Tin KHCN trong nước
Bước phát triển mới cho công nghệ vũ trụ Việt Nam khi phóng vệ tinh rada vào năm 2019 (26/05/2016)
-   +   A-   A+   In  
Đầu năm 2019, Việt Nam sẽ phóng vệ tinh LOTUSat-1, vệ tinh quan sát trái đất bằng công nghệ rada.

Tiết kiệm 150 triệu USD mỗi năm

Vệ tinh LOTUSat-1 nặng 600 kg, gấp 4 lần VNRED Sat-1 với công nghệ hiện đại hơn là công nghệ rada. Nhờ đó, có thể chụp ảnh trong nhiều điều kiện thời tiết khác nhau, độ phân giải cũng cao hơn. Nếu VNRED Sat-1 có khả năng chụp các vật thể từ 2,5m thì LOTUSat-1 có thể phát hiện các vật thể từ 1m trở lên.

LOTUSat-1 sẽ do Nhật Bản chế tạo với sự tham gia của các kỹ sư Việt Nam. Đến LOTUSat-2, việc thiết kế, chế tạo sẽ diễn ra ở Việt Nam, do đội ngũ người Việt thực hiện, đánh dấu một bước tiến trong khả năng làm chủ công nghệ vũ trụ của người Việt. Để thu ảnh của LOTUSat-1, một trạm thu ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc và một trạm thu ở TP.HCM đang được tiến hành xây dựng.

Cán bộ của Trung tâm Vệ tinh quốc gia được cử đi học tại Nhật Bản phục vụ cho việc chế tạo LOTUSat-2.

Cán bộ của Trung tâm Vệ tinh quốc gia được cử đi học tại Nhật Bản phục vụ cho việc chế tạo LOTUSat-2

Đánh giá về hai vệ tinh này, trong báo cáo về tính khả thi của dự án phóng vệ tinh LOTUSat-1 và LOTUSat-2, các chuyên gia của JICA Nhật Bản cho biết, hai vệ tinh này sẽ đưa ra các dữ liệu góp phần tăng hiệu quả của sản xuất nông nghiệp, tiết kiệm 150 triệu USD/năm cho Việt Nam trong việc giảm thiệt hại bởi thiên tai. Trong khi đó, tổng trị giá để hoàn thành dự án vào khoảng 600 triệu USD chi phí cho vệ tinh, đào tạo nhân lực và các trạm vận hành mặt đất, hai vệ tinh dự kiến sẽ hoạt động trong khoảng 8 năm kể từ khi được phóng lên quỹ đạo.

Công nghệ vũ trụ Việt Nam sẽ đứng top đầu ở Đông Nam Á

Theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Vệ tinh Quốc gia, việc thiết kế, chế tạo LOTUSat-1 và LOTUSat-2 chỉ là hợp phần trong Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. Dự án có vốn đầu tư 600 triệu USD (là dự án KHCN lớn nhất Việt Nam 35 năm qua) đang triển khai nhiều hợp phần để thúc đẩy phát triển công nghệ vũ trụ ở Việt Nam.

Đào tạo bài bản ngành công nghệ vũ trụ ở Việt Nam gồm việc đào tạo kỹ sư, thạc sỹ tại ba trường đại học là Trường Đại học Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Công nghệ của Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Quốc tế của Đại học Quốc gia TP.HCM.

Bên cạnh đó còn cử 35 cán bộ đi học thạc sỹ ngành công nghệ vũ trụ tại Nhật Bản. Nhóm cán bộ này đang trực tiếp thiết kế, chế tạo, thử nghiệm vệ tinh MicroDragon dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các giáo sư Nhật Bản. Vệ tinh này có kích thước 50 x 50 x 50 cm, khối lượng khoảng 50 kg, có nhiệm vụ quan sát vùng biển ven bờ nhằm đánh giá chất lượng nước, định vị nguồn thủy sản, theo dõi sự thay đổi các hiện tượng xảy ra ở vùng biển ven bờ để phục vụ cho ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam. Dự kiến tháng 9/2017 sẽ hoàn thành để phóng lên quỹ đạo.

