Tin KHCN trong nước
Thúc đẩy hoạt động Quỹ phát triển KH&CN trong doanh nghiệp (17/08/2016)
-   +   A-   A+   In  

Chế độ Quỹ KH&CN (Quỹ) được xem là một chính sách quan trọng thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy tối đa đầu tư của doanh nghiệp cho hoạt động KH&CN. Tuy nhiên cho đến nay số doanh nghiệp thành lập Quỹ cũng như tỷ lệ vốn được sử dụng so với số vốn đã trích lập Quỹ còn rất khiêm tốn, vì nhiều vướng mắc như: doanh nghiệp không biết thực hiện thế nào để đúng với quy định pháp luật đã ban hành, thủ tục kiểm soát chi đối với Quỹ chưa phù hợp... 

Để khắc phục thực trạng này, Bộ KH&CN cùng Bộ Tài chính đã soạn thảo và ban hành Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC hướng dẫn nội dung chi và quản lý Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp. Bài viết khái quát về thực trạng sử dụng Quỹ và những nội dung mới của Thông tư này.

Khái quát về tình hình trích lập và sử dụng Quỹ

Mặc dù từ năm 2007 đã có văn bản hướng dẫn về việc thành lập, quản lý và sử dụng quỹ như: Quyết định số 36/2007/QĐ-BTC ngày 16/5/2007 của Bộ Tài chính về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển KH&CN của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp; Thông tư 15/2011/TT-BTC ngày 9/2/2011 (Thông tư 15) và Thông tư 105/2012/TT-BTC ngày 25/6/2012 (Thông tư 105) của Bộ Tài chính hướng dẫn thành lập, tổ chức, hoạt động và sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp; tuy nhiên cho đến thời điểm hiện nay số doanh nghiệp thành lập quỹ cũng như tỷ lệ vốn đã được sử dụng so với số vốn đã được trích lập Quỹ là nhỏ.

Theo thống kê của Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh, đến tháng 8/2015, mới có 98 doanh nghiệp báo cáo thành lập Quỹ (trong đó có 74 doanh nghiệp nhà nước) với tổng cộng 489 tỷ đồng, số doanh nghiệp sử dụng Quỹ là 26 và mới sử dụng hết 168 tỷ đồng (chiếm 34% tổng số tiền). Việc quy định thành lập Quỹ là một trong các tiêu chí để đánh giá xếp hạng doanh nghiệp cũng như việc mở rộng nội dung chi của Quỹ cho hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin là những chính sách cụ thể khuyến khích doanh nghiệp thành lập và sử dụng Quỹ của TP Hồ Chí Minh. Theo thống kê của Sở KH&CN TP Hà Nội, tính đến tháng 11/2015 đã có 45 doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước) và 2 tổ chức KH&CN thành lập Quỹ. Theo thống kê của Sở KH&CN Bà Rịa - Vũng Tàu, đến tháng 12/2015, có 7 doanh nghiệp thành lập Quỹ, trong đó có 4 doanh nghiệp đã trích lập Quỹ với số tiền khoảng 152 tỷ đồng. Số tiền đã được sử dụng là 48 tỷ đồng (32%) và điều chuyển về công ty mẹ là 34 tỷ đồng (22%). Theo kết quả điều tra khảo sát thì các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là những đơn vị có số kinh phí trích lập và sử dụng Quỹ lớn nhất. Tuy nhiên, có một số tập đoàn, tổng công ty có số trích lập Quỹ lớn nhưng không sử dụng hết phải tiến hành hoàn nhập Quỹ, ví dụ như: Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam, trong giai đoạn 2009-2014 đã trích lập được 1.380 tỷ đồng, đã sử dụng 42 tỷ đồng và hoàn nhập Quỹ 1.164 tỷ đồng (chiếm 84%). Về cơ bản, các tập đoàn, tổng công ty sử dụng Quỹ để thực hiện các đề tài nghiên cứu, các dự án sản xuất thử nghiệm hoặc mua sắm trang thiết bị nghiên cứu.

