Tin KHCN nước ngoài
Bằng chứng mới cho thấy hệ miễn dịch có thể đang kiểm soát hành vi của chúng ta (22/07/2016)
-   +   A-   A+   In  

Tất cả chúng ta đều thường nghĩ rằng mình là một cá thể hoàn toàn duy nhất, độc lập và chịu trách nhiệm cho số phận của chính mình. Nhưng nghiên cứu mới đây đã tìm thấy bằng chứng cho thấy hành vi của chúng ta và thậm chí cả tính cách của chúng ta có thể bị ảnh hưởng bởi một cái gì đó hoàn toàn bất ngờ đó là hệ miễn dịch của chúng ta.

Mới đây, các nhà nghiên cứu từ Trường y, Đại học Virginia đã chỉ ra rằng bằng cách bất hoạt chỉ một phân tử miễn dịch ở chuột, họ có thể thay đổi cách những con vật này hành xử và tương tác với nhau - điều này cho thấy hệ miễn dịch có thể đóng một vai trò nào đó trong việc gây ra các bệnh như rối loạn phổ tự kỷ hay tâm thần phân liệt.

 

Việc phục hồi phân tử này có thể làm các hành vi của chuột trở lại bình thường.

 

TS. Jonathan Kipnis, Chủ nhiệm Khoa Khoa học thần kinh của Đại học Virginia giải thích: "Thật điên rồ, nhưng có lẽ cơ thể của chúng ta chỉ là một chiến trường đa bào nơi các tác nhân gây bệnh và hệ miễn dịch luôn chiến đấu với nhau. Một phần của tính cách của chúng ta thực sự có thể do hệ miễn dịch quyết định".

 

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Virginia chỉ ra rằng phân tử miễn dịch trong nghiên cứu này là phân tử gamma interferon, dường như đóng vai trò quan trọng đối với hành vi xã hội và một loạt các sinh vật như ruồi, cá vằn và chuột đều kích hoạt phân tử này khi chúng tương tác với nhau. Thông thường, phân tử gamma interferon được hệ miễn dịch sản sinh ra để phản ứng với các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus hay ký sinh trùng. Loại phản ứng miễn dịch này là một phần của hệ miễn dịch thích ứng và cho đến năm ngoái, não và hệ miễn dịch vẫn được cho là độc lập với nhau.

 

Nhưng tất cả đã thay đổi vào năm 2015, khi Kipnis và các cộng sự lần đầu tiên phát hiện ra rằng các mạch của màng não kết nối trực tiếp não với hệ bạch huyết, có nghĩa là bộ não và hệ miễn dịch có thể tương tác trực tiếp, điều mà trước đây được cho là không thể.

 

Kipnis giải thích, bộ não và hệ miễn dịch được cho là độc lập với nhau và bất kỳ hoạt động miễn dịch nào trong não cũng được coi là dấu hiệu của một bệnh lý. Và giờ đây, chúng tôi biết rằng chúng không chỉ tương tác chặt chẽ với nhau, mà một số đặc điểm hành vi của chúng ta còn có thể đã tiến hóa do phản ứng miễn dịch của chúng ta với các tác nhân gây bệnh.

 

Mối liên kết giữa phản ứng miễn dịch và não có thể giải thích rất nhiều - trong nhiều năm, các nhà khoa học đã nghi ngờ rằng các bệnh như trầm cảm, tự kỷ và tâm thần phân liệt có thể bằng cách nào đó được kích hoạt bởi hệ miễn dịch và nghiên cứu này đưa ra một lời giải thích hợp lý cho việc này có thể xảy ra như thế nào.

 

Tuy nhiên, Kipnis và các cộng sự đã tiến thêm một bước cao hơn và đưa ra giả thuyết rằng, nếu các tác nhân gây bệnh và hệ miễn dịch có thể được liên kết với các điều kiện xã hội nhất định, sau đó nó cũng có thể ảnh hưởng đến các tương tác xã hội rộng hơn và tính cách của chúng ta.

 

Như các nhà nghiên cứu Đại học Virginia giải thích: "Mối quan hệ giữa con người với các tác nhân gây bệnh có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển hành vi xã hội của chúng ta, cho phép chúng ta tham gia vào các tương tác xã hội cần thiết cho sự sống còn trong khi phát triển các cách thức cho hệ miễn dịch bảo vệ chúng ta khỏi các bệnh tật đi kèm với những tương tác này".

 

Để nghiên cứu xem liệu điều này có thể chỉ là một trường hợp hay không, trong nghiên cứu mới đây, các nhà nghiên cứu làm bất hoạt phân tử miễn dịch interferon gamma ở chuột, ruồi và cá vằn. Do phân tử này thông báo cho hệ miễn dịch biết khi tác nhân gây bệnh xuất hiện, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm xem điều gì sẽ xảy ra khi sự tương tác đó bị đóng lại.

 

Trong tất cả các loài nêu trên, nhóm nghiên cứu đã chỉ ra rằng phân tử interferon gamma là cần thiết cho tương tác xã hội bình thường. Họ phát hiện ra rằng việc bất hoạt phân tử này ở chuột làm cho não của động vật được kết nối quá mức, làm cho những con chuột ít sẵn sàng để tương tác với những con chuột khác.

 

Việc khôi phục lại phân tử này làm não của chúng phục hồi lại bình thường và những con chuột này cũng phục hồi các hoạt động xã hội, cho thấy mối liên kết rõ ràng giữa hệ miễn dịch và hành vi - ít nhất là ở chuột.

 

Nhóm nghiên cứu đã công bố nghiên cứu của mình trên tạp chí Nature và kết luận rằng các phân tử miễn dịch đóng một "vai trò quan trọng trong việc duy trì chức năng xã hội thích hợp". Tuy nhiên vẫn cần tiến hành thêm các nghiên cứu để tìm hiểu xem liệu phân tử interferon gamma có đóng vai trò tương tự ở người hay không.

 

Vẫn còn quá sớm nhưng sự hiểu biết sâu sắc về cách các tác nhân gây bệnh và hệ miễn dịch có thể kiểm soát hành vi của chúng ta như thế nào mở ra rất nhiều tiềm năng để hiểu rõ thêm lý do tại sao chúng ta hành động theo cách của chúng ta và lý do tại sao một số vấn đề đôi khi bị sai hỏng. Một ngày nào đó, sự hiểu biết này thậm chí có thể đưa đến các phương pháp điều trị mới cho những người bị rối loạn xã hội.

 

"Các phân tử miễn dịch đang thực sự xác định cách thức bộ não hoạt động. Vì vậy, tác động tổng thể của hệ miễn dịch đối với sự phát triển và chức năng của não bộ của chúng ta là gì?" Kipnis nói. "Tôi nghĩ rằng những khía cạnh triết học của nghiên cứu này là rất thú vị, nhưng nó cũng có tiềm năng đưa đến các ứng dụng lâm sàng rất quan trọng".

Nguồn: vista.gov.vn

Số lượt đọc: 3123

Về trang trước Về đầu trang