Tin KHCN trong nước
Triển khai Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam: Thực hiện có trọng tâm, trọng điểm (17/04/2018)
-   +   A-   A+   In  

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại cuộc họp mới đây về triển khai Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 15/3/2018 (Quyết định số 319), phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035.

Ngành công nghiệp nền tảng
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, cơ khí là ngành công nghiệp nền tảng, có vị trí quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, so với yêu cầu, tiềm năng, lợi thế, những kết quả đạt được của ngành chưa được như mong muốn và mục tiêu đề ra. Do đó, tại Quyết định số 319, cơ khí được coi là ngành công nghiệp nền tảng với trọng tâm phát triển cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp, ôtô, thiết bị công trình công nghiệp, thiết bị điện và công nghiệp hỗ trợ…

Khẳng định tầm quan trọng trong việc triển khai chiến lược, ông Phạm Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) - cho biết, Bộ Công Thương sẽ tổ chức thực hiện chiến lược với định hướng và mục tiêu cụ thể theo Quyết định số 319. Ngành cơkhí sẽ hướng tới sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế; đội ngũ lao động chuyên nghiệp, có kỷ luật và năng suất cao, chủ động trong các khâu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo sản phẩm cơ khí, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản phẩm cơ khí của thị trường trong nước. Giai đoạn đến năm 2020, sản lượng xuất khẩu đạt 35% tổng sản lượng ngành cơ khí; giai đoạn đến năm 2030 đạt 40% và đến năm 2035 đạt 45%.

Lộ trình cụ thể
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Cục Công nghiệp đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu ngành cơ khí trong và ngoài nước nói chung, cơ khí trọng điểm nói riêng trên trang thông tin điện tử của Cục. Bên cạnh đó, Cục đang nghiên cứu xây dựng Nghị định chính sách ưu đãi, hỗ trợ ngành công nghiệp chế tạo, trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới.

Về phía Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), sẽ chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát và đề xuất chính sách ưu đãi về thuế nhập khẩu cho những dự án sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm. Đặc biệt, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số có nhiệm vụ tuyên truyền trên các phương tiện thông tin của Bộ trong việc sử dụng thiết bị cơ khí sản xuất trong nước.

Để tập trung triển khai chiến lược hiệu quả, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chỉ đạo Vụ khoa học và Công nghệ phối hợp với Cục Công nghiệp, các đơn vị liên quan xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm cơ khí chế tạo quan trọng trong lĩnh vực ôtô, máy nông nghiệp và thiết bị điện, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. “Bên cạnh đó, xây dựng các rào cản kỹ thuật theo hướng nâng cao chất lượng đối với sản phẩm cơ khí nhập khẩu” - Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải yêu cầu các cục, vụ phải làm việc trực tiếp với doanh nghiệp cơ khí, Hiệp hội Cơ khí Việt Nam; tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp trong quá trình triển khai thực hiện.

Nguồn: Báo Công Thương

Số lượt đọc: 4097

Về trang trước Về đầu trang