Những bất cập trong vận hành Quỹ

Trong thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp trên cả nước đã trích lập Quỹ phát triển KH&CN, tuy nhiên thực tiễn cho thấy, việc sử dụng Quỹ rất khó khăn dẫn đến nhiều doanh nghiệp không còn mặn mà với việc trích lập Quỹ. Những khó khăn chính thường gặp bao gồm:

- Khi doanh nghiệp trích lập Quỹ, tiền đầu tư của doanh nghiệp phải do doanh nghiệp quyết định sử dụng, nhưng lúc sử dụng lại giống như sử dụng ngân sách nhà nước với những thủ tục kiểm soát chi chặt chẽ. Sau 5 năm nếu không sử dụng hết 70%, doanh nghiệp phải quay trở lại đóng thuế cho khoản kinh phí đã trích lập. Đây là một trong nhiều lý do dẫn tới doanh nghiệp đã không trích lập Quỹ phát triển KH&CN. Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, phần lớn họ không biết phải thực hiện thế nào cho đúng với các quy định pháp luật đã ban hành. Chiếu theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, Thông tư 15 và Thông tư 105 hướng dẫn thành lập, tổ chức, hoạt động và sử dụng Quỹ thì doanh nghiệp được hỗ trợ khoảng hơn 20% chi phí. Như vậy, hơn 70% còn lại vẫn là tiền của doanh nghiệp bỏ ra, nên Nhà nước cần đơn giản hoá để dễ sử dụng, bởi vì nếu không có Quỹ thì doanh nghiệp vẫn chủ động đầu tư cho đổi mới công nghệ theo nhu cầu và khả năng. Các khoản chi này sẽ được tính vào chi phí doanh nghiệp khi quyết toán thuế.

- Theo quy định tại Điều 5, Thông tư 15 và Điều 2, Thông tư 105 của Bộ Tài chính, nguồn vốn Quỹ được sử dụng cho các nội dung sau: 1) Thực hiện các đề tài/dự án KH&CN của doanh nghiệp tại Việt Nam; 2) Hỗ trợ phát triển KH&CN của doanh nghiệp tại Việt Nam (trang bị cơ sở vật chất - kỹ thuật cho hoạt động KH&CN của doanh nghiệp như xây dựng phòng thí nghiệm, cơ sở thử nghiệm, máy móc trang thiết bị phục vụ cho nghiên cứu và phát triển; mua máy móc, thiết bị nhằm đổi mới công nghệ trực tiếp sử dụng vào việc sản xuất sản phẩm của doanh nghiệp; mua bản quyền công nghệ, quyền sử dụng, quyền sở hữu sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thông tin KH&CN, các tài liệu, sản phẩm có liên quan để phục vụ cho hoạt động KH&CN của doanh nghiệp theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ; trả lương, chi thuê chuyên gia hoặc hợp đồng với tổ chức KH&CN để thực hiện các hoạt động KH&CN của doanh nghiệp; chi phí cho đào tạo nhân lực KH&CN của doanh nghiệp; chi cho các hoạt động sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất…). Với các quy định như trên, nội dung đề cập doanh nghiệp được phép sử dụng Quỹ rất rộng, nhưng thiếu cụ thể, liên quan đến các văn bản quy phạm thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Chính điều này khiến doanh nghiệp lúng túng trong quá trình triển khai.

