Tin KHCN trong tỉnh
Doanh nghiệp du lịch chủ động chống biển xâm thực (08/08/2016)
-   +   A-   A+   In  

Hiện tượng biển xâm thực đất liền diễn ra ngày càng nghiêm trọng ở một số khu vực ven biển, trải dài từ TP. Vũng Tàu đến huyện Xuyên Mộc. Để ngăn chặn, ngoài một số công trình kè chắn sóng đã được Sở KH-CN đầu tư, một số DN du lịch cũng chủ động tìm những giải pháp hiệu quả.

Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, khoảng 5 năm gần đây, trên địa bàn tỉnh BR-VT, biển xâm thực diễn ra nhanh và mạnh hơn. Khu vực bờ biển xói lở nghiêm trọng đa phần gần cửa sông lớn, có dòng chảy ven bờ phức tạp như: Hồ Tràm - Hồ Cốc, Bình Châu (huyện Xuyên Mộc), Lộc An (huyện Đất Đỏ); Trại Nhái (TP.Vũng Tàu). Từ tháng 4 đến tháng 12 (âm lịch) hàng năm là khoảng thời gian biển xâm thực dữ dội nhất.

Để ứng phó, nhiều DN du lịch đã tự xây kè chắn sóng. Chẳng hạn, KDL biển Viễn Đông (xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc) dùng cừ tràm đóng xuống biển, đổ đá hai bên và dằn bê tông lên tạo thành dải hàng rào dài gần 250m chắn sóng. Gần KDL biển Viễn Đông, KDL Hương Phong cũng xây dựng phương án bảo vệ bãi biển bằng bức tường bê tông dày 1 mét, chạy dọc theo mép biển. Bãi tắm Thanh Thanh tận dụng những tấm tôn cứng đã qua sử dụng ghép lại tựa những lá chắn dọc theo khu bãi tắm để chống xói lở.

Khu vực gần Khu biệt thự resort Rừng Dương (ấp Tân Phước, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) nằm phía đầu nhánh sông Cửa Lấp là một trong 6 điểm được Sở KH-CN xác định là có mức độ sạt lở cao trong tỉnh. Bà Nguyễn Thu Hương, Tổng Giám đốc Công ty CP Rừng Dương cho biết, năm 2008 xây dựng khu biệt thự Resort Rừng Dương, thì biển đã xâm thực vào đất dự án của công ty khoảng 31m chiều ngang và 213m chiều dọc, tổng diện tích đất bị nước biển cuốn trôi khoảng 7.000m2. Trước thực trạng này, năm 2008, để triển khai dự án, Công ty CP Rừng Dương đã xin UBND tỉnh cho phép DN tự lắp đặt bờ kè bằng bao cát chắn sóng, nhưng bờ kè sớm bị sóng đánh sập. Năm 2015, DN đầu tư khoảng 40 tỷ đồng xây dựng kè chắn sóng dài khoảng 200m sử dụng công nghệ mềm Stabiplage (của Pháp) được gia cố bởi cọc cừ Polyme. Sau khi sử dụng giải pháp Stabiplage thì hiện tượng xói lở đã giảm.

Trong khi ngân sách của tỉnh còn hạn hẹp thì việc các DN bỏ ra tiền tỷ, thậm chí là hàng chục tỷ đồng để đầu tư xây dựng công trình chắn sóng là giải pháp rất hữu hiệu. “Cách làm này có thể huy động được nguồn vốn nhanh, kịp thời nhưng cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng địa hình, dòng chảy, chế độ thủy động lực… để áp dụng các giải pháp công nghệ phù hợp, tránh lãng phí”, PSG.TS Nguyễn Thế Biên, Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam nhận định.

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Biên (Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam), chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu đánh giá tổng thể hiện trạng xói lở - bồi lấp vùng ven biển tại BR-VT”, hiện có 4 công trình bảo vệ bờ biển đã được xây dựng tại BR-VT gồm: Đê Phước Tỉnh giai đoạn 1 dài 1.625m đưa vào sử dụng từ năm 2004; kè bảo vệ bằng công nghệ “mềm” Stabiplage dài 1,5km tại bờ biển Lộc An; công trình gia cố chống sạt lở bờ biển tại vòng cung mũi Ba Kiềm bằng đá hộc vào năm 2009 và khu neo đậu tránh trú bão tại cửa Bến Lội (huyện Xuyên Mộc) khánh thành vào năm 2011. Trong đó, giải pháp công nghệ “mềm” Stabiplage có ưu thế vượt trội, phù hợp với mục tiêu phát triển du lịch của địa phương. Công trình giúp hạn chế xói lở đường bờ, đồng thời phục hồi bãi cát trung bình khoảng 25-30m/năm, có nơi từ 60-70m/năm. Cát được bồi tụ mạnh, chiều cao đồi cát có nơi hơn 6m.

 

Nguồn: http://baobariavungtau.com.vn/

Số lượt đọc: 5458

Về trang trước Về đầu trang