Tin KHCN trong nước
Bàn giao giàn khoan tự nâng "made in Việt Nam" (19/08/2016)
-   +   A-   A+   In  

Chiều 12/8/2016, tại TP. Vũng Tàu, Công ty cổ phần Chế tạo giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard) đã bàn giao giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05 cho Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro.

Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, cùng lãnh đạo của các bộ, ngành Trung ương, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam tham dự buổi lễ.

Giàn khoan có kích thước thân giàn 70,4 x 76 x 9,5m; chiều dài thiết kế chân giàn 167 m; khả năng chất tải 2.995 tấn. Sản phẩm có khả năng khoan tới mỏ dầu khí với độ sâu 9.000 m. Sản phẩm được Đăng kiểm Mỹ (ABS) chứng nhận, đạt chất lượng tương đương với giàn khoan của các công ty chế tạo giàn khoan nổi tiếng trên thế giới của Mỹ, Hàn Quốc, Singapo…

Giàn khoan được chế tạo và sản xuất theo mẫu JU-2000E hiện đại nhất của Hãng Friede & Goldman (Mỹ), có khả năng hoạt động ở mực nước sâu đến 120 m. Sản phẩm có tính ổn định cao, chất lượng tương đương với sản phẩm nhập ngoại. Giàn khoan được thiết kế, chế tạo tuân thủ chặt chẽ các quy định về an toàn hàng hải, an toàn môi trường của Việt Nam và thế giới.

Việc đóng mới và hạ thủy thành công Giàn khoan Tam Đảo 05 đã tạo điều kiện cho công ty đào tạo, xây dựng một đội ngũ quản lý dự án, đội ngũ kỹ sư thiết kế mạnh, chuyên sâu, từng bước đạt tầm khu vực và thế giới; có khả năng tự đảm nhận thiết kế chi tiết, thiết kế thi công cho các loại công trình dầu khí khác nhau như giàn khoan di động, phương tiện nổi, giàn khoan cố định và các công trình phục vụ ngành dầu khí.

Quan trọng hơn, việc chế tạo thành công giàn khoan Tam Đảo 05 và các giàn khoan trước đó đã đưa Việt Nam trở thành một trong số không nhiều các nước có thể chế tạo giàn khoan dầu khí trên thế giới, như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapo...

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhiệt liệt chúc mừng Công ty cổ phần Chế tạo giàn khoan Dầu khí và tin tưởng rằng việc chế tạo thành công Giàn khoan Tam Đảo 05 sẽ là tiền đề để tiếp tục thực hiện các dự án chế tạo giàn khoan lớn hơn, với công nghệ phức tạp hơn.

Thành công của dự án không chỉ có ý nghĩa quan trọng về mặt khoa học công nghệ, mà còn có ý nghĩa chính trị, kinh tế-xã hội to lớn, thể hiện sự hợp tác có hiệu quả giữa Việt Nam và Liên bang Nga”, Phó Thủ tướng nói.

Các giàn khoan di động mang thương hiệu Việt Nam hoạt động trong thềm lục địa đã góp phần phát triển kinh tế biển, xác định vị thế của ngành dầu khí Việt Nam, khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia, đặc biệt là tham gia bảo đảm an ninh hàng hải khu vực.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập của đất nước, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã, đang và sẽ luôn coi trọng việc thúc đẩy, phát triển các ngành công nghiệp đòi hỏi kỹ thuật và công nghệ cao, trong đó có ngành cơ khí chế tạo phục vụ lĩnh vực dịch vụ dầu khí chất lượng cao.

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam tiếp tục chú trọng đầu tư, nâng cao tiềm lực, khả năng cạnh tranh, chiếm lĩnh tối đa thị phần dịch vụ trong nước, hỗ trợ trực tiếp cho công tác tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí - đây là lĩnh vực cốt lõi của Tập đoàn.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế, chuyển giao công nghệ, tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm và khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế để phát triển dịch vụ dầu khí chất lượng cao theo Chiến lược phát triển ngành dầu khí.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị Công ty cổ phần Chế tạo giàn khoan Dầu khí phát huy năng lực của mình, khai thác tối đa các lợi thế sẵn có để khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế bằng việc giành được các dự án lớn có vốn đầu tư nước ngoài và cung cấp dịch vụ dầu khí bảo đảm chất lượng và cạnh tranh ra nước ngoài.

Nguồn: Chinhphu.vn

Số lượt đọc: 5197

Về trang trước Về đầu trang