Đối với việc “Thực hiện các đề tài/dự án KH&CN của doanh nghiệp tại Việt Nam”, Thông tư 15 quy định: “Đề tài/dự án KH&CN của doanh nghiệp phải được xây dựng và chịu trách nhiệm, tổ chức thực hiện theo những quy định của Nhà nước về thủ tục xét duyệt, nghiệm thu (có hội đồng đánh giá đầu vào, hội đồng đánh giá nghiệm thu kết quả đầu ra) và kết quả đề tài được hội đồng KH&CN đánh giá, nghiệm thu đạt yêu cầu theo quy định về KH&CN, được áp dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”. Tuy nhiên trên thực tế cho đến nay, chưa có văn bản nào của Nhà nước về thủ tục xét duyệt, nghiệm thu đối với các đề tài/dự án KH&CN của doanh nghiệp được ban hành. Quy định này còn làm phát sinh một vấn đề nữa là, hoạt động KH&CN luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro (theo tổng kết của UNESCO thì tỷ lệ thành công của hoạt động nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu triển khai tương ứng là 25%, 40%, 60%). Nếu cứ hiểu theo quy định trên là “kết quả đề tài được hội đồng KH&CN đánh giá, nghiệm thu đạt yêu cầu theo quy định về KH&CN, được áp dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp” thì những đề tài/dự án mà kết quả nghiên cứu thất bại (không đáp ứng mục tiêu đề tài/dự án đặt ra), doanh nghiệp không thể đưa vào áp dụng, phải chăng sẽ không được sử dụng kinh phí của Quỹ? Hay trong quá trình nghiên cứu, doanh nghiệp biết kết quả áp dụng sẽ thất bại, không nên sản xuất đại trà, nhưng doanh nghiệp vẫn phải áp dụng để được sử dụng kinh phí từ Quỹ?

- Một số doanh nghiệp khi quyết toán kinh phí sử dụng vốn từ Quỹ đã bị cơ quan tài chính tại một số địa phương không đồng ý các khoản chi thuộc đề tài/dự án mà doanh nghiệp đã triển khai thực hiện, lý do là định mức chi cho các đề tài/dự án vượt quá định mức chi cho các đề tài/dự án có sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định của Nhà nước, với lập luận nếu như doanh nghiệp không trích lập Quỹ thì 25% số kinh phí này phải nộp vào ngân sách nhà nước (nộp thuế thu nhập doanh nghiệp). Do vậy, doanh nghiệp sử dụng Quỹ này coi như sử dụng kinh phí có sử dụng ngân sách nhà nước (mặc dù vốn của doanh nghiệp hoàn toàn là 100% tư nhân).

Nội dung chính của Thông tư liên tịch số 12

Nhằm khắc phục các khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải trong vận hành và sử dụng Quỹ, Bộ KH&CN cùng Bộ Tài chính đã soạn thảo và ban hành Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC ngày 28/6/2016 hướng dẫn nội dung chi và quản lý Quỹ (có hiệu lực kể từ ngày 1/9/2016). Dưới đây là một số thông tin chính của Thông tư.

Nội dung chi của Quỹ

Đối với nhiệm vụ KH&CN của doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ chủ động thực hiện nhiệm vụ theo nhu cầu. Việc thực hiện đánh giá xét chọn, thẩm định nội dung và kinh phí của các nhiệm vụ sẽ được thực hiện theo Quy chế hoạt động KH&CN của doanh nghiệp (có quy chế mẫu kèm theo Thông tư). Thông tư cũng quy định, các nhiệm vụ KH&CN được đánh giá nghiệm thu của Hội đồng KH&CN của doanh nghiệp theo Quy chế KH&CN của doanh nghiệp là đủ điều kiện để đánh giá hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, quy định này cũng không giới hạn về địa điểm thực hiện các hoạt động KH&CN của doanh nghiệp “tại Việt Nam” như các văn bản trước đây để nhằm phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế thế giới và các hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam tại các nước trên thế giới. Doanh nghiệp cũng được tự xây dựng và ban hành định mức chi cho các nhiệm vụ KH&CN của mình. Đồng thời, có quyền áp dụng khoán chi theo quy định khoán chi thực hiện các nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước.

Đối với nội dung trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật và mua sắm trang thiết bị, Thông tư hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng dự án theo quy trình và thủ tục của Luật Đầu tư 2014. Đối với nội dung mua quyền sử dụng, quyền sở hữu trí tuệ được thực hiện trên cơ sở 1 trong 2 căn cứ sau: xây dựng thuyết minh nhiệm vụ KH&CN được xét chọn và thẩm định theo Quy chế hoạt động KH&CN của doanh nghiệp và tuân thủ các điều khoản của Hợp đồng mua bán hoặc Hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng. Doanh nghiệp cũng được sử dụng Quỹ để chi cho các nội dung hoạt động thương mại hóa và đổi mới như: kiểm chuẩn, quảng bá, thương mại hóa sản phẩm, đăng ký sở hữu trí tuệ… Các khoản chi nghiên cứu thực hiện dự án, phát triển sản phẩm mới nhưng không tiêu thụ, không phát triển được mà được Hội đồng KH&CN đánh giá là vì nguyên nhân khách quan cũng được phép chi từ Quỹ.

