Tin KHCN nước ngoài
Gà có thể đuổi muỗi mang mầm bệnh sốt rét (26/07/2016)
-   +   A-   A+   In  

Một nghiên cứu mới của trường Đại học khoa học nông nghiệp Thụy Điển đã bất ngờ phát hiện ra khả năng chống sốt rét của chất thơm tỏa ra từ gà.

Nhóm nghiên cứu đã xem xét hành vi của muỗi Anopheles arabiensis mang mầm bệnh sốt rét trong ba ngôi làng ở miền Tây Ethiopia, nơi người dân thường chăn nuôi gia súc tại hộ gia đình. Kết quả cho thấy muỗi thích hút máu người hơn máu động vật và khi ở ngoài trời, muỗi ngẫu nhiên hút máu của bò, cừu và dê.

 

Tuy nhiên, dù ở trong nhà hay ngoài trời, muỗi An. arabiensis đều tránh xa gà ngay cả khi có nhiều gà ở xung quanh. Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng loài muỗi này cũng tránh cả loài chim.

 

Vì muỗi Anopheles chủ yếu sử dụng khứu giác để tìm vật chủ, nên các nhà khoa học đã thu gom lông, len và lông vũ từ bò, cừu, dê và gà tại các ngôi làng và xác định những hợp chất tạo hương thơm được gọi là chất thơm đặc trưng cho mỗi loài và sau đó đã nghiên cứu khả năng đuổi muỗi của các chất thơm này.

 

Rickard Ignell, đồng tác giả nghiên cứu cho rằng: "Chất thơm tỏa ra từ gà đóng vai trò như chất đuổi muỗi tự nhiên".

 

Để kiểm tra thêm khả năng đuổi muỗi của các chất thơm này, nhóm nghiên cứu đã để các tình nguyện viên ngủ trong màn không được xử lý bằng thuốc tại những căn nhà mái tranh của một ngôi làng, sau đó đặt bẫy để hút muỗi bay đến gần người ngủ. Trong 11 căn nhà, nhóm nghiên cứu đã thu hút muỗi vào bẫy bằng nhiều loại chất thơm và sau đó đã thu gom muỗi qua đêm.

 

Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng muỗi bị mắc bẫy được xử lý bằng chất thơm của gà ít hơn so với bẫy có các chất thơm khác. Thậm chí khi treo một con gà sống trong lồng và đặt gần bẫy muỗi cũng đã tạo ra hiệu ứng đuổi muỗi tương tự.

 

Các nhà nghiên cứu vẫn chưa chắc chắn về lý do tại sao chất thơm của gà lại có khả năng đuổi. Tuy nhiên, ông Ignell cho rằng có thể là do máu của gà không giàu dinh dưỡng hoặc khó tiêu hóa. Khả năng nữa là gà đe dọa đến muỗi nên muỗi phải tránh xa gà.

 

Phát hiện nghiên cứu có thể dẫn đến sự ra đời của các chất đuổi muỗi mới hoàn toàn tự nhiên kết hợp với các công cụ như màn ngủ để bảo vệ con người khỏi căn bệnh sốt rét.

 

Theo Tổ chức y tế thế giới, năm 2015 trên toàn cầu đã có 214 triệu trường hợp mắc bệnh sốt rét và 438.000 người chết vì căn bệnh này. Các khu vực ảnh hưởng nặng nề nhất là châu Phi cận Sahara. Năm 2015, khu vực này tập trung 88% trường hợp mắc sốt rét và 90% người chết vì sốt rét.

 

Sốt rét lan truyền qua một số loài muỗi như Anopheles. Việc sử dụng phổ biến phương thức phun thuốc trong nhà và màn xử lý bằng thuốc đã hạn chế đáng kế số lượng muỗi Anopheles gambiae mang mầm bệnh sốt rét ở nhiều khu vực của châu Phi cận Sahara. Tuy nhiên, loài muỗi Anopheles arabiensis đã xuất hiện như một mối đe dọa mới mà không thể kiểm soát chúng bằng phương thức như nhau. Khác với An. gambiae, muỗi An. arabiensis không chỉ tấn công người ở trong nhà mà cả ngoài trời.

 

"Việc xác định các chất đuổi muỗi mới mà các côn trùng ít có khả năng phát triển khả năng kháng lại là yêu cầu bức thiết" Ignell nói. "Sử dụng các chất đuổi muỗi tự nhiên thân thiện với sinh thái chắc chắn là lựa chọn hiệu quả hơn là phát triển các chất tổng hợp mới mà chúng ta không xác định được phương thức hoạt động của chúng”.

 

Trong tương lai, cần nghiên cứu sâu hơn để xác định cụ thể nồng độ chất thơm từ gà có khả năng đuổi muỗi hiệu quả nhất.

Nguồn: vista.gov.vn

Số lượt đọc: 3053

Về trang trước Về đầu trang