Tin KHCN trong nước
Quy định mới về khoán chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước (06/01/2016)
-   +   A-   A+   In  

Sáng 30/12/2015, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân và Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã ký ban hành Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT/BKHCN-BTC ngày 30/12/2015 quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước (gọi tắt là Thông tư liên tịch 27).

Lãnh đạo Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ ký Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT/BKHCN-BTC (Ảnh: Ngũ Hiệp)

 

Thông tư liên tịch 27 được ban hành trong tiến trình đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, phương thức đầu tư và cơ chế tài chính theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Hội nghị lần thứ 6, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Phát triển KH&CN phục vụ công nghiệp hóa và hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Luật KH&CN năm 2013 và Nghị định số 95/2015/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN.

 

Cùng với tiến trình đổi mới từ khâu xác định, tuyển chọn, xây dựng dự toán thực hiện nhiệm vụ KH&CN, đổi mới cơ chế khoán chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN đóng vai trò then chốt trong việc hỗ trợ phát triển các hoạt động nghiên cứu KH&CN phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế của đất nước. Thông tư liên tịch 27 được ban hành nhằm trao quyền chủ động cho chủ nhiệm nhiệm vụ và tổ chức chủ trì trong việc sử dụng kinh phí thực hiện nhiệm vụ; đơn giản, thuận lợi hơn cho các chủ nhiệm nhiệm vụ và tổ chức chủ trì trong việc thực hiện các thủ tục thanh quyết toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ.

 

Một số điểm đổi mới nổi bật trong cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN quy định tại Thông tư liên tịch 27 là: Về phương thức khoán chi, nhiệm vụ KH&CN được khoán chi theo một trong hai phương thức: (1) Khoán chi đến sản phẩm cuối cùng: áp dụng đối với các nhiệm vụ được xác định rõ tên sản phẩm cụ thể; chỉ tiêu chất lượng chủ yếu của sản phẩm, đơn vị đo, mức chất lượng hoặc yêu cầu khoa học cần đạt được; số lượng quy mô sản phẩm tạo ra; địa chỉ ứng dụng; có tổng dự toán các khoản chi sửa chữa, mua sắm tài sản, đoàn ra không quá 01 tỷ đồng; (2) Khoán chi từng phần: áp dụng đối với các nhiệm vụ không đủ điều kiện khoán chi đến sản phẩm cuối cùng. Trong khoán chi từng phần, cơ bản các nội dung kinh phí được thực hiện khoán chi (tiền công, hội thảo, công tác trong nước, …); chỉ không khoán chi đối với các nội dung mua nguyên nhiên, vật liệu, phụ tùng chưa được ban hành định mức kinh tế kỹ thuật; sửa chữa, mua sắm tài sản cố định, đoàn ra.

 

Về sử dụng kinh phí khoán, trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, chủ nhiệm nhiệm vụ và tổ chức chủ trì được chủ động thực hiện các khoản chi theo thực tế phát sinh để đáp ứng yêu cầu khoa học của nhiệm vụ, không phụ thuộc vào định mức chi và dự toán của từng nội dung chi được duyệt trong tổng số các nội dung chi được giao khoán. Kinh phí giao khoán tiết kiệm do không chi hết được để lại cho tổ chức chủ trì quyết định phương án sử dụng.

 

Điểm mới trong thanh toán, tạm ứng kinh phí theo Thông tư này là tạm ứng kinh phí được thực hiện theo tiến độ hợp đồng nghiên cứu và phát triển KH&CN; thanh toán tạm ứng được căn cứ vào bảng kê khối lượng công việc đã thực hiện; kho bạc nhà nước không kiểm soát chứng từ chi tiết.

 

Liên quan đến quyết toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ, nhiệm vụ được quyết toán một lần sau khi hoàn thành và các bên đã tiến hành thanh lý hợp đồng; đối với nhiệm vụ thực hiện trong nhiều năm, hàng năm chỉ cần gửi báo cáo cơ quan quản lý cấp trên về số kinh phí thực nhận, thực chi.

 

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân phát biểu tại Lễ ban hành Thông tư liên tịch 27 (Ảnh: Ngũ Hiệp)

 

Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, đây là một văn bản pháp quy có ý nghĩa lớn, đột phá, thúc đẩy hoạt động KH&CN, đặc biệt tiếp cận kinh tế thị trường và hướng đến thông lệ quốc tế. Đồng thời là động lực để các nhà khoa học nghiên cứu tạo ra những sản phẩm có giá trị theo đặt hàng của Nhà nước nhưng vẫn đảm bảo các nguyên tắc quản lý tài chính.

 

Cùng với Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT/BTC-BKHCN ngày 22/4/2015 hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước, Thông tư liên tịch 27 sẽ đảm bảo đồng bộ quy trình quản lý kinh phí từ ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ KH&CN bao gồm: lập dự toán, quản lý sử dụng (giao khoán, kiểm soát chi, tạm ứng và thanh toán tạm ứng, kiểm tra, thanh quyết toán).

 

Thông tư liên tịch 27 có hiệu lực từ ngày 15/2/2016 và sẽ thay thế các nội dung đã quy định tại Thông tư liên tịch số 93/2006/TTLT/BTC-BKHCN ngày 04/10/2006 của liên Bộ Tài chính và Khoa học và Công nghệ hướng dẫn chế độ khoán kinh phí của đề tài, dự án KH&CN đã ban hành và triển khai rộng rãi trong 10 năm qua.

Nguồn: most.gov.vn

Số lượt đọc: 7200

Về trang trước Về đầu trang