổ trưởng tổ xét duyệt hồ sơ cho biết, hồ sơ xét tặng của Busadco là một hồ sơ đặc biệt ấn tượng, bởi cụm công trình mang tính ứng dụng rất cao và đã được triển khai rộng rãi ở nhiều địa bàn trên cả nước, được chính quyền các địa phương đánh giá cao về những cống hiến đóng góp cho sự phát triển kinh tế bền vững. 

 

“Các công trình khoa học của ông Thảo và tập thể Busadco luôn mang tính đột phá, ứng dụng cao trong xây dựng hạ tầng đô thị, nước sạch môi trường nông thôn, xây dựng nông thôn mới, khắc phục và cải thiện ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”, ông Nguyễn Đình Hậu cho biết thêm.

 

Ngày 29/8, tại buổi lễ công bố “Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2016” đã giới thiệu 71 công trình sáng tạo KHCN xuất sắc nhất năm 2016, trong đó có công trình “Cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ, sông hồ và đê biển” của Busadco.

 

Đây là tín hiệu đáng mừng cho DN phát triển theo hướng KHCN, vì đó là sự tưởng thưởng xứng đáng của Nhà nước đối với các DN dám mạnh dạn theo đuổi khoa học ứng dụng, vốn là điểm yếu đối với nền khoa học nước nhà.  

Nguồn: chinhphu.vn

Số lượt đọc: 5372

Về trang trước Về đầu trang

TIN TỨC KHÁC
  • Bộ KH&CN giải đáp cho doanh nghiệp về hiệu lực Giấy chứng nhận hợp quy (22/10/2018)
  • Hiện trạng và giải pháp ứng dụng công nghệ bảo quản trên tàu khai thác xa bờ và tàu hậu cần thuỷ sản của tỉnh BR-VT (22/10/2018)
  • Công nghệ chế biến một số sản phẩm giá trị gia tăng từ nguyên liệu còn lại trong công nghiệp chế biến cá (19/10/2018)
  • Hội nghị Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ ASEAN không chính thức lần thứ 10 (IAMMST-10) (19/10/2018)
  • Giải pháp ứng dụng công nghệ thủy phân đối với nguyên liệu cá tạp và triển vọng ứng dụng (18/10/2018)
  • Giải pháp công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm surimi và sản phẩm mô phỏng từ surimi trong quá trình chế biến và bảo quản tại các nhà máy chế biến surimi trên địa bàn tỉnh (18/10/2018)
  • Ứng dụng kỹ thuật sấy bằng bơm nhiệt (heat pump) để cải thiện chất lượng và tiết kiệm năng lượng cho quá trình sản xuất các sản phẩm khô thủy sản (18/10/2018)
  • Những giải pháp công nghệ mới trong sản xuất chitin, chitosan từ phế liệu của các nhà máy chế biến (tôm, mực, ghẹ, …) trên địa bàn tỉnh BR-VT (18/10/2018)
  • Công nghệ sản xuất collagen, gelatine từ nguyên liệu còn lại của nhà máy chế biến thủy sản (xương, da, vây, vẩy) và khả năng ứng dụng trên địa bàn tỉnh BR-VT (17/10/2018)
  • Ứng dụng công nghệ trong thu hồi protein từ nước rửa trong quá trình sản xuất surimi, chả cá tại các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh BR-VT (17/10/2018)