Tin KHCN trong nước
Khoa học-công nghệ và trăn trở về mục tiêu 'động lực phát triển' (20/01/2016)
-   +   A-   A+   In  

Với sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước qua những chủ trương, chính sách, thể chế và hệ thống pháp luật đã tạo điều kiện cho khoa học và công nghệ phát triển mạnh mẽ, từng bước hình thành, vận hành hiệu quả thị trường khoa học công nghệ...

Hệ thống văn bản chính sách pháp luật được hoàn thiện 

 

TTXVN dẫn lời ông Phạm Quang Trung, Phó Bí thư Đảng ủy chuyên trách, Bộ KHCN nhấn mạnh: Thành tựu quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển của khoa học và công nghệ chính là việc hệ thống văn bản chính sách pháp luật được hoàn thiện.

 

Quan điểm, đường lối và tầm nhìn dài hạn về phát triển khoa học và công nghệ được thể hiện tại Văn kiện Đại hội XI của Đảng năm 2011, Nghị quyết số 20 ngày 1/11/2012 Hội nghị Trung ương 6, khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

 

Đáng chú ý, ngày 11/4/2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 418 phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020 với mục tiêu đưa khoa học và công nghệ thực sự trở thành động lực then chốt, đảm bảo đến năm 2020 khoa học và công nghệ Việt Nam có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến, hiện đại của khu vực ASEAN và thế giới. 

 

Nghị quyết 20 và Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ là khung khổ cơ bản để xây dựng, ban hành Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 (sửa đổi) thay Luật khoa học và công nghệ năm 2000.

Thị trường khoa học và công nghệ được hình thành 


Thành tựu nổi bật của ngành khoa học, công nghệ trong giai đoạn 2011-2015 là tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 10-15%/năm theo phương pháp tính toán tốc độ đổi mới sáng tạo của châu Âu.

Tổng số bài báo, công trình khoa học được công bố quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2015 là 11.738, gấp 2,2 lần so với giai đoạn 2006-2010, đạt tốc độ tăng bình quân là 19,5%/năm.hệ.

Đáng chú ý, thị trường khoa học và công nghệ được hình thành nhằm tạo điều kiện trao đổi, mua bán công nghệ. Cùng với đó, hành lang pháp lý vận hành thị trường được bổ sung, hoàn thiện với các quy định mới về thành lập tổ chức trung gian, định giá tài sản trí tuệ, giao quyền sở hữu kết quả khoa học và công nghệ cho cơ quan chủ trì, phân chia lợi ích sau thương mại hóa… 

Các chương trình quốc gia thúc đẩy sự phát triển của thị trường cũng được triển khai tích cực: Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020; Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020; Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ; Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ. 

 

Mạng lưới các tổ chức trung gian tư vấn, đánh giá, môi giới chuyển giao công nghệ được tăng cường. Hoạt động của thị trường ngày càng sôi động với các chợ công nghệ và thiết bị quốc gia và quốc tế, sàn giao dịch công nghệ, hoạt động kết nối cung-cầu công nghệ ở các địa phương và vai trò gia tăng của các trung tâm ứng dụng và phát triển công nghệ ở 63 tỉnh, thành phố.

 

Hiện cả nước có 8 sàn giao dịch công nghệ đặt tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội. TPHCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Thái Bình, Nghệ An. Tổng giá trị giao dịch công nghệ giai đoạn 2011-2015 đạt hơn 13.700 tỉ đồng, tăng 3 lần so với giai đoạn trước. 

 

Trăn trở với mục tiêu trở thành động lực phát triển 

 

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận song lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ vẫn còn trầm lắng, chưa thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế-xã hội.

 

Cơ chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ đã từng bước được đổi mới nhưng chưa phát huy hiệu quả, công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ chưa gắn với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. 

 

Khoa học và công nghệ được Đảng và Nhà nước xác định là quốc sách hàng đầu cần ưu tiên đầu tư và tập trung mọi nguồn lực quốc gia để phát triển nhưng trên thực tế, nhiều cấp ủy đảng, chính quyền nhận thức về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ chưa thật đầy đủ, chưa coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, chưa bố trí cán bộ lãnh đạo có đủ thẩm quyền trực tiếp chỉ đạo công tác khoa học và công nghệ.

 

Bên cạnh đó, việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về khoa học và công nghệ còn thiếu chủ động, quyết liệu. Chưa có giải pháp đồng bộ và cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả. Sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành và giữa Trung ương với các địa phương chưa chặt chẽ.

 

Đặc biệt, đầu tư nguồn lực cho khoa học và công nghệ chưa tương xứng, chưa tạo được môi trường minh bạch trong hoạt động.

 

Vì vậy, giai đoạn tới, ngành khoa học và công nghệ tiếp tục đề ra các phương hướng, giải pháp chiến lược để đưa khoa học và công nghệ thực sự trở thành động lực phát triển, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Nguồn: TTXVN

Số lượt đọc: 7149

Về trang trước Về đầu trang