Các kỹ sư Việt Nam thử nghiệm vệ tinh Micro Dragon tại Nhật Bản. Ảnh: VNSC

Các kỹ sư Việt Nam thử nghiệm vệ tinh Micro Dragon tại Nhật Bản. Ảnh: VNSC

Trước đó, năm 2006, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ Việt Nam đến 2020. Nhờ đó, Việt Nam đã phóng thành công vệ tinh địa tĩnh Vinasat-1 và Vinasat-2. Năm 2013, phóng thành công vệ tinh quan sát trái đất VNRED Sat-1. Các kỹ sư Việt Nam cũng chế tạo được vệ tinh Pico Dragon “made in Viet Nam” hoàn toàn.

Theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn, ngành công nghệ vũ trụ Việt Nam có trình độ trung bình ở khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, khi dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam hoàn thành, Việt Nam sẽ vào top đầu của Đông Nam Á về công nghệ vũ trụ. Đây cũng là đánh giá của các chuyên gia Nhật Bản khi hợp tác với Việt Nam. Hiện tại, Việt Nam đang mở rộng hợp tác quốc tế về công nghệ vũ trụ với nhiều quốc gia gồm Mỹ, Nga, Pháp và Nhật Bản. 

Năm 2017 sẽ mở cửa Bảo tàng khoa học vũ trụ Việt Nam

Bên cạnh việc đào tạo kỹ sư, thạc sỹ công nghệ vũ trụ, nhiều dự án nuôi dưỡng đam mê khoa học vũ trụ cho học sinh sẽ được triển khai trong thời gian tới. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam sẽ ký với Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) một dự án truyền bá kiến thức vũ trụ cho giáo viên, học sinh các trường phổ thông.

Dự án Bảo tàng khoa học vũ trụ Việt Nam cũng đang được triển khai. Bảo tàng sẽ có phòng vũ trụ, đài thiên văn, nhà chiếu hình vũ trụ để học sinh, sinh viên đến tham quan có nhiều trải nghiệm như quan sát kính thiên văn, di chuyển vào môi trường không trọng lực… Dự kiến bảo tàng sẽ mở cửa đón khách vào cuối năm 2017.

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 11414

Về trang trước Về đầu trang

TIN TỨC KHÁC
  • Bộ KH&CN giải đáp cho doanh nghiệp về hiệu lực Giấy chứng nhận hợp quy (22/10/2018)
  • Hiện trạng và giải pháp ứng dụng công nghệ bảo quản trên tàu khai thác xa bờ và tàu hậu cần thuỷ sản của tỉnh BR-VT (22/10/2018)
  • Công nghệ chế biến một số sản phẩm giá trị gia tăng từ nguyên liệu còn lại trong công nghiệp chế biến cá (19/10/2018)
  • Hội nghị Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ ASEAN không chính thức lần thứ 10 (IAMMST-10) (19/10/2018)
  • Giải pháp ứng dụng công nghệ thủy phân đối với nguyên liệu cá tạp và triển vọng ứng dụng (18/10/2018)
  • Giải pháp công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm surimi và sản phẩm mô phỏng từ surimi trong quá trình chế biến và bảo quản tại các nhà máy chế biến surimi trên địa bàn tỉnh (18/10/2018)
  • Ứng dụng kỹ thuật sấy bằng bơm nhiệt (heat pump) để cải thiện chất lượng và tiết kiệm năng lượng cho quá trình sản xuất các sản phẩm khô thủy sản (18/10/2018)
  • Những giải pháp công nghệ mới trong sản xuất chitin, chitosan từ phế liệu của các nhà máy chế biến (tôm, mực, ghẹ, …) trên địa bàn tỉnh BR-VT (18/10/2018)
  • Công nghệ sản xuất collagen, gelatine từ nguyên liệu còn lại của nhà máy chế biến thủy sản (xương, da, vây, vẩy) và khả năng ứng dụng trên địa bàn tỉnh BR-VT (17/10/2018)
  • Ứng dụng công nghệ trong thu hồi protein từ nước rửa trong quá trình sản xuất surimi, chả cá tại các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh BR-VT (17/10/2018)