Nội dung quản lý Quỹ

Bên cạnh các nội dung về quản lý tài chính và quản lý tài sản hình thành từ Quỹ, vấn đề xử lý Quỹ khi doanh nghiệp không sử dụng, sử dụng không hết và sử dụng sai mục đích được quy định chi tiết. Cụ thể, đối với số tiền Quỹ chưa sử dụng hoặc chưa sử dụng hết 70% trong thời hạn 5 năm, sẽ xử lý như sau: (1) Đối với doanh nghiệp nhà nước sẽ phải nộp tối thiểu 20% (tính trên khoản thu nhập đã trích lập Quỹ không được sử dụng, sử dụng không hết 70% số Quỹ đã trích lập) vào Quỹ phát triển KH&CN quốc gia hoặc Quỹ của các bộ chủ quản, tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đăng ký nộp thuế. Nếu tổng số tiền Quỹ đã sử dụng và số tiền nộp về Quỹ quốc gia, bộ/ngành, địa phương nhỏ hơn 70% số Quỹ đã trích lập thì doanh nghiệp sẽ phải nộp thuế và lãi trên số tiền Quỹ còn lại. Số tiền Quỹ còn lại sau khi nộp thuế và lãi, doanh nghiệp được sử dụng theo quy định. Nếu doanh nghiệp nhà nước sử dụng Quỹ không đúng mục đích thì phải nộp ngân sách nhà nước phần thuế thu nhập doanh nghiệp tính trên khoản thu đã trích lập quỹ mà sử dụng không đúng mục đích và phần lãi phát sinh từ số thuế thu nhập doanh nghiệp đó; (2) Đối với các doanh nghiệp khác, họ được quyền đóng góp vào các Quỹ của tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp nộp thuế. Nếu không đóng góp vào các Quỹ này hoặc có đóng góp nhưng không sử dụng, sử dụng không hết 70% hoặc sử dụng không đúng mục đích thì phải nộp ngân sách nhà nước phần thuế thu nhập doanh nghiệp tính trên khoản thu đã trích lập Quỹ mà sử dụng không đúng mục đích và phần lãi phát sinh từ số thuế thu nhập doanh nghiệp đó. Số tiền này có thể được hoàn trả về cho doanh nghiệp khi họ có nhu cầu sử dụng.

Với những nội dung đổi mới chính nêu trên, Thông tư 12 được hy vọng là sẽ khắc phục những tồn tại trong việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ phát triển KH&CN tại doanh nghiệp, đảm bảo huy động tối đa các nguồn lực xã hội đầu tư cho KH&CN, nhất là nguồn lực từ doanh nghiệp.

Trần Xuân Đích, Đào Quang Thủy

Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, Bộ KH&CN

Nguyễn Hồng Vân, Kiều Hạnh Nga

Vụ Tài chính, Bộ KH&CN

Tài liệu tham khảo

1. Luật KH&CN số 29/2013/QH13 ngày 18/6/2013 của Quốc hội.

2. Luật Chuyển giao công nghệ số 80/2006/QH11 ngày 29/11/2006 của Quốc hội.

3. Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29/11/2005 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2006.

4. Luật số 36/2009/QH12 ngày 19/6/2009 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2010.

5. Nghị định số 133/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ.

6. Nghị định số 13/2012/NĐ-CP ngày 2/3/ 2012 của Chính phủ về ban hành Điều lệ sáng kiến.

7. Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN.

Nguồn: khoahocvacongnghevietnam.com.vn

Số lượt đọc: 4839

Về trang trước Về đầu trang