Tin KHCN trong nước
Chế tạo thành công bộ sinh phẩm xác định vi khuẩn gây nhiễm khuẩn huyết (30/03/2016)
-   +   A-   A+   In  

Nhóm nghiên cứu của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 do PGS.TS Lê Hữu Song đứng đầu vừa nghiên cứu chế tạo thành công bộ sinh phẩm xác định các vi khuẩn gây nhiễm khuẩn huyết thường gặp và phát hiện gen kháng sinh.

Toàn cảnh buổi nghiệm thu (Ảnh: Hạnh Nguyên)

 

Đây là kết quả chính của đề tài “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xác định vi khuẩn gây nhiễm khuẩn huyết thường gặp và phát hiện gen kháng sinh” (mã số KC.10.43/11-15), thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2011-2015 “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng” (mã số KC.10/11-15). Đề tài vừa được Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp Nhà nước do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức đánh giá nghiệm thu ngày 24/3/2016.

 

PGS.TS Lê Hữu Song, Chủ nhiệm đề tài cho biết, đề tài được thực hiện từ ngày 01/01/2014 đến ngày 01/12/2015. Đề tài hướng đến mục tiêu chế tạo được bộ sinh phẩm xác định các vi khuẩn gây nhiễm khuẩn huyết thường gặp; chế tạo được bộ sinh phẩm phát hiện gen kháng kháng sinh của các vi khuẩn gây nhiễm khuẩn huyết thường gặp, đồng thời đánh giá hiệu quả của các bộ sinh phẩm trên. Nhóm nghiên cứu xác định, phải thiết kế được bộ mồi có tính đặc hiệu và khả năng bắt cặp cao; loại bỏ được lượng dư thừa DNA người trong mẫu máu; tối ưu được các điều kiện của xét nghiệm PCR, đặc biệt là PCR đa mồi.

 

Với sự phối hợp của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện nhiệt đới Trung ương... đến nay, nhóm nghiên cứu đã chế tạo được bộ sinh phẩm xác định các vi khuẩn gây nhiễm khuẩn huyết thường gặp là Vi khuẩn Gram (-) và Vi khuẩn Gram (+). Ngưỡng phát hiện trung bình của bộ sinh phẩm là 10 CFU/ml máu. Sau 4 tháng bảo quản độ nhạy kỹ thuật và độ đặc hiệu của bộ sinh phẩm vẫn bảo đảm là 10 CFU/ml và 100%. Cùng với đó, đã chế tạo được bộ sinh phẩm phát hiện gene kháng kháng sinh của các vi khuẩn gây nhiễm khuẩn huyết thường gặp; sinh phẩm loại bỏ DNA người làm giàu DNA vi khuẩn (sản phẩm này không nằm trong yêu cầu của đề tài).

 

Bộ sinh phẩm được tạo ra đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Cụ thể, so với phương pháp cấy máu và bộ kit thương mại (CE-IVD Septifast), bộ sinh phẩm được tạo ra có độ nhạy, độ đặc hiệu tương đương (37%, 100% so với 39%, 33% và 100%). Khi kết hợp bộ sinh phẩm mới được tạo ra với cấy máu đã nâng độ nhạy lên 54% và độ đặc hiệu vẫn đạt 100%. Tức là, nếu sử dụng bộ sinh phẩm mới tạo ra sẽ nâng khả năng chẩn đoán mầm bệnh gây nhiễm khuẩn huyết lên 15%. Giá thành tạm tính của bộ sinh phẩm mới tạo ra thấp hơn gần 1/2 lần so với bộ kit thương mại CE-IVD septifast (2,5 triệu/mẫu so với 4,4 triệu/mẫu).

 

Bộ sinh phẩm phát hiện vi khuẩn (Ảnh: Hạnh Nguyên)

 

Bộ sinh phẩm được tạo ra có tính linh hoạt trong sử dụng, quy trình thực hiện đơn giản, thân thiện với người sử dụng. Đồng thời, có thể sử dụng trên nhiều thiết bị sinh học phân tử hiện có tại các phòng xét nghiệm của các Bệnh viện ở nước ta nên không cần phải đầu tư lớn. Nhóm nghiên cứu cũng đã kiến nghị được triển khai dự án sản xuất thử nghiệm bộ sinh phẩm đã được tạo ra trong thời gian tới.

 

Nhóm nghiên cứu cũng đã nghiên cứu tạo ra quy trình chế tạo sinh phẩm chẩn đoán các mầm bệnh gây nhiễm khuẩn huyết thương gặp; quy trình chế tạo sinh phẩm phát hiện các gene kháng kháng sinh của vi khuẩn gây nhiễm khuẩn huyết thường gặp; đưa ra tiêu chuẩn cơ sở của các bộ sinh phẩm trên tương đương với sản phẩm nhập khẩu cùng loại.

 

Ngoài những kết quả nói trên, đề tài đã công bố 6 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành uy tín trong nước và quốc tế; góp phần đào tạo 2 thạc sỹ, 1 tiến sĩ. Đặc biệt, có 2 đơn đăng ký bằng độc quyền sáng chế đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) chấp nhận đơn.

 

 

Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng đều đánh giá cao những kết quả đạt được của nhóm nghiên cứu và cho rằng đây là đề tài có ý nghĩa khoa học, thực tiễn lớn. Với những kết quả đạt được, Hội đồng nghiệm thu đã nhất trí thông qua đề tài và đánh giá xếp loại Xuất sắc.

Nguồn: most.gov.vn

Số lượt đọc: 6100

Về trang trước Về đầu trang

TIN TỨC KHÁC
  • Bộ KH&CN giải đáp cho doanh nghiệp về hiệu lực Giấy chứng nhận hợp quy (22/10/2018)
  • Hiện trạng và giải pháp ứng dụng công nghệ bảo quản trên tàu khai thác xa bờ và tàu hậu cần thuỷ sản của tỉnh BR-VT (22/10/2018)
  • Công nghệ chế biến một số sản phẩm giá trị gia tăng từ nguyên liệu còn lại trong công nghiệp chế biến cá (19/10/2018)
  • Hội nghị Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ ASEAN không chính thức lần thứ 10 (IAMMST-10) (19/10/2018)
  • Giải pháp ứng dụng công nghệ thủy phân đối với nguyên liệu cá tạp và triển vọng ứng dụng (18/10/2018)
  • Giải pháp công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm surimi và sản phẩm mô phỏng từ surimi trong quá trình chế biến và bảo quản tại các nhà máy chế biến surimi trên địa bàn tỉnh (18/10/2018)
  • Ứng dụng kỹ thuật sấy bằng bơm nhiệt (heat pump) để cải thiện chất lượng và tiết kiệm năng lượng cho quá trình sản xuất các sản phẩm khô thủy sản (18/10/2018)
  • Những giải pháp công nghệ mới trong sản xuất chitin, chitosan từ phế liệu của các nhà máy chế biến (tôm, mực, ghẹ, …) trên địa bàn tỉnh BR-VT (18/10/2018)
  • Công nghệ sản xuất collagen, gelatine từ nguyên liệu còn lại của nhà máy chế biến thủy sản (xương, da, vây, vẩy) và khả năng ứng dụng trên địa bàn tỉnh BR-VT (17/10/2018)
  • Ứng dụng công nghệ trong thu hồi protein từ nước rửa trong quá trình sản xuất surimi, chả cá tại các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh BR-VT (17/10